Giải thưởng NSND, NSƯT: Động lực để nghệ sĩ tiếp tục cống hiến cho nghệ thuật

Tại lễ trao tặng danh hiệu NSND, NSƯT lần thứ 10, có 389 nghệ sĩ được phong tặng. Với số lượng nghệ sĩ được vinh danh ngày càng nhiều cho thấy sự phát triển mạnh mẽ của đời sống văn hóa nghệ thuật nước nhà. Tuy nhiên, nhận danh hiệu này bên cạnh niềm tự hào, các nghệ sĩ cũng đều nhận thức rõ trách nhiệm phải tiếp tục lao động không ngừng để xứng đáng với sự ghi nhận của đất nước, Nhân dân.

Giải thưởng lớn, trách nhiệm lớn

Học múa từ năm 12 tuổi, được đào tạo bài bản chuyên sâu về nghệ thuật múa Ballet, cùng với 2 năm du học Pháp, NSND Đỗ Văn Hiền đã không ngừng cống hiến, sáng tạo ra những tác phẩm múa được giới chuyên môn và công chúng đánh giá cao bởi sự sáng tạo mới mẻ, đặc sắc, mang đậm bản sắc Việt, đồng thời đoạt nhiều giải thưởng lớn tại các cuộc thi, liên hoan, hội diễn do Bộ VHTTDL tổ chức. Trong đó có thể kể đến các tác phẩm đoạt huy chương vàng như: "Dòng đàn PaZí", "Đom đóm biển", "Huyền thoại núi mẹ", "Sắc ngọt dao Nùng", "Vọng bản", "Mẹ Phù sa", "Sức sống Sơn La"…

Đặc biệt, với niềm đam mê văn hóa dân tộc khiến cho biên đạo múa Đỗ Văn Hiền không ngại lên vùng cao sinh sống, quan sát sinh hoạt hằng ngày của bà con dân tộc. Từ đó, anh đã tìm ra cách kết hợp những yếu tố của văn hóa truyền thống với tinh hoa của nghệ thuật múa đương đại, tạo nên hàng loạt tác phẩm ấn tượng.

Biên đạo múa - NSND Đỗ Văn Hiền

Biên đạo múa - NSND Đỗ Văn Hiền

NSND Đỗ Văn Hiền chia sẻ: "Tôi bị cuốn hút bởi con người và những tập quán sinh hoạt hàng ngày của cộng đồng 54 dân tộc anh em trên dải đất hình chữ S. Những điệu múa, lời ca tiếng hát, âm nhạc nơi đây luôn hấp dẫn và cho tôi cảm giác rất gần gũi, thân thương. Vì thế, tôi thích đi nhiều nơi, khám phá, trải nghiệm đời sống dân dã, đặc biệt là đến các bản vùng cao xa xôi, vùng dân tộc thiểu số để thẩm thấu, cảm nhận, lấy chất liệu múa, tìm hiểu nét sinh hoạt văn hóa đặc trưng bản địa, từ đó tìm ra được nhiều ý tưởng hay để đưa lên sân khấu, tái hiện qua những tác phẩm múa dân gian đương đại..."

Chính vì thế, mà mỗi tác phẩm của anh đều đem đến cho công chúng những cái nhìn mới lạ và chạm đến trái tim của mỗi người. Và để ghi nhận những đóng góp lớn cho ngành nghệ thuật, biên đạo múa Đỗ Văn Hiền đã được Nhà nước phong tặng danh hiệu NSƯT năm 2015 và năm 2023 niềm vui tiếp tục được nhân lên khi anh được phong tặng NSND.

