'Giải thích' loạt sự cố sạt lở, hư hại công trình trong khi chạy thử nghiệm
Ban Quản lý dự án sử dụng vốn vay nước ngoài tỉnh Vĩnh Phúc đã chính thức lên tiếng và đưa ra những giải thích ban đầu về tình trạng sạt lở, hư hại các hạng mục công trình thuộc dự án Quản lý nguồn nước và ngập lụt tỉnh Vĩnh Phúc.
Thực tế không như dữ liệu tính toán
Dự án Quản lý nguồn nước và ngập lụt Vĩnh Phúc với tổng vốn đầu tư hơn 4.815 tỷ đồng, dù mới hoàn thành và đang trong giai đoạn vận hành thử nghiệm, nhưng nhiều hạng mục đã gặp tình trạng sạt lở, nứt vỡ nghiêm trọng. Điều này khiến người dân nghi ngờ về chất lượng công trình.
Tại buổi họp báo thường kỳ Quý III do UBND tỉnh Vĩnh Phúc tổ chức, ông Hồ Quang Phúc, Giám đốc Ban Quản lý dự án sử dụng vốn vay nước ngoài tỉnh Vĩnh Phúc, đã xác nhận thông tin này và cung cấp thêm các chi tiết về tình trạng hiện tại của dự án.
Theo ông Hồ Quang Phúc, các trạm bơm và các kênh xả thuộc Dự án Quản lý nguồn nước và ngập lụt Vĩnh Phúc đã được hoàn thành từ tháng 12/2023, đây cũng là thời hạn chốt để tiến hành các thủ tục giải ngân vốn vay. Đối với dự án tổng thể cũng được Thủ tướng Chính phủ cấp phép thực hiện đầu tư đến 30/6/2025 và dự án khả thi cũng được phê duyệt đến 30/6/2025.
Tuy dự án đã xong nhưng trong giai đoạn xem xét đánh giá toàn thể công trình thì chưa thể ký với nhà thầu chấp thuận việc nghiên cứu tổng thể được. Bởi vì phải chờ qua mùa mưa lũ, khi có nước lũ, có vận hành các trạm bơm thì mới xem xét đánh giá được tổng thể. Trong giai đoạn bão số 2 và đặc biệt bão số 3 vừa qua, toàn bộ dữ liệu tính toán biên đầu vào theo tính toán của năm 2014 - 2015 khi xây dựng báo cáo khả thi thì đều vượt so với tính toán ban đầu.
Cụ thể, mực nước trên sông Hồng vượt báo động 2, sông Phó Đáy vượt báo động 3. Các hệ thống sông xung quanh tỉnh Vĩnh Phúc, cộng với lượng nước từ dãy Tam Đảo đổ về các hồ Thanh Lanh và Xạ Hương đã tạo áp lực lớn, buộc phải xả lũ ra sông.
“Mục tiêu dự án là quản lý nguồn nước và ngập lụt trên địa bàn nên trong tình huống nước dâng rất cao vẫn phải bơm cưỡng bức ra sông, trong khi các kênh xả đã bị chìm sâu xuống nước hoàn toàn 100% cách 3-4m so với mực nước sông, do vậy gây ra tình trạng sạt trượt hư hại một số đoạn kênh xung yếu giáp sông Phó Đáy, sông Hồng” – ông Hồ Quang Phúc giải thích.
Chờ cơ quan chuyên môn đánh giá các nguyên nhân
Lãnh đạo Ban Quản lý dự án sử dụng vốn vay nước ngoài tỉnh Vĩnh Phúc cho biết hiện đang phối hợp với Viện Thủy công thuộc Viện Khoa học Thủy lợi Việt Nam (Bộ NN&PTNT) để đánh giá nguyên nhân sự cố.
Sau khi có báo cáo đánh giá từ cơ quan chuyên môn, Ban Quản lý sẽ báo cáo UBND tỉnh Vĩnh Phúc và thông tin cụ thể đến báo chí. Báo cáo không chỉ tập trung vào việc tìm ra nguyên nhân mà còn đưa ra giải pháp nhằm ngăn chặn tái diễn các sự cố tương tự.
Dự án Quản lý nguồn nước và ngập lụt Vĩnh Phúc sử dụng vốn vay ưu đãi của Ngân hàng Thế giới với tổng nguồn vốn 220 triệu USD (vốn vay 150 triệu USD, vốn đối ứng 70 triệu USD) do Ban Quản lý dự án sử dụng vốn vay nước ngoài tỉnh Vĩnh Phúc làm chủ đầu tư. Địa điểm xây dựng là các huyện Tam Dương, Vĩnh Tường, Yên Lạc, Bình Xuyên; thành phố Vĩnh Yên, Phúc Yên, tỉnh Vĩnh Phúc.
Hiện tượng sạt lở, gãy vỡ kênh mương đã “đồng loạt” xảy ra tại nhiều hạng mục công trình, ở nhiều địa phương khác nhau như: trạm bơm tiêu Kim Xá (huyện Tam Dương); kênh hút trạm bơm Nguyệt Đức; kênh xả trạm bơm Nguyệt Đức (huyện Yên Lạc); kênh trạm bơm Ngũ Kiên (thị trấn Tứ Trưng, huyện Vĩnh Tường)…
Những sự cố này đã gây nghi ngờ về chất lượng công trình, nhất là khi các hạng mục vẫn đang trong giai đoạn thử nghiệm, chưa vận hành chính thức.