Hôm nay, Quốc hội bấm nút thông qua Luật Thuế GTGT (sửa đổi)

Hôm nay, ngày 26/11/2024, dự kiến Quốc hội sẽ bấm nút thông qua dự thảo Luật Thuế giá trị gia tăng (sửa đổi). Trong đó, quan điểm ngành phân bón cần 'được' nộp thuế giá trị gia tăng (GTGT) ngày càng được nhiều chuyên gia và đại biểu Quốc hội ủng hộ.

Ảnh minh họa

Ảnh minh họa

Trước đó, ngày 17/6/2024, tại Kỳ họp thứ 7 Quốc hội khóa XV, Chính phủ đã trình dự án sửa đổi Luật Thuế GTGT. Dự thảo này giữ nguyên 26 nhóm hàng hóa được khấu trừ thuế, nhưng có thêm 12 mặt hàng, dịch vụ (trước đó không phải nộp thuế GTGT), trong đó có phân bón, sẽ phải chịu thuế GTGT ở mức 5%.

Theo Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc, việc chuyển các mặt hàng đầu vào cho sản xuất nông nghiệp, như phân bón, máy móc và thiết bị phục vụ sản xuất nông nghiệp, sang diện chịu thuế GTGT 5% nhằm tránh tình trạng tăng giá thành sản phẩm, đồng thời tạo thuận lợi cho ngành sản xuất trong nước trong bối cảnh cạnh tranh gay gắt với hàng nhập khẩu và hỗ trợ tốt hơn cho sản xuất nông nghiệp.

Thời gian qua, khi áp dụng Luật số 71/2014/QH13 sửa đổi, bổ sung một số điều của các luật thuế (có hiệu lực từ ngày 1/1/2015), phân bón đã được chuyển sang diện không chịu thuế GTGT. Tuy nhiên, doanh nghiệp sản xuất không được hoàn thuế nguyên vật liệu đầu vào, dẫn đến việc họ phải cộng số thuế đó vào giá thành bán ra, khiến giá phân bón tăng. Tình hình càng trở nên khó khăn khi nguyên liệu đầu vào khan hiếm và giá phân bón tăng mạnh do ảnh hưởng từ cuộc chiến Nga - Ukraine, khi hai quốc gia này là những nhà sản xuất phân bón lớn.

Mặc dù việc đưa phân bón ra khỏi danh mục chịu thuế GTGT ban đầu có vẻ hợp lý, nhưng thực tế lại gây bất cập khi giá phân bón tăng, gây áp lực lớn lên người nông dân, những đối tượng sử dụng phân bón nhiều trong sản xuất nông nghiệp.

Đại biểu Quốc hội và chuyên gia ủng hộ việc đưa phân bón vào đối tượng chịu thuế

Sau khi dự thảo Luật được công bố, đưa phân bón vào diện chịu thuế GTGT, nhiều ý kiến đã ủng hộ quyết định này của Chính phủ.

Tại Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV diễn ra vào sáng ngày 29/10, nhiều đại biểu đồng tình việc áp thuế GTGT đối với phân bón, trong đó ông Lê Quang Mạnh, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội đã trình bày rằng, để xử lý bất cập trong chính sách đối với ngành phân bón thời gian qua, cần giữ nguyên dự thảo của Chính phủ, tức là đưa phân bón vào diện chịu thuế GTGT 5%.

Đại biểu Trịnh Xuân An (Đồng Nai)

Đại biểu Trịnh Xuân An (Đồng Nai)

Đại biểu Trịnh Xuân An (Đồng Nai) cũng cho rằng thuế GTGT cần phải có tính luân hồi, tức là đầu vào và đầu ra phải đi cùng nhau. Ông nêu ví dụ về các quốc gia xuất khẩu phân bón như Nga, Trung Quốc, và Ấn Độ, với mức thuế GTGT từ 10% đến 20%, cho thấy việc áp thuế GTGT 5% đối với phân bón sẽ tạo ra sự công bằng giữa doanh nghiệp trong nước và doanh nghiệp nhập khẩu, đồng thời có lợi cho cả Nhà nước và người nông dân.

Đại biểu Phạm Văn Hòa (Đồng Tháp) cũng đồng tình với phương án áp thuế GTGT 5% cho phân bón. Ông cho rằng, việc chuyển phân bón từ diện không chịu thuế GTGT đã làm các doanh nghiệp trong nước không thể cạnh tranh với hàng nhập khẩu, tạo ra sự bất công đối với ngành sản xuất phân bón trong nước.

Về mặt chính sách thuế, ông Nguyễn Văn Được, Ủy viên Thường trực Hội Tư vấn thuế Việt Nam, phân tích rằng nếu doanh nghiệp sản xuất trong nước không được khấu trừ thuế GTGT đầu vào, chi phí sản xuất sẽ tăng, dẫn đến giá bán sản phẩm cao hơn, làm giảm sức cạnh tranh so với phân bón nhập khẩu.

Ông Nguyễn Trí Ngọc, Phó Chủ tịch Hiệp hội Phân bón Việt Nam cũng cho rằng, việc đưa phân bón vào diện chịu thuế GTGT là hướng đi đúng đắn trong tình hình hiện nay. Doanh nghiệp có thể điều chỉnh giá thành sản phẩm để giảm thiểu chi phí cho người nông dân, trong khi Nhà nước cũng thu được thuế từ ngành này.

Bên cạnh đó, nhiều doanh nghiệp và người nông dân đều mong muốn phân bón được áp thuế GTGT. Ông Nguyễn Văn Thứ, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần Thực phẩm G.C, bày tỏ, thuế GTGT đầu vào và đầu ra cho phân bón sẽ giúp tránh được tình trạng cơ chế hai giá cho cùng một mặt hàng, đồng thời giúp người nông dân không phải chịu thiệt thòi khi giá phân bón tăng lên.

Một hộ nông dân mong muốn giá phân bón trong nước có thể tương đương với phân bón nhập khẩu để giúp bà và các nông dân khác tiết kiệm chi phí đầu tư mà vẫn bảo vệ được chất đất lâu dài.

Việc áp thuế GTGT 5% cho phân bón không chỉ mang lại lợi ích cho Nhà nước, mà còn giúp doanh nghiệp trong nước có cơ hội cạnh tranh bình đẳng với các doanh nghiệp nhập khẩu; qua đó đem lại lợi ích thiết thực cho bà con nông dân. Nhiều kỳ vọng, chính sách mới sẽ mang lại những cải cách tích cực cho ngành phân bón và sản xuất nông nghiệp trong nước.

Huy Tùng

Nguồn PetroTimes: https://petrovietnam.petrotimes.vn/hom-nay-quoc-hoi-bam-nut-thong-qua-luat-thue-gtgt-sua-doi-721097.html