Giải quyết việc làm, nâng chất nguồn nhân lực

Việc làm và giải quyết việc làm luôn là vấn đề được quan tâm nhằm đảm bảo nhu cầu phát triển bền vững cho xã hội, góp phần quan trọng trong công tác giảm nghèo ở địa phương. Thời gian qua, để giải quyết việc làm cho người lao động, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội đã phối hợp các ngành, địa phương và cơ sở giáo dục nghề nghiệp tập trung làm tốt công tác này.

PHÁT HUY NGHỀ ĐÀO TẠO

Sau khi tham gia lớp học nghề ngắn hạn, chị Nguyễn Thị Thanh Huệ đã thành thạo công việc và duy trì việc làm tại nhà máy thuộc Công ty cổ phần đầu tư Thái Bình đóng chân trên địa bàn tỉnh Bình Phước. Chị Huệ chia sẻ: Tôi rất vui khi gắn bó với công việc mà mình được đào tạo. Trong thời gian làm việc ở đây, tôi thấy điều kiện rất tốt, lương ổn định, có chế độ và tổ chức công đoàn quan tâm chăm lo đời sống người lao động.

Những năm qua, Bình Phước triển khai nhiều giải pháp hỗ trợ đào tạo nghề và giải quyết việc làm cho người lao động, trong đó chú trọng lao động nông thôn. Trong ảnh: Công nhân trong giờ làm việc tại Nhà máy Đồng Xoài, Công ty cổ phần đầu tư Thái Bình - Ảnh: Trương Hiện

Công tác đào tạo nghề nông thôn đã trao cho nhiều người, nhất là lao động dân tộc thiểu số (DTTS) và khu vực miền núi “chiếc cần câu” phát triển kinh tế, tăng thu nhập, góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo. Hiện nhiều lao động là đồng bào DTTS và khu vực miền núi của tỉnh được các địa phương giới thiệu, hướng dẫn, phối hợp đào tạo kỹ năng, thao tác nghề nghiệp, từ đó được tuyển dụng vào làm việc ở các công ty, xí nghiệp. Chị Nguyễn Thị Hồng Loan làm việc ở Công ty TNHH MTV SX-TM Nhân Sang, huyện Hớn Quản cho biết: Môi trường làm việc ở đây thân thiện, anh chị em hòa đồng. Công ty tạo mọi điều kiện thuận lợi cho công nhân lao động. Tôi cảm thấy thoải mái, tất cả phúc lợi của mình được đáp ứng đầy đủ. Đây là động lực để tôi an tâm làm việc thật tốt.

Người lao động chính trong gia đình là nhân tố quan trọng để phát triển kinh tế hộ khu vực đồng bào DTTS và miền núi. Vì vậy, khi người lao động được đào tạo nghề sẽ giúp tăng năng suất lao động, tạo việc làm tại chỗ hoặc tự tìm kiếm việc làm, nâng cao thu nhập cho gia đình, đáp ứng yêu cầu mới trong phát triển kinh tế - xã hội khu vực nông thôn. “Tôi làm việc ở đây cảm thấy điều kiện rất tốt, gần nhà nên thuận tiện đưa rước con, đi lại. Lương ổn định, công việc phù hợp với khả năng bản thân, bởi trước đó tôi đã được học nghề” - chị Nguyễn Thị Diệu làm việc ở Công ty TNHH MTV SX-TM Nhân Sang bộc bạch.

TĂNG CƯỜNG VAI TRÒ “CẦU NỐI”

Để giải quyết việc làm cho người lao động, hằng năm các địa phương rà soát số lao động trong độ tuổi chưa có việc làm, nhu cầu học nghề của lao động nông thôn để xây dựng kế hoạch phối hợp tổ chức lớp đào tạo nghề phù hợp, hiệu quả. Một số doanh nghiệp, cơ sở sản xuất cũng tham gia tích cực trong đào tạo nghề và thu hút nguồn lao động tại chỗ. Chị Nguyễn Thị Liên làm việc ở Công ty cổ phần đầu tư Thái Bình cho hay: Tôi làm việc tại công ty từ khi thành lập đến nay. Công ty luôn quan tâm cuộc sống người lao động, chế độ, tiền lương đầy đủ. Công nhân ở xa đến làm, công ty còn hỗ trợ tiền nhà trọ. Nhìn chung, công ty rất đãi ngộ công nhân.

Phần lớn lao động nông thôn yên tâm gắn bó lâu dài với các công ty, doanh nghiệp tại địa phương - Ảnh: Trương Hiện

Đồng hành với người lao động, thời gian qua Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh đã tổ chức nhiều phiên giao dịch, tư vấn trực tiếp, qua đó cung cấp đến người lao động những thông tin việc làm nhanh chóng và hiệu quả. Để giúp người lao động và doanh nghiệp “tìm” được nhau, Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh kết nối doanh nghiệp và các đơn vị cung ứng lao động để người lao động nắm bắt nhu cầu tuyển dụng, từ đó tiếp cận tìm hiểu, tìm kiếm việc làm phù hợp.

