Giải quyết việc làm cho người lao động trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19
Năm 2020 là năm cả nước chịu ảnh hưởng nặng nề do dịch bệnh Covid-19, gây khó khăn chung cho phát triển KT-XH, trong đó, công tác giải quyết việc làm cho người lao động cũng chịu những ảnh hưởng nghiêm trọng. Tuy nhiên, nhờ triển khai đồng bộ, hiệu quả các giải pháp, tỉnh ta vẫn nỗ lực tạo nhiều việc làm, tăng thu nhập, ổn định cuộc sống cho người lao động tại địa phương.
Trước sự ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, nhiều cơ quan, doanh nghiệp bị tổn thất nặng nề, người lao động đã và đang có nguy cơ thất nghiệp; năm 2020, Sở Lao động TB&XH nỗ lực tìm kiếm, kết nối việc làm cho người lao động địa phương. Trong năm, sở đã phối hợp với các đơn vị, doanh nghiệp, trường học trong và ngoài tỉnh tiến hành tổ chức 4 hội chợ việc làm, 165 phiên giao dịch việc làm lưu động với 14.025 người tham dự. Triển khai tập huấn chính sách về lao động, việc làm, xuất khẩu lao động tại các huyện, thành phố và doanh nghiệp được tổ chức thường xuyên hơn. Cho vay hỗ trợ tạo việc làm số tiền là 75.508 triệu đồng với 1.556 dự án tạo việc làm và duy trì ổn định việc làm cho 2.102 lao động. Khai giảng 6 lớp đặt hàng đào tạo cho lao động nông thôn; bồi dưỡng tư vấn học nghề và việc làm cho 210 cán bộ quản lý và giáo viên. Phối hợp mở các lớp học nghề, đào tạo nghề ngắn hạn; cấp phép mở 227 lớp đào tạo nghề cho lao động nông thôn; tiếp tục duy trì đào tạo trình độ trung cấp, cao đẳng cho 11.112 người. Kết quả, năm 2020, toàn tỉnh đã giải quyết việc làm cho 18.985 người, trong đó, tại địa phương là 8.821 lao động, đi làm việc ngoài tỉnh và xuất khẩu lao động là 9.184 người. Đặc biệt, công tác giải quyết chế độ Bảo hiểm thất nghiệp (BHTN) được quan tâm. Trong năm, tổ chức 4 hội nghị tuyên truyền chính sách BHTN; tiếp nhận 2.300 hồ sơ, 2.110 người hiện đã được hưởng BHTN hàng tháng...
Tuy nhiên, công tác giải quyết việc làm cho người lao động gặp một số khó khăn nhất định: Tthông tin tuyên truyền các chính sách về việc làm, đào tạo nghề và xuất khẩu lao động chưa thường xuyên, nhất là ở nông thôn, vùng sâu, xa. Người lao động chưa thực sự quan tâm tham gia các buổi tư vấn, dẫn đến việc thiếu thông tin về thị trường lao động. Mặt khác, trình độ, tay nghề các lao động nông thôn chưa cao, gây ra một số hạn chế cho nhà tuyển dụng,…
Đồng chí Phạm Hữu Trí, Phó Giám đốc Sở Lao động TB&XH cho biết: Năm 2020, công tác giải quyết việc làm trên toàn tỉnh giảm 13,6% so với cùng kỳ năm 2019. Tuy nhiên, đây đã là những nỗ lực vượt bậc của ngành trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19. Xác định công tác giải quyết việc làm là một nhiệm vụ chính trị quan trọng, trọng tâm trong phát triển KT-XH, vì vậy, trong thời gian tới, để thực hiện tốt nhiệm vụ giải quyết việc làm cho lao động, đặc biệt là lao động nông thôn, cần tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền về ý nghĩa, tầm quan trọng, nâng cao nhận thức của người dân về công tác giải quyết việc làm; ngành sẽ tiếp tục đẩy mạnh hoạt động tư vấn, giới thiệu việc làm bằng nhiều hình thức để cung cấp cho người lao động những thông tin cần thiết, cập nhật ngành nghề đào tạo, nhu cầu sử dụng, tuyển dụng lao động trong và ngoài tỉnh, tạo cho người lao động thêm nhiều cơ hội có việc làm; đặc biệt sẽ tăng cường liên kết đào tạo giữa cơ sở dạy nghề và các doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh thông qua hợp đồng liên kết đào tạo và tuyển dụng sau đào tạo… Phấn đấu năm 2021, toàn tỉnh giải quyết việc làm cho trên 17 nghìn lao động.
Nhìn lại 1 năm qua, trước sự ảnh hưởng nặng nề của dịch bệnh, công tác giải quyết việc làm trên địa bàn tỉnh vẫn có những bước phát triển đáng tự hào, góp phần tích cực vào công tác giảm nghèo của địa phương. Đó là nhờ sự vào cuộc đồng bộ của cả hệ thống chính trị, các cấp, ngành và địa phương đã tạo sự đồng thuận của toàn xã hội, sự hưởng ứng tích cực của nhân dân.