Giải trí trực tuyến có 'thoái trào' khi dịch Covid-19 qua đi?

Các nền tảng giải trí trực tuyến Hàn Quốc đã chứng kiến sự sụt giảm khi dịch Covid-19 dần được kiểm soát tại nước này. Chuyên gia dự báo sẽ có nền tảng trực tuyến ở Hàn Quốc không thể tồn tại sau đại dịch Covid-19.

Dịch Covid-19 cùng các biện pháp giãn cách xã hội đã thúc đẩy sự phát triển của nhiều mô hình giải trí trực tuyến, như các buổi hòa nhạc ảo. Riêng tại Hàn Quốc, thị trường giải trí trực tuyến đã tăng từ 682 triệu USD năm 2019 lên 832 triệu USD vào năm 2020. Ngành công nghiệp âm nhạc Hàn Quốc cũng đẩy mạnh các buổi biểu diễn trực tuyến, với sự hỗ trợ của công nghệ XR (thực tế mở rộng), AR (thực tế tăng cường) hay metaverse (vũ trụ ảo).

"THE SHOW" - buổi hòa nhạc trực tuyến đầu tiên của nhóm BLACKPINK vào tháng 1/2021. NGuồn: YG Entertainment.

"THE SHOW" - buổi hòa nhạc trực tuyến đầu tiên của nhóm BLACKPINK vào tháng 1/2021. NGuồn: YG Entertainment.

Tuy nhiên khi đại dịch Covid-19 lắng xuống và mọi người đang dần trở lại cuộc sống bình thường, ngành giải trí Hàn Quốc cũng đang cố gắng trở lại như trước đây. Hầu hết nghệ sĩ K-pop đã trở lại các sân khấu để tương tác trực tiếp với khán giả toàn thế giới. Các nhà làm phim cũng nối lại những dự án bị trì hoãn và ra nước ngoài để quay phim.

Theo KoreaTimes, một số nền tảng trực tuyến tại Hàn Quốc từng bùng nổ về lượt xem trong giai đoạn Covid-19 đã chứng kiến sự sụt giảm. Ví dụ như số người dùng trên điện thoại di động của 7 dịch vụ ở Hàn Quốc là Wavve, Tving, Seezn, Coupang Play, Disney +, Netflix và Watcha chỉ đạt 26,86 triệu trong tháng 4/2022, giảm khoảng 3,4 triệu so với tháng 1/2022.

Giáo sư Lee Gyu-tag (Đại học George Mason Hàn Quốc) cho rằng những tương tác trực tuyến theo kiểu metaverse là chưa đủ đáp ứng nhu cầu của khán giả. "Một số tính năng trong metaverse được công chúng quan tâm trong đại dịch Covid-19, tuy nhiên họ chưa thực sự ủng hộ. Nhiều người hâm mộ cho biết những tính năng khiến họ xao nhãng, thay vì tập trung thưởng thức âm nhạc. Giờ đây các chương trình trực tiếp đã có thể thực hiện, và nhiều người sẽ thấy việc tương tác với nghệ sĩ qua video là lãng phí, trong khi họ có thể đến xem thần tượng của mình biểu diễn".

Nhóm TXT tương tác với khán giả qua nền tảng trực tuyến. Nguồn: KOCCA

Nhóm TXT tương tác với khán giả qua nền tảng trực tuyến. Nguồn: KOCCA

Tuy nhiên giáo sư Lee Gyu-tag dự báo các nền tảng trực tuyến vẫn có cơ hội thu hút người xem, nếu tập trung vào nâng cao trải nghiệm chân thực hơn, thay vì cố gắng phô diễn những công nghệ lạ lẫm và bắt mắt. "Khán giả không cần thêm công nghệ lạ mắt, cái họ thực sự cần là ngồi ở nhà nhưng được thưởng thức âm nhạc như đang có mặt trực tiếp".

Nhà phê bình Jung Duk-hyun (Hàn Quốc) cho rằng dù công nghệ là gì thì chất lượng nội dung trên các nền tảng trực tuyến vẫn là quan trọng nhất. Nếu không thay đổi cách tiếp cận, sẽ có nền tảng giải trí trực tuyến tại Hàn Quốc không thể tồn tại sau đại dịch Covid-19.

"Trong đại dịch Covid-19, các dịch vụ giải trí trực tuyến gần như toàn quyền về nội dung cung cấp cho khán giả. Tuy nhiên lúc này khi dịch bệnh lắng xuống và thị trường phát trực tuyến ngày càng cạnh tranh hơn, sẽ có các nền tảng không thể tồn tại. Chìa khóa ở đây là nội dung, và các nền tảng bắt buộc phải sản xuất những sản phẩm gốc hấp dẫn" - ông Jung Duk-hyun cho biết.

Nhìn chung, các chuyên gia tại Hàn Quốc thừa nhận việc tổ chức đồng thời các buổi biểu diễn trực tiếp và trải nghiệm trực tuyến đang trở thành một tiêu chuẩn mới ở nước này. Ví dụ nếu sự kiện kéo dài 3 ngày thì có ít nhất 1 hoạt động sẽ được phát trực tuyến. "Người hâm mộ vẫn mong đợi các buổi hòa nhạc được cung cấp trên nền tảng trực tuyến, dù điều này có cả mặt tiêu cực và tích cực. Đây là nhu cầu mới xuất hiện sau dịch Covid-19" – giáo sư Lee Gyu-tag nhận định./.

Nam Anh/VOV.VN (biên dịch) Theo KoreaTimes

Nguồn VOV: https://vov.vn/giai-tri/giai-tri-truc-tuyen-co-thoai-trao-khi-dich-covid-19-qua-di-post982724.vov