Rộng gần 2 km và dài tới hơn 10 km, đầm Thị Tường (huyện Phú Tân và Trần Văn Thời, tỉnh Cà Mau) là đầm nước tự nhiên lớn nhất đồng bằng sông Cửu Long. Nơi đây thường được mệnh danh là “biển Hồ giữa đồng bằng” của mảnh đất Nam Bộ.
Xung quanh cái tên đầm Thị Tường, có nhiều giai thoại được lưu truyền. Theo một truyền thuyết dân gian, Thị Tường là tên của Bà Tường, một trong những người đầu tiên đi khai phá vùng đất Cà Mau.
Chuyện kể rằng, vào thời xa xưa, Chúa Hổ do hận vua Thủy tề không gả con gái cho mình nên đã sai đàn chim trời quắp đá đến lấp đầm.
Tuy là phận nữ nhi nhưng Bà Tường rất dũng cảm, đã xua đuổi đàn chim trời, giúp đầm nước thoát khỏi nguy cơ bị hủy hoại.
Kể từ đó, đầm ngày một đông đúc các loài thủy sản, là nguồn lợi khai thác vô biên của những người dân nghèo địa phương. Vì công đức ấy của bà, người dân nơi đây lấy tên bà Tường đặt cho đầm.
Theo tư liệu của dòng họ Tô ở Cà Mau thì tên đầm Thị Tường lại gắn với một nhân vật lịch sử có thật. Cụ thể, vào thuở Nam Bộ còn hoang vu, dòng họ Tô có hai anh em Tô Hòa và Tô Thuận đã vào khai hoang vùng đất Cà Mau.
Gia phả ghi lại rằng ông Tô Hòa có 11 người con, con trai cả là Tô Như. Ông Tô Như có một người con gái có tật ở chân nhưng rất giỏi võ nghệ. Bà tên là Tô Quý Thị, thường gọi là Thị Tường.
Thị Tường được cha cử sang giữ và khai thác vùng đầm lớn gần nhà. Tại đây, bà lập nhiều công trạng, được nhân dân địa phương tôn vinh. Sau này, khu đầm gắn với sự nghiệp của bà được gọi là đầm Thị Tường...
Ngày nay, đầm Thị Tường là một trung tâm nuôi trồng các loại thủy sản nước lợ như tôm sú, cua. Cư dân sinh sống quanh đầm chủ yếu bằng nguồn lợi thủy hải sản khai thác được từ đầm.
Đầm nước rộng mênh mông này cũng là một danh thắng của mảnh đất cực Nam, được mô tả như một bức tranh thủy mặc thơ mộng và hữu tình, nhất là vào mỗi buổi sáng và chiều tà...
Mời quý độc giả xem video: Có Một Ninh Bình Non Nước Hữu Tình Đến Thế. Nguồn: VTV Review.
Quốc Lê