Giải thưởng Sân khấu năm 2023: Không có giải A cho vở diễn và kịch bản

Ngày 14/3, tại Hà Nội, Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam đã tổ chức Lễ trao Giải thưởng Sân khấu năm 2023 và triển khai kế hoạch hoạt động năm 2024. Theo đó, Giải thưởng Sân khấu năm 2023 đã không tìm thấy giải A ở cả vở diễn sân khấu và kịch bản văn học.

Tại buổi lễ, Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam đã trao 3 giải B, 6 giải C (không có giải A) cho các vở diễn sân khấu năm 2023. Trong đó 3 giải B thuộc về "Lôi Vũ" (Sân khấu Lệ Ngọc); “Nửa cõi sơn hà” (Nhà hát Tuồng Nguyễn Hiển Dĩnh); “Đại đội trưởng của tôi” (Nhà hát Chèo Quân đội).

Về giải thưởng Tác giả kịch bản – Sách nghiên cứu Lý luận phê bình có 4 giải B thuộc về “Vòng tròn bội bạc” (Chu Lai); “Xuân Hương nữ sỹ” (Nguyễn Đức Minh); “Ngôi sao không tắt” (Nguyễn Đình San); “Sự trở lại của sân khấu” (Nguyễn Thế Khoa) và 6 giải C, 7 giải Khuyến khích cho các tác giả, tác phẩm.

Trao giải B giải vở diễn sân khấu năm 2023.

Trao giải B giải vở diễn sân khấu năm 2023.

Cũng nhân dịp này, Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam cũng đã trao giải họa sĩ xuất sắc và diễn viên xuất sắc cho 11 cá nhân; trao giải thưởng cuộc vận động sáng tác kịch bản sân khấu về đề tài thiếu niên, nhi đồng với 2 giải A, 3 giải B, 7 giải C.

TS Nguyễn Đăng Chương, Chủ tịch Hội đồng Nghệ thuật - Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam nhận định, đời sống sân khấu năm 2023 lại trở về sự ảm đạm và bế tắc của nhiều năm trước. Kết quả Giải thưởng Sân khấu năm 2023 phần nào khắc họa được diện mạo của nghệ thuật sân khấu năm qua, có thể làm cho chúng ta có một cảm giác chống chếnh, nản lòng.

Theo TS Nguyễn Đăng Chương, điểm nghẽn lớn nhất, cũng là điều khó khăn nhất của đời sống sân khấu hiện nay là đang bị khủng hoảng về đội ngũ sáng tạo. Nghệ thuật sân khấu là nghệ thuật tổng hợp. Để sáng tạo nên một tác phẩm sân khấu phải có sự đóng góp của tác giả, đạo diễn, họa sỹ, nhạc sỹ, diễn viên, âm thanh, ánh sáng, hậu đài, phê bình sân khấu…

TS Nguyễn Đăng Chương, Chủ tịch Hội đồng Nghệ thuật Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam

TS Nguyễn Đăng Chương, Chủ tịch Hội đồng Nghệ thuật Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam

Hội nghệ sỹ sân khấu Việt Nam có 218 Hội viên là tác giả chuyên nghiệp và không chuyên. Thế nhưng lượng tác giả có kịch bản thường xuyên dàn dựng ở các đơn vụ nghệ thuật chuyên nghiệp chỉ đếm được trên đầu ngón tay. Nhiều năm gần đây, đội ngũ tác giả đang bị bế tắc về phương hướng sáng tạo, cách thức tiếp nhận và lý giải những mâu thuẫn xung đột của xã hội và con người hôm nay.

Có lẽ vì bế tắc nên phần lớn tác giả lựa chọn sáng tác về đề tài lịch sử, dân gian mà không dám dấn thân phản ánh mọi mặt của đời sống đương đại. Nếu dựa vào lịch sử, dân gian để chuyển tải những thông điệp mới mẻ, có ích cho cuộc sống hôm nay cũng là điều rất quý. Thế nhưng, đa số các tác phẩm mới chỉ đạt ở mức minh họa lịch sử.