Ông Trần Đại Kỳ, Giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh cho biết: Hiện nay, doanh nghiệp trong tỉnh có nhu cầu tuyển dụng rất nhiều, đặc biệt là lao động có tay nghề. Để hỗ trợ, kết nối người lao động có việc làm và gia nhập thị trường lao động, trung tâm đã phối hợp với các đơn vị, địa phương tổ chức phiên giao dịch chuyên đề nhằm tư vấn, giới thiệu việc làm đối với lao động có tay nghề cho các doanh nghiệp.

Với vai trò là “cầu nối” giữa doanh nghiệp với người lao động, những phiên giao dịch, tư vấn việc làm đã góp phần tích cực trong công tác giải quyết việc làm. Đây cũng là cơ hội để doanh nghiệp tiếp cận nguồn nhân lực trẻ. Chị Nguyễn Thị Hương, quản lý nhân sự Nhà máy sản xuất lốp xe Haohua (Việt Nam), huyện Hớn Quản thông tin: Công ty đang xây dựng giai đoạn 1, cần nguồn nhân lực khoảng 2.000 người và trong 5 năm tới khi xây dựng giai đoạn 2 sẽ tiếp tục cần thêm lao động, lên khoảng 5.000 người. Vậy nên, cơ hội làm việc rất lớn cho lao động địa phương.

NỖ LỰC VÌ NGƯỜI LAO ĐỘNG

Xác định giải quyết việc làm cho người lao động là một trong những yếu tố quan trọng góp phần giảm nghèo bền vững, thời gian qua, các cấp, ngành, địa phương trong tỉnh cũng như doanh nghiệp đã triển khai hiệu quả nhiều giải pháp hỗ trợ, giải quyết việc làm cho người lao động. Ông Nguyễn Minh Đức, Phòng Hành chính nhân sự, Công ty TNHH cao su Thuận Lợi, huyện Đồng Phú cho biết: Công ty luôn quan tâm đời sống vật chất, tinh thần người lao động, tạo mọi điều kiện tốt nhất để công nhân yên tâm sản xuất, có khu nhà ở miễn phí cho công nhân. Ngoài ra, chúng tôi còn tổ chức nấu ăn bữa sáng, tối đảm bảo công nhân có sức khỏe tốt để làm việc hiệu quả nhất. Bên cạnh đó, còn có các sân chơi bóng đá, bóng chuyền hoặc tổ chức du lịch.

Công nhân trong giờ làm việc tại Công ty TNHH cao su Thuận Lợi, huyện Đồng Phú - Ảnh: Trương Hiện

Theo thống kê, 10 tháng năm 2024, toàn tỉnh giải quyết việc làm cho 45.093 lao động, đạt 104,9% kế hoạch năm. Giải quyết việc làm hiệu quả đã góp phần giảm nghèo bền vững, thúc đẩy kinh tế - xã hội trên địa bàn tỉnh ngày càng phát triển. Để thực hiện hiệu quả công tác đào tạo nghề, giải quyết việc làm cho người lao động, ngành lao động - thương binh và xã hội tiếp tục phối hợp với các đơn vị rà soát số người trong độ tuổi lao động để tư vấn, giới thiệu việc làm và đào tạo nghề phù hợp.

Bình Phước đang thực hiện hỗ trợ đào tạo nghề và giải quyết việc làm theo 3 chương trình mục tiêu quốc gia. Song song đó, thông qua các chương trình, chính sách hỗ trợ từ địa phương cũng như sự gắn kết của các cơ sở giáo dục nghề nghiệp với doanh nghiệp trong hỗ trợ việc làm sau khi đào tạo để cung ứng cho thị trường. Ngoài những chương trình dài hạn, tỉnh tổ chức các lớp ngắn hạn, chuyên môn để tạo điều kiện cho người lao động có nhiều kỹ năng, từ đó có thể làm việc ở bất cứ môi trường nào. Tỉnh cũng đang tập trung cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, thu hút doanh nghiệp về đầu tư, qua đó tạo nhiều cơ hội việc làm cho người lao động.

Phó Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội PHẠM THỊ MAI HƯƠNG

Thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 1 từ năm 2022-2025, Bình Phước phấn đấu tăng mức thu nhập bình quân, cũng như giảm hộ nghèo trong vùng đồng bào DTTS. Vì vậy, khi được đào tạo nghề, người lao động sẽ chung sức góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế, nâng cao thu nhập và trình độ sản xuất, đáp ứng yêu cầu mới trong phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi.

Anh Ngọc

Nguồn Bình Phước: https://baobinhphuoc.com.vn/news/4/165775/giai-quyet-viec-lam-nang-chat-nguon-nhan-luc