Tác phẩm Sắc ngọt dao Nùng của biên đạo múa Đỗ Văn Hiền

Tác phẩm Sắc ngọt dao Nùng của biên đạo múa Đỗ Văn Hiền

Biên đạo múa - NSND Đỗ Văn Hiền chia sẻ: "Danh hiệu NSND là món quà quá tuyệt vời đối với tôi sau bao nhiêu năm phấn đấu, tận tâm với nghề. Là niềm vinh dự lớn nhưng cũng là trọng trách lớn đối với một người nghệ sĩ. Vậy nên, trong thời gian tới, tôi sẽ tiếp tục cống hiến và lan tỏa nhiều tác phẩm hay đến với công chúng. Đặc biệt, niềm đam mê văn hóa các dân tộc Việt Nam sẽ mãi trỗi dậy trong tôi, và tôi sẽ càng phải cố gắng hơn nữa để xây dựng các chương trình tham gia hội diễn cũng như tác phẩm mới hằng năm. Mỗi chương tôi sẽ khai thác một khía cạnh riêng từ chất liệu văn hóa bản địa để gần gũi với cộng đồng dân cư nơi đó, chạm đến trái tim khán giả".

Cũng giống như biên đạo múa – NSND Đỗ Văn Hiền, thành công ở một số vai diễn ấn tượng như Từ Hải trong Kiều, Hamlet trong Hamlet, Thiên trong Lâu đài cát, Sơn "ve sầu" trong Trong cơn giông thấy nắng, Nguyễn Huệ trong Thế sự…. đạo diễn Tạ Tuấn Minh (Nhà hát Kịch Việt Nam) cũng là một trong những gương mặt được phong tặng NSND đợt này. Với anh, đây là danh hiệu có ý nghĩa to lớn nhất trong sự nghiệp làm nghệ thuật của mình.

Đạo diễn - NSND Tạ Tuấn Minh (Nhà hát Kịch Việt Nam)

Đạo diễn - NSND Tạ Tuấn Minh (Nhà hát Kịch Việt Nam)

"Tôi vui sướng vô cùng khi những nỗ lực và đóng góp của bản thân cho ngành nghệ thuật được ghi nhận. Được phong tặng danh hiệu NSND là niềm vinh dự và tự hào không chỉ riêng tôi mà của cả gia đình, bạn bè. Danh hiệu sẽ là một động lực to lớn để tôi tiếp tục phấn đấu, cống hiến hết mình trên con đường sự nghiệp" - NSND Tạ Tuấn Minh chia sẻ.

Tuy nhiên, NSND Tạ Tuấn Minh cũng bày tỏ, bên cạnh niềm vui và tự hào thì anh cũng cảm thấy có chút áp lực, bởi từ đây trách nhiệm sẽ ngày một lớn hơn. Vậy nên, anh tâm niệm cần cố gắng phát huy chuyên môn hơn nữa, "sống trọn" từng tác phẩm để xứng đáng với tình yêu thương của công chúng và danh hiệu cao quý này.

Khích lệ tài năng trẻ cống hiến

Một tín hiệu đáng mừng hơn nữa, trong đợt phong tặng NSND, NSƯT lần thứ 10 là có sự góp mặt của nhiều gương mặt trẻ tài năng.

Điển hình như Phó Giám đốc Học viện Âm nhạc quốc gia Việt Nam Bùi Công Duy - nghệ sĩ vĩ cầm trẻ tài năng của Việt Nam hiện nay. Anh đã đoạt được nhiều giải thưởng quốc tế lớn, trong đó có giải nhất - Huy chương vàng tại cuộc thi Âm nhạc quốc tế mang tên Tchaikovksy cho các nghệ sĩ trẻ năm 1997.

Gần đây nhất, vào tháng 4/2023, Bùi Công Duy được phong Giáo sư danh dự Đại học Nghệ thuật quốc gia Kazakhstan. Nền âm nhạc Kazakhstan được thừa hưởng tinh hoa của âm nhạc Xô Viết nên có trình độ rất cao và đặc sắc. Đây là một vinh dự rất lớn với Bùi Công Duy và cả Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam. Với những thành công, nỗ lực cống hiến không ngừng nghỉ cho nền âm nhạc nước nhà, Phó Giám đốc Học viện Âm nhạc quốc gia Việt Nam đã được Nhà nước phong tặng NSND.

