Giải tỏa hành lang an toàn đường bộ ở Hậu Giang như 'bắt cóc bỏ đĩa'
Dù ngành chức năng đã nỗ lực, hằng năm tổ chức ra quân, giải tỏa lấn chiếm hành lang an toàn giao thông đường bộ, tuy nhiên khi lực lượng vừa rời đi, tình trạng lấn chiếm lại tái diễn.
Tình trạng người dân lấn chiếm vỉa hè, hành lang an toàn giao thông (ATGT) đường bộ… để dựng biển quảng cáo, bày bán, kinh doanh hàng hóa trên một số tuyến đường giao thông ở Hậu Giang vẫn diễn ra phổ biến. Dù ngành chức năng đã có nhiều nỗ lực, song khi lực lượng tuần tra vừa rời khỏi thì "đâu lại vào đấy".
Nhiêu khê giải tỏa hành lang đường bộ
Thực tế tại một số tuyến đường qua địa bàn tỉnh Hậu Giang, PV Báo Giao thông ghi nhận, tình trạng lấn chiếm hành lang ATGT đường bộ, chiếm dụng vỉa hè làm nơi buôn bán, đặt các bục, biển hiệu… diễn ra rất phổ biến.
Hiện trạng này không chỉ làm mất vẻ mỹ quan đô thị mà còn gây cản trở giao thông, che chắn tầm nhìn của người điều khiển phương tiện, tiềm ẩn nguy cơ mất ATGT tại khu vực.
Điển hình quốc lộ 61, đặc biệt là tại khu vực chợ Cái Tắc, từ lâu được xem là điểm nhức nhối về tình trạng lấn chiếm vỉa hè, hành lang ATGT đường bộ.
Nhiều biển quảng cáo với đủ loại kích cỡ chiếm dụng vỉa hè vốn đã chật hẹp, phương tiện đậu kín lối đi, người đi bộ phải đi xuống lòng đường. Người buôn bán biến vỉa hè thành nơi bày hàng…
Từ ngày 15/12/2023 đến 14/3/2024, toàn tỉnh Hậu Giang xảy ra 35 vụ tai nạn giao thông, làm 19 người chết (giảm 2%), 21 người bị thương (tăng 425%). Một trong những nguyên nhân khiến số người bị thương tăng là do tình trạng lấn chiếm hành lang an toàn đường bộ chưa giải quyết dứt điểm, nhất là trên quốc lộ 1, 61.
Trong khi đây là một trong những tuyến giao thông cửa ngõ quan trọng, lượng phương tiện lưu thông dày đặc. Thói quen bám vỉa hè, hành lang an toàn giao thông đường bộ và xem đây như là một lợi thế làm ăn đã khiến cho giao thông tại khu vực mất an toàn, thường xuyên ùn tắc vào những giờ cao điểm.
"Ở đây, thường buổi sáng người ta bày bán nhiều nhất. Dù biết đây là kế sinh nhai, nhưng đường ở đây nhỏ hẹp, việc xe đỗ trên đường mua bán hàng như vậy rất nguy hiểm", anh Nguyễn Chí Lâm (ngụ huyện Châu Thành A, tỉnh Hậu Giang) bày tỏ.
Không chỉ quốc lộ 61, tình trạng các hộ dân tự ý "mượn" đất hành lang ATGT đường bộ làm nơi buôn bán còn xảy ra trên tuyến quốc lộ 1A đoạn qua địa bàn tỉnh. Nhất là đoạn qua Công ty TNHH Hải sản Việt Hải (huyện Phụng Hiệp).
Giờ cao điểm, phương tiện vận chuyển hành khách, hàng hóa đi các tỉnh thành lưu thông rất nhiều. Người dân vô tư bày bán hàng hóa, nông thủy sản. Vào giờ tan tầm, các công nhân dừng lại mua sắm nhu cầu thiết yếu khiến cho giao thông tại khu vực trở nên phức tạp.
Để lập lại trật tự hành lang ATGT đường bộ, trong những năm qua, ngành chức năng tỉnh Hậu Giang đã liên tục lập các đoàn kiểm tra liên ngành để xử lý, giải tỏa.
Tuy nhiên khi lực lượng đến, người dân chấp hành, trả lại "đường thông, hè thoáng". Nhưng khi lực lượng đi khỏi thì tình trạng vi phạm lại tái diễn.
Cần có giải pháp quyết liệt
Trao đổi với PV Báo Giao thông, ông Nguyễn Lâm Thành, Chánh văn phòng Ban ATGT tỉnh Hậu Giang nhìn nhận, việc giải tỏa lấn chiếm hành lang an toàn đường bộ vốn đã khó, nhưng duy trì lại càng khó hơn.
"Hằng năm, chúng tôi đều tổ chức các đợt ra quân lập lại trật tự hành lang an toàn đường bộ, giải tỏa lấn chiếm. Thực tế cho thấy, sau khi lực lượng vừa đi khỏi, một bộ phận người dân ý thức kém lại tiếp tục bày bán, đặt bảng hiệu, bục, đổ vật tư tái lấn chiếm", Chánh văn phòng Ban ATGT tỉnh Hậu Giang nói.
Theo ông Thành, trong những tháng đầu năm trong năm 2024, Ban ATGT tỉnh phối hợp với các huyện ra quân phát quang cây xanh, giải tỏa hành lang an toàn giao thông đường bộ qua các tuyến quốc lộ qua địa bàn tỉnh.
Trong tháng 3/2024 đã cơ bản giải tỏa xong tuyến quốc lộ 61 đoạn từ thị trấn Cái Tắc tới cầu Móng. Ban ATGT tỉnh đang tiếp tục phối hợp với Văn phòng Quản lý đường bộ IV.5 (Bộ GTVT) và Ban ATGT các huyện tiếp tục giải tỏa tuyến quốc lộ 1 đoạn từ Bệnh viện Số 10 đến thị xã Ngã Bảy.
"Sau giải tỏa xong, chúng tôi sẽ lập biên bản hiện trường và bàn giao cho chủ tịch UBND các huyện tiếp nhận. Mặc khác, chúng tôi sẽ tổ chức họp sơ kết, đánh giá công tác tổ chức thực hiện và triển khai nhiệm vụ trong thời gian tới.
Tại đây, chúng tôi sẽ đề xuất giải pháp cụ thể để duy trì. Thứ nhất, UBND các huyện đưa nội dung giữ vững hành lang ATGT đường bộ được bàn giao vào tiêu chí thi đua. Nếu giữ tốt thì sẽ được cộng điểm thi đua, để tái lấn chiếm sẽ trừ điểm.
Đồng thời, quy trách nhiệm cho người đứng đầu. Ví dụ, chủ tịch, bí thư của thị trấn, xã để bị lấn chiếm là không xét thi đua cuối năm.
Một mặt phê bình, một mặt khen thưởng kịp thời. Tôi nghĩ giải pháp này cơ bản sẽ giữ được hành lang ATGT đường bộ", chánh Văn phòng Ban ATGT tỉnh Hậu Giang cho hay.