Giải quyết việc làm, tăng thu nhập và cải thiện đời sống thanh niên

BHG - Thực hiện Nghị quyết số 25-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa X về “tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác thanh niên thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa”. Sau 15 năm, cùng với sự phát triển KT-XH của tỉnh, đoàn viên, thanh niên (ĐVTN) được tạo điều kiện về mọi mặt để phát triển kinh tế, làm giàu trên quê hương.

Để tạo đà hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp, giải quyết việc làm, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh khóa XV đã ban hành Nghị quyết số 02-NQ/TU, ngày 1.12.2010 về phát triển và nâng cao chất lượng đào tạo nghề cho lao động nông thôn trên địa bàn tỉnh, giai đoạn 2011 - 2015. UBND tỉnh ban hành Chương trình số 302/CTr-UBND, ngày 5.12.2016 về tiếp sức khởi nghiệp giai đoạn 2016 - 2020 và tổ chức “Ngày hội khởi nghiệp” tại tỉnh, cùng nhiều văn bản lãnh đạo, chỉ đạo công tác thanh niên. Theo đó, cấp ủy, chính quyền các cấp đã tổ chức đối thoại, định hướng khởi nghiệp cho thanh niên… Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội tích cực chỉ đạo triển khai việc nâng cao chất lượng nguồn lao động trẻ thông qua công tác hướng nghiệp, dạy nghề, giải quyết việc làm, tăng thu nhập và cải thiện đời sống cho thanh niên. Từ năm 2008 đến nay, Đoàn thanh niên các huyện, thành phố thường xuyên phối hợp với Trung tâm giới thiệu việc làm tổ chức nhiều buổi tư vấn, giới thiệu việc làm và giải quyết việc làm cho trên 3 triệu lượt lao động, trong đó, thanh niên chiếm khoảng 70%.

Mô hình cải tạo vườn tạp, trồng cây ăn quả của thanh niên Nguyễn Ngọc Thuyên, tổ 3, thị trấn Tam Sơn (Quản Bạ). Ảnh: Lê Hải

Mô hình cải tạo vườn tạp, trồng cây ăn quả của thanh niên Nguyễn Ngọc Thuyên, tổ 3, thị trấn Tam Sơn (Quản Bạ). Ảnh: Lê Hải

Các Huyện, Thành đoàn tập trung phối hợp triển khai thực hiện có hiệu quả phong trào “Đồng hành với thanh niên trong nghề nghiệp, tạo việc làm”; thường xuyên tuyên truyền nâng cao nhận thức cho ĐVTN về chủ trương hội nhập quốc tế, về cơ hội và thách thức trong quá trình hội nhập; đẩy mạnh phong trào “Sáng tạo trẻ” gắn với việc nghiên cứu sáng kiến khoa học phục vụ sản xuất, kinh doanh, phát triển kinh tế, thông qua đó đã có nhiều công trình, đề tài nghiên cứu khoa học, sản phẩm sáng tạo được tuyên dương và ứng dụng vào thực tiễn. Tỉnh đoàn đã triển khai Cuộc vận động “Mỗi thanh niên một ý tưởng sáng tạo”, đến nay đã có 4.187 ý tưởng được đề xuất, trong đó có 1.020 ý tưởng sáng tạo đăng tải lên Cổng thông tin ngân hàng ý tưởng sáng tạo Thanh niên Việt Nam. Các mô hình khởi nghiệp do thanh niên làm chủ đang duy trì và phát triển tốt, đem lại thu nhập ổn định, qua đó giúp ĐVTN có cuộc sống tốt hơn.

Bí thư Huyện đoàn Quản Bạ, Viên Xuân Tùng cho biết: Để hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp, Ban hỗ trợ phát triển khởi nghiệp huyện đã xây dựng kế hoạch thực hiện có hiệu quả các chương trình, đề án hỗ trợ khởi nghiệp, đảm bảo phù hợp với điều kiện thực tế, tiềm năng, thế mạnh của địa phương và nhu cầu của các tổ chức, cá nhân. UBND huyện đã ban hành kế hoạch về triển khai thúc đẩy khởi sự kinh doanh, khởi nghiệp và thu hút đầu tư vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi trên địa bàn huyện. Tổ chức các hoạt động xúc tiến thương mại gắn với trưng bày, giới thiệu sản phẩm khởi nghiệp, sản phẩm đặc trưng của địa phương; tổ chức thành công Hội nghị biểu dương thanh niên, gương khởi nghiệp tiêu biểu huyện Quản Bạ năm 2024, với mục đích động viên, khích lệ, thúc đẩy tinh thần khởi nghiệp, khởi sự kinh doanh trong ĐVTN, tại hội nghị đã vinh danh 80 thanh niên tiêu biểu, 40 gương khởi nghiệp tiêu biểu. Huyện đoàn đã tuyên truyền, hướng dẫn ĐVTN tham gia cuộc thi Ý tưởng khởi nghiệp - Khởi sự kinh doanh trong ĐVTN tỉnh Hà Giang, qua đó đã có 2 ý tưởng đạt giải Nhì và Ba. Hiện nay, huyện có 203 mô hình khởi nghiệp, trong đó mô hình do thanh niên làm chủ là 80 mô hình.

Từ các nguồn lực hỗ trợ, anh Phàn Páo Liều thôn Sủng Nhì A xã Sủng Máng (Mèo Vạc) phát triển kinh tế từ mô hình chăn nuôi bò vỗ béo. Ảnh: Bằng Lang

Từ các nguồn lực hỗ trợ, anh Phàn Páo Liều thôn Sủng Nhì A xã Sủng Máng (Mèo Vạc) phát triển kinh tế từ mô hình chăn nuôi bò vỗ béo. Ảnh: Bằng Lang

Các tổ chức chính trị - xã hội đã làm tốt công tác nhận ủy thác vốn vay Ngân hàng Chính sách xã hội, phối hợp với Ngân hàng Nông nghiệp và phát triển nông thôn tuyên truyền, vận động ĐVTN vay vốn đầu tư phát triển kinh tế. Các nguồn vốn sau khi giải ngân được thanh niên quản lý, sử dụng đúng mục đích, phát huy hiệu quả. Số dư nợ vốn vay cho thanh niên phát triển kinh tế tính đến 31.5.2024 là trên 33.600 tỷ đồng, với hơn 16.800 lượt người được vay vốn. Bên cạnh đó, cấp ủy, chính quyền các cấp cũng có cơ chế, chính sách ưu tiên, tạo điều kiện hỗ trợ cho hoạt động khởi nghiệp, lập nghiệp; tiếp tục triển khai các đề án, chương trình đào tạo nghề, giải quyết việc làm đối với ĐVTN... Đến nay, tỉnh có trên 90 doanh nghiệp trẻ; gần 100 hợp tác xã; hơn 500 hộ kinh doanh, mô hình khởi nghiệp do thanh niên làm chủ. Những kết quả đó đã góp phần giải quyết việc làm, tạo điều kiện cho thanh niên làm giàu trên chính mảnh đất quê hương và góp phần vào công tác giảm nghèo của tỉnh trong những năm qua.

LÊ HẢI

Nguồn Hà Giang: http://baohagiang.vn/kinh-te/202408/giai-quyet-viec-lam-tang-thu-nhap-va-cai-thien-doi-song-thanh-nien-aa16d12/