Phó Giám đốc Học viện Âm nhạc quốc gia Việt Nam NSND Bùi Công Duy

Phó Giám đốc Học viện Âm nhạc quốc gia Việt Nam NSND Bùi Công Duy

Chia sẻ về niềm vui này, NSND Bùi Công Duy chia sẻ: "Trong thời gian qua, chúng ta cũng nhận thấy rằng nhu cầu thưởng thức văn hóa nghệ thuật của công chúng ngày càng nâng cao nên ngành nghệ thuật biểu diễn cũng đang phát triển mạnh mẽ. Qua đó, đòi hỏi những người nghệ sĩ phải càng phải tập trung sáng tạo ra nhiều các sản phẩm, chương trình hay hơn nữa để gửi đến công chúng. Vì vậy, không chỉ cá nhân tôi mà bất kỳ một người nghệ sĩ nào khi được tôn vinh ghi nhận những đóng góp của mình cho ngành nghệ thuật bằng một giải thưởng cao quý, được ghi nhận từ xã hội, Đảng, Nhà nước và Chính phủ thì cũng cảm thấy rất vinh dự và tự hào. Và đặc biệt, tôi cảm thấy mình rất may mắn khi có được sự ghi nhận từ sớm. Những giải thưởng từ Nhà nước, ghi nhận của công chúng đã giúp tôi yên tâm hơn để phát triển sự nghiệp".

Cũng theo NSND Bùi Công Duy, đợt xét tặng lần này đã có sự thay đổi lớn khi có nhiều nghệ sĩ trẻ được phong tặng NSND, NSƯT. Với anh, đây là một sự khích lệ to lớn của Nhà nước dành cho những nghệ sĩ trẻ.

"Tôi nghĩ đó là một điều rất tuyệt vời và tích cực dành cho những người trẻ như chúng tôi bởi đây là thời điểm những người nghệ sĩ có tuổi nghề tốt hay còn gọi "điểm rơi của phong độ" nên khi được ghi nhận động viên đúng lúc sẽ khích lệ tinh thần giúp cho nghệ sĩ trẻ tiếp tục sáng tạo để có những đột phá lớn hơn trên con đường phát triển sự nghiệp của mình.

Và khi có nhiều người trẻ được ghi nhận càng chứng tỏ ngành nghệ thuật của chúng ta đang trẻ hóa. Bên cạnh thế hệ gạo cội, các bạn trẻ, những gương mặt tài năng đã và đang tạo ra được những sản phẩm có chất lượng cao, tạo được những dấu ấn riêng cho bản thân để cống hiến cho lĩnh vực nghệ thuật mình theo đuổi. Đó chính là những tín hiệu tốt cho ngành nghệ thuật. Tôi chỉ rất lo nếu trong những lần phong tặng mà thiếu những gương mặt trẻ thì ngành nghệ thuật sẽ ngày càng thiếu lớp trẻ kế cận" – NSND Bùi Công Duy nói.

Tuy nhiên, NSND Bùi Công Duy chia sẻ, giải thưởng nào cũng sẽ đi kèm trách nhiệm lớn, đặc biệt với những nghệ sĩ trẻ bởi quãng đường cống hiến cho nghệ thuật còn rất dài nên nghệ sĩ trẻ càng phải nỗ lực sáng tạo, phấn đấu nhiều hơn nữa để chứng minh cho công chúng, Đảng, Nhà nước và Chính phủ thấy rằng sự ghi nhận đó là "xứng đáng"./.

Thương Nguyễn

Nguồn Tổ Quốc: https://toquoc.vn/giai-thuong-nsnd-nsut-dong-luc-de-nghe-si-tiep-tuc-cong-hien-cho-nghe-thuat-20240305130202086.htm