Giải quyết việc chấm dứt nuôi con nuôi thuộc thẩm quyền của TAND cấp huyện

Ông Trần Hữu Kim (xã Thạch Hưng, TP Hà Tĩnh hỏi): Tôi muốn hỏi khi nào được chấm dứt việc nuôi con nuôi? Nơi có thẩm quyền giải quyết việc chấm dứt nuôi con nuôi là đâu?

Ảnh minh họa.

Ảnh minh họa.

Trả lời:

1. Căn cứ chấm dứt việc nuôi con nuôi

a, Điều 25 Luật Nuôi con nuôi 2010 quy định việc nuôi con nuôi có thể bị chấm dứt trong các trường hợp sau đây:

- Con nuôi đã thành niên và cha mẹ nuôi tự nguyện chấm dứt việc nuôi con nuôi;

- Con nuôi bị kết án về một trong các tội cố ý xâm phạm tính mạng, sức khỏe, nhân phẩm, danh dự của cha mẹ nuôi; ngược đãi, hành hạ cha mẹ nuôi hoặc con nuôi có hành vi phá tán tài sản của cha mẹ nuôi;

- Cha mẹ nuôi bị kết án về một trong các tội cố ý xâm phạm tính mạng, sức khỏe, nhân phẩm, danh dự của con nuôi; ngược đãi, hành hạ con nuôi;

- Vi phạm quy định tại Điều 13 của luật này.

b, Dẫn chiếu Điều 13 Luật Nuôi con nuôi 2010 quy định về các hành vi bị cấm như sau:

- Lợi dụng việc nuôi con nuôi để trục lợi, bóc lột sức lao động, xâm hại tình dục; bắt cóc, mua bán trẻ em.

- Giả mạo giấy tờ để giải quyết việc nuôi con nuôi.

- Phân biệt đối xử giữa con đẻ và con nuôi.

- Lợi dụng việc cho con nuôi để vi phạm pháp luật về dân số.

- Lợi dụng việc làm con nuôi của thương binh, người có công với cách mạng, người thuộc dân tộc thiểu số để hưởng chế độ, chính sách ưu đãi của Nhà nước.

- Ông, bà nhận cháu làm con nuôi hoặc anh, chị, em nhận nhau làm con nuôi.

- Lợi dụng việc nuôi con nuôi để vi phạm pháp luật, phong tục tập quán, đạo đức, truyền thống văn hóa tốt đẹp của dân tộc.

2. Thẩm quyền giải quyết chấm dứt việc nuôi con nuôi

Khoản 5, Điều 29 Bộ luật tố tụng Dân sự quy định yêu cầu chấm dứt việc nuôi con nuôi thuộc thẩm quyền giải quyết của tòa án. Trong khi đó, tại điểm b, khoản 2, Điều 35 Bộ luật tố tụng Dân sự 2015 quy định: TAND cấp huyện có thẩm quyền giải quyết những yêu cầu chấm dứt việc nuôi con nuôi. Đồng thời, điểm l, khoản 2, Điều 39 Bộ luật tố tụng Dân sự 2015 có quy định thẩm quyền giải quyết việc dân sự của tòa án theo lãnh thổ được xác định như sau: Tòa án nơi cha, mẹ nuôi hoặc con nuôi cư trú, làm việc có thẩm quyền giải quyết yêu cầu chấm dứt việc nuôi con nuôi.

Như vậy, cha mẹ nuôi sẽ gửi đơn yêu cầu giải quyết việc chấm dứt nuôi con nuôi đến TAND cấp huyện nơi cha mẹ nuôi hoặc con nuôi đang cư trú.

Luật sư Nguyễn Đình Hồng

Nguồn Hà Tĩnh: https://baohatinh.vn/phap-luat-doi-song/giai-quyet-viec-cham-dut-nuoi-con-nuoi-thuoc-tham-quyen-cua-tand-cap-huyen/258135.htm