Giải thưởng Sáng tạo TP.HCM khơi dậy cảm hứng sáng tạo trong nhân dân
Lễ công bố và trao giải thưởng Sáng tạo TP.HCM lần 3 năm 2023 đã diễn ra tối nay (8/9) tại Nhà hát TP. Lãnh đạo Thành ủy, HĐND, Ủy ban MTTQ TP.HCM đến tham dự và chúc mừng các tác giả, nhóm tác giả đạt giải.
Hội đồng xét tặng giải thưởng Sáng tạo TP.HCM lần 3 đã công bố và trao thưởng cho 58 công trình, giải pháp, đề tài, tác phẩm xuất sắc của 51 tập thể và 7 cá nhân, tham gia ở 7 lĩnh vực gồm: phát triển kinh tế, quốc phòng an ninh, quản lý Nhà nước, truyền thông, văn học nghệ thuật, khoa học kỹ thuật và khởi nghiệp sáng tạo. Trong 7 lĩnh vực của giải thưởng Sáng tạo năm nay có 3 giải Nhất.
Cụ thể, phương pháp “Tái tạo khuyết hổng gần toàn bộ và toàn bộ lưỡi sau phẫu thuật trị ung thư” của nhóm tác giả đến từ Bệnh viện Ung Bướu TP.HCM xuất sắc đạt giải Nhất lĩnh vực khoa học kỹ thuật. Giải pháp này giúp tái tạo lưỡi cho bệnh nhân ung thư trong trường hợp phải cắt bỏ toàn bộ lưỡi, vừa giảm chi phí điều trị, vừa giúp bệnh nhân bớt đau đớn, kéo dài sự sống, có thể giao tiếp được.
Ở lĩnh vực văn học nghệ thuật, giải Nhất thuộc về Kịch múa “Kiều” của nhóm tác giả thuộc Nhà hát Giao hưởng - Nhạc Vũ kịch TP.HCM. Tác phẩm được đánh giá là kết hợp nhuần nhuyễn nét đẹp nghệ thuật truyền thống và phương pháp tư duy sáng tạo hiện đại, gắn với hơi thở cuộc sống, giúp người xem thấy được sự mới mẻ, hiện đại, sáng tạo của một tác phẩm múa với nhiều cảm xúc.
Giải pháp “Đảm bảo quốc phòng và an ninh cho phát triển bền vững trên địa bàn TP.HCM trong thời kỳ mới” của nhóm tác giả Bộ Tư lệnh TP.HCM và Công an TP.HCM đạt giải Nhất ở lĩnh vực quốc phòng an ninh. Công trình giúp dự báo những nhân tố tác động, tình huống, thách thức về quốc phòng, an ninh và đề ra hệ thống giải pháp cơ bản, toàn diện, có tính đặc thù, khả thi nhằm đảm bảo phát triển bền vững.
Ngoài ra, có 15 giải Nhì và 40 giải Ba được trao cho các tác giả, nhóm tác giả. Anh Bùi Nguyên Thế Kiệt, đại diện nhóm tác giả Ban Quản lý rừng phòng hộ Cần Giờ chia sẻ về công trình đạt giải Ba - “Ứng dụng hệ thống thông tin địa phương (GIS) trong quản lý tài nguyên rừng tại Khu dự trữ sinh quyển Cần Giờ”: “Ở đây chúng tôi sử dụng hình ảnh viễn thám và các phần mềm chuyên ngành để theo dõi diễn thế của rừng theo chu kỳ 10 năm, qua đó đánh giá diễn biến của rừng để đề xuất các biện pháp lâm sinh thích hợp nhằm nâng cao chất lượng rừng. Đặc biệt hiện nay trong chương trình chuyển đổi số, ứng dụng này nâng cao được trình độ của cán bộ, viên chức, không đòi hỏi quá cao học thuyết. Đây là việc phải làm liên tục, không thể nào dừng, và chúng tôi đang tiếp tục làm tốt hơn”.
Phát biểu tại buổi lễ, ông Võ Văn Hoan, Phó Chủ tịch UBND TP.HCM khẳng định, TP sẽ tiếp tục tạo điều kiện thuận lợi nhằm đưa đổi mới sáng tạo thành xu thế tất yếu. Đồng thời đề nghị các ngành, các cấp, các đơn vị, địa phương tiếp tục tạo điều kiện thuận lợi hỗ trợ cho những ý tưởng đột phá, gắn với thực hiện chủ trương khuyến khích và bảo vệ cán bộ, công chức, viên chức, người lao động năng động sáng tạo vì lợi ích chung.
“Tiếp tục triển khai có hiệu quả kế hoạch thúc đẩy đổi mới sáng tạo trong khu vực công, tập trung các giải pháp, ý tưởng sáng tạo phục vụ cho việc xây dựng chính quyền số, nâng cao chất lượng xây dựng chính quyền đô thị, cải thiện môi trường đầu tư, thực hiện tốt công tác cải cách hành chính. Đặc biệt là tập trung nghiên cứu, đề xuất các giải pháp phát triển mô hình kinh tế xanh, kinh tế số, kinh tế tuần hoàn”, ông Võ Văn Hoan cho hay.
Dịp này, lãnh đạo UBND TP chính thức phát động Giải thưởng Sáng tạo TP.HCM lần thứ 4, dự kiến trao giải vào ngày 30/4/2025 - kỷ niệm 50 năm giải phóng miền Nam thống nhất đất nước. Qua đó tiếp tục cổ vũ tinh thần sáng tạo, đổi mới nhằm chuyển hóa các cơ chế, chính sách đặc thù và vượt trội vừa được Quốc hội quyết định, trở thành nguồn lực cho TP.HCM hướng đến mục tiêu năm 2030 là TP dịch vụ, công nghiệp hiện đại, trung tâm kinh tế, tài chính khu vực và quốc tế.