Giải quyết việc làm cho phụ nữ nông thôn
Thực hiện nhiều mô hình giải quyết việc làm cho phụ nữ nhàn rỗi ở nông thôn được xem là cách giảm nghèo bền vững mà nhiều địa phương thực hiện thời gian qua.
1. Làm việc tại công ty (Cty) may với thu nhập ổn định nhưng lại không có thời gian chăm sóc gia đình, nhất là sau khi sinh con, chị Hình Thị Thanh Thoảng (xã Bình Thạnh, huyện Mộc Hóa, tỉnh Long An) quyết định nghỉ làm, tìm việc khác phù hợp hơn. Chị lên mạng tìm các Cty, doanh nghiệp đang cần người may gia công để nhận hàng về may và phân phối cho các chị em cùng làm.
Đến nay, chị liên kết với Cty ở TP.HCM, nhận hàng về may gia công túi xách, góp phần giải quyết việc làm cho hơn 30 phụ nữ nông thôn, trong đó chủ yếu là phụ nữ nghèo, lớn tuổi, không có việc làm ổn định. Thu nhập bình quân từ 150.000-200.000 đồng/người/ngày. Công việc này phù hợp với phụ nữ nông thôn, bởi họ vừa có thời gian chăm sóc gia đình, vừa kiếm thêm thu nhập trang trải chi phí sinh hoạt hàng ngày.
Bà Nguyễn Thị Mai (62 tuổi, xã Bình Thạnh) bộc bạch: “Gia đình thuộc diện hộ cận nghèo, thu nhập chỉ dựa vào việc làm thuê "ngày có, ngày không" của chồng. Tuy nhiên, chồng tôi lớn tuổi, ít ai thuê làm, do đó, được vào làm việc tại tổ may túi xách gia công, tôi mừng lắm! Lớn tuổi nên tôi được các chị em ưu tiên cho việc cắt chỉ, xếp bao, thu nhập khoảng 150.000 đồng/ngày. Số tiền này giúp vợ chồng tôi sống thoải mái hơn”.
Dù mô hình may gia công của chị Thoảng mới được thành lập từ đầu năm 2022, nguồn hàng chưa ổn định nhưng chúng tôi tin rằng với sự tâm huyết, trách nhiệm, chị Thoảng sẽ tìm được nhiều đối tác uy tín, chất lượng, góp phần cho mô hình ngày càng phát triển và tạo việc làm cho nhiều phụ nữ nông thôn.
2. Rời cơ sở may gia công của chị Thoảng, chúng tôi tiếp tục đến xã Bình Hòa Đông, huyện Mộc Hóa. Ông Lê Trung Bình - chủ Cơ sở đan lục bình Lê Thị Cẩm Giang, ấp 1, xã Bình Hòa Đông, cho biết: "Nhờ nghề đan lục bình mà nhiều gia đình có thêm việc làm và thu nhập ổn định, bởi sau mùa vụ thì không có việc làm. Hiện cơ sở của tôi giải quyết việc làm cho hơn 400 người dân trong và ngoài huyện, trong đó nhiều người thuộc hộ nghèo, bị khuyết tật”.
Để minh chứng cho lời nói của mình, ông Bình đưa chúng tôi đến thăm gia đình chị Huỳnh Thị Phấn (ấp 1, xã Bình Hòa Đông) thuộc diện hộ nghèo của xã. Nhìn bàn tay đang thoăn thoắt luồn những cọng lục bình khô vào khung sọt, chúng tôi cảm nhận nghề này chắc chắn đã gắn bó với chị Phấn rất lâu. Chị Phấn bộc bạch: “Gia đình thuộc diện hộ nghèo, nhà không có đất sản xuất, chồng tôi làm thuê theo mùa vụ. Trước đây, tôi bị tai nạn giao thông, chân bị tật, đi lại khó khăn. Con gái lại bị bệnh ung thư nên tất cả chi phí sinh hoạt trong gia đình chỉ còn mình chồng tôi lo. May mắn học được nghề đan lục bình giúp tôi có "đồng ra, đồng vào" phụ chồng trang trải chi phí sinh hoạt trong gia đình”.
Không chỉ tạo điều kiện cho hộ nghèo vươn lên, nghề đan lục bình giúp những người ngoài độ tuổi lao động kiếm thêm thu nhập. Bà Bùi Thị Phúc (ấp 1, xã Bình Hòa Đông) tâm sự: “Tôi thường tranh thủ thời gian rảnh rỗi mới đan chứ không còn làm xuyên suốt như trước đây. Trung bình mỗi ngày đan được 2 bộ sản phẩm, trừ chi phí nguyên liệu, tôi thu nhập được khoảng 50.000 đồng".
Giải quyết việc làm cho phụ nữ nông thôn theo mô hình “ly nông, bất ly hương” là cách làm hiệu quả, góp phần thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia về giảm nghèo bền vững./.
Nguồn Long An: https://baolongan.vn/giai-quyet-viec-lam-cho-phu-nu-nong-thon-a143625.html