Giải tỏa cơn khát vốn rẻ cho doanh nghiệp
Các doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và các doanh nghiệp ở nông thôn lâu nay được xem như 'yếu thế' khi tiếp cận các dòng vốn vay. Điều đó đang đòi hỏi tăng nền tảng vốn, mở rộng cho vay cùng khả năng chủ động thích ứng tốt hơn từ phía ngân hàng thương mại, nhằm cải thiện cơ hội tiếp cận tín dụng cho những doanh nghiệp này.
Bàn về chuyện khơi thông dòng vốn cho các doanh nghiệp (DN) Việt trong thời gian tới, ông Nguyễn Đặng Hiến, Phó chủ tịch Hội Lương thực Thực phẩm Tp.HCM (FFA), nhấn mạnh dòng tiền đối với DN không khác gì dòng máu đối với cơ thể. Khi dòng tiền mất cân đối sẽ tạo ra nhiều hệ lụy không tốt cho các DN.
Trông chờ tháo gỡ khúc mắc
Liên hệ ở những DN trong ngành thực phẩm, theo ông Hiến, đây là ngành có vòng quay nhanh, có nghĩa là dòng tiền cũng phải quay cùng chu kỳ của sản phẩm. Trong trường hợp đó, việc mất cân đối về dòng tiền để thanh toán, mua nguyên vật liệu, thanh toán tiền lương luôn là mối lo của các DN.
Để giải quyết vấn đề này, vị phó chủ tịch FFA nêu lại việc có nhiều giải pháp, chính sách hỗ trợ từ Chính phủ, các bộ ngành, địa phương và các ngân hàng thương mại. Tuy nhiên, khả năng tiếp cận vốn vay của DN chủ yếu vẫn là do mối quan hệ giữa DN với ngân hàng
“Chúng ta đã nghe rất nhiều về chuyện những DN nhỏ và siêu nhỏ không có khả năng tiếp cận vốn vay vì lý do là không có tài sản thế chấp. Nhưng cần hiểu ngân hàng cũng là DN, khi cho vay thì họ muốn dòng vốn đảm bảo thu hồi được. Nên chúng ta không thể trách được là tại sao ngân hàng không cho tôi vay mà cho người khác vay”, ông Hiến nói.
Vì thế, muốn gỡ được khúc mắc này đòi hỏi cần có sự bảo đảm của Nhà nước. Chẳng hạn như đưa ra một chính sách bảo đảm cho các DN nhỏ và siêu nhỏ vay với điều kiện chỉ cần đầu vào và đầu ra sản phẩm của DN phải ổn định và có triển vọng tăng trưởng tốt.
“Chẳng hạn như DN phải sản xuất với giá thành có thể chấp nhận được và đưa ra thị trường tiêu thụ, tạo ra một vòng chu chuyển từ sản xuất cho đến phân phối, tiêu thụ ổn định. Nếu làm được điều này thì tôi nghĩ rằng Nhà nước có thể đánh giá và đặt ra một chính sách kêu gọi các ngân hàng thương mại để cho DN vay vốn”, ông Nguyễn Đặng Hiến chia sẻ thêm.
Còn nếu vẫn xét về mặt tài sản thế chấp thì rất khó cho các DN nhỏ và siêu nhỏ có thể vay vốn được trong lúc này. Bởi lẽ quy mô những DN này đã rất nhỏ nên chuyện có thể mua tài sản nhà cửa, đất đai vốn dĩ đã khó, ngay cả máy móc, thiết bị, nhà xưởng họ cũng phải đi thuê và làm gia công.
Chính vì thế, với những DN “yếu thế” như vậy thì các ngân hàng khó có thể yên tâm cho vay khi đề cao mức độ an toàn. Nhưng dù ít dù nhiều, nếu ngân hàng mạnh dạn cho các DN nhỏ và siêu nhỏ vay vốn với các điều kiện cởi mở hơn thì sẽ tạo nên một dòng tiền tốt cho hoạt động của DN.
Có thể nói, tuy chiếm khoảng 98% tổng số DN của cả nước, tạo ra 40% tổng sản phẩm quốc nội và 50% số việc làm, những DN nhỏ và vừa, DN siêu nhỏ vẫn gặp nhiều hạn chế trong tiếp cận tài chính, cản trở cho việc phát triển sản xuất kinh doanh.
Tăng nền tảng vốn, mở rộng cho vay
Hơn nữa, trước những thách thức về kinh tế do đại dịch Covid-19 diễn ra trên toàn cầu trong hai năm qua, các DN này tại Việt Nam đang rất cần nhanh chóng có thêm dòng vốn lưu động để duy trì hoạt động và phục hồi hậu Covid-19 trong năm 2022 và các năm tới.
Nhằm khơi thông dòng vốn vay cho các DN đang “yếu thế” như vậy đang rất cần tính chủ động thích ứng hơn từ phía các ngân hàng thương mại cũng như sự nỗ lực hỗ trợ của các tổ chức tài chính trong nước và quốc tế.
Như hôm 25/1, theo thông tin từ IFC, thành viên nhóm Ngân hàng Thế giới, tổ chức tài chính này cùng với quỹ đầu tư LeapFrog Investments, và DEG (Định chế Tài chính Phát triển Đức) đã đầu tư 165 triệu USD vào trái phiếu chuyển đổi cấp 2 do một ngân hàng thương mại cổ phần ở Tp.HCM phát hành, nhằm giúp tăng cường nền tảng vốn của ngân hàng. Đồng thời giúp mở rộng cho vay đối với DN bán lẻ, các DN nhỏ và vừa, đặc biệt là các DN do phụ nữ làm chủ hoặc lãnh đạo.
Ông Kyle Kelhofer, Giám đốc Quốc gia IFC phụ trách Việt Nam, Campuchia và Lào, nói rằng khoản đầu tư này không chỉ giúp phía ngân hàng cải thiện năng lực tài chính để nắm bắt cơ hội tăng trưởng mà còn mở rộng hơn nữa hoạt động kinh doanh nòng cốt là cho vay DN nhỏ và vừa.
“Điều này còn phát đi một tín hiệu tích cực, giúp thúc đẩy niềm tin của nhà đầu tư quốc tế vào khả năng thích ứng và chống chịu của khu vực tài chính Việt Nam, cũng như triển vọng tăng trưởng kinh tế trung dài hạn, đặc biệt trước các tác động tiêu cực của đại dịch đang diễn ra trên toàn cầu”, ông Kyle nói.
Về phía ngân hàng đã nhận khoản đầu tư này, vốn là một trong số các ngân hàng Việt Nam có mạng lưới nông thôn rộng khắp nhất, đã đặt mục tiêu mở rộng danh mục cho vay DN bán lẻ cùng với DN nhỏ và vừa, tiếp cận tốt hơn với dân cư khu vực nông thôn và các hộ kinh doanh phi chính thức cũng như các nữ doanh nhân.
Nhất là ngân hàng này đặt mục tiêu tăng trưởng đáng kể số lượng khách hàng nông thôn - chủ yếu là DN nông nghiệp quy mô nhỏ và DN phi chính thức.
Ông Phạm Quốc Thanh, Tổng giám đốc của ngân hàng thương mại đã nhận khoản đầu tư nêu trên, cho biết đây là nguồn vốn giúp tăng cường năng lực của ngân hàng để cấp thêm hàng ngàn khoản vay cho các DN bán lẻ, nông thôn, và DN nhỏ và vừa, bao gồm cả DN do phụ nữ làm chủ, vốn đang cần có nguồn tài chính để duy trì hoạt động trong bối cảnh khủng hoảng Covid-19 và sau đó.