Sân khấu nhiều năm qua và cả năm 2023 thiếu vắng kịch bản về đề tài đương đại, về những vấn đề nóng bỏng đang tác động nhiều mặt, làm đổi thay con người và xã hội trong thời kỳ hội nhập. Nhưng tác giả sân khấu dường như đang né tránh, đứng bên ngoài thực tiễn sinh động diễn ra sôi động hàng ngày, tác động mọi mặt đến con người, xã hội và làm mới hơn các hệ giá trị. Điều ấy khẳng định đội ngũ tác giả vẫn khoanh tay bó gối trước hiện thực đời sống có vô vàn chất liệu đang cuồn cuộn trôi đi từng ngày.

Trao giải họa sĩ xuất sắc; Diễn viên xuất sắc.

Trao giải họa sĩ xuất sắc; Diễn viên xuất sắc.

Đồng thời, đời sống sân khấu Việt Nam nhiều năm qua không có phê bình sân khấu. Nghệ thuật sân khấu khi không chịu sự tác động của những người làm công tác lý luận phê bình sân khấu thì sẽ giống như một cỗ xe không có phanh kể cả lúc lên dốc và khi xuống dốc.

Cả nước hiện nay có hơn 100 đơn vị nghệ thuật sân khấu trong và ngoài công lập, thế nhưng đội ngũ phê bình sân khấu còn lại được những ai? Điểm khắp từ Bắc vào Nam vẫn chỉ thấy Phó Giáo sư Tất Thắng, PGS TS Phạm Duy Khuê, PGS TS Trần Trí Trắc, PGS TS Nguyễn Thị Minh Thái và vài người khác nữa… Nhưng tất cả những cây đa, cây đề ấy tuổi đời đều đã rất cao, không có đủ điều kiện về mọi mặt để thường xuyên cập nhật những tác phẩm sân khấu đã và đang dàn dựng trên phạm vi toàn quốc.

"Chúng ta không thể xây dựng và phát triển thành công nền nghệ thuật sân khấu Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc trên nền tảng của sự khủng hoảng về nguồn lực con người, đặc biệt là đội ngũ sáng tạo", TS Nguyễn Đăng Chương khẳng định.

Cũng tại buổi lễ, NSND Trịnh Thúy Mùi, Chủ tịch Hội NSSKVN cũng thông tin về kế hoạch hoạt động trong năm 2024. Trong đó Hội sẽ xây dựng Đề án “Đặt hàng, dàn dựng, quảng bá tác phẩm về đề tài cách mạng” cho 5 tác phẩm bằng nguồn ngân sách nhà nước và nguồn kinh phí khác; Đề án “Liên hoan các vở diễn sân khấu tiêu biểu về đề tài cách mạng”; Đề án Nâng cao chất lượng kịch bản và tổ chức Liên hoan sân khấu về đề tài thiếu niên, nhi đồng toàn quốc định kỳ 3 năm một lần…

Bên cạnh đó, NSND Trịnh Thúy Mùi cũng cho biết, trong năm 2024, Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam cũng sẽ phối hợp với Cục Nghệ thuật biểu diễn tổ chức 4 cuộc Liên hoan: Kịch nói, Cải lương toàn quốc; Múa rối quốc tế; Cuộc thi tài năng Xiếc toàn quốc; Phối hợp với Sở VHTT TP HCM tổ chức Cuộc thi tài năng diễn viên sân khấu Cải lương Trần Hữu Trang.

Đặc biệt, Hội sẽ tổ chức Liên hoan sân khấu toàn quốc về đề tài thiếu nhi dự kiến trong quý II 2024; Liên hoan Sân khấu Thủ đô toàn quốc lần thứ VI dự kiến tháng 10/2024; Liên hoan Sân khấu Thành phố Hồ Chí Minh toàn quốc dự kiến vào tháng 11/2024; Liên hoan nghệ thuật truyền thống tại Cộng hòa Séc vào tháng 7/2024. Ngoài ra các Hội thảo “Nâng cao chất lượng kịch bản và dàn dựng những tác phẩm sân khấu dành cho thiếu nhi”; Hội thảo “Các tác phẩm sân khấu về đề tài chiến tranh cách mạng”; Hội thảo 100 năm ngày sinh của cố soạn giả, NSND Viễn Châu vào tháng 10/2024 nhân Lễ kỷ niệm 100 năm ngày sinh của ông.

Nguồn ANTĐ: https://anninhthudo.vn/giai-thuong-san-khau-nam-2023-khong-co-giai-a-cho-vo-dien-va-kich-ban-post569818.antd