Giảm 27/37 thủ tục hành chính trong phòng cháy, chữa cháy
Sáng 29-11, Quốc hội đã thông qua Luật Phòng cháy, chữa cháy và Cứu nạn, cứu hộ với 448/450 đại biểu tham gia biểu quyết nhấn nút tán thành.
Phiên họp được tiến hành dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn, sự điều hành của Phó chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương.
Theo báo cáo của Ủy ban Thường vụ Quốc hội giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Phòng cháy, chữa cháy và Cứu nạn, cứu hộ, ngày 1-11, Quốc hội đã thảo luận tại hội trường về dự thảo luật này.
Trên cơ sở ý kiến của các vị đại biểu Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã chỉ đạo nghiên cứu, tiếp thu, chỉnh lý. Các ý kiến của các vị đại biểu Quốc hội đều đã được nghiên cứu kỹ lưỡng để giải trình, tiếp thu và đã được thể hiện đầy đủ, toàn diện trong dự thảo luật và báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý.
Dự thảo luật đã được tiếp thu, chỉnh lý theo hướng tăng cường phân cấp, phân quyền gắn với quy định rõ nhiệm vụ, quyền hạn của các cơ quan, tổ chức, cá nhân trong bộ máy nhà nước, nâng cao năng lực thực thi; triệt để cắt giảm, đơn giản hóa thủ tục hành chính, điều kiện kinh doanh dịch vụ phòng cháy chữa cháy.
Cụ thể, dự thảo luật đã cắt giảm được 27 thủ tục hành chính, từ 37 thủ tục hành chính hiện hành xuống còn 10 thủ tục hành chính.
Đồng thời, dự thảo luật đã được chỉnh lý theo hướng giảm chi phí tuân thủ, tạo thuận lợi cao nhất cho người dân và doanh nghiệp; không quy định trong luật những nội dung về thủ tục hành chính, trình tự, hồ sơ mà giao Chính phủ, các Bộ quy định theo thẩm quyền để linh hoạt, kịp thời sửa đổi, bổ sung khi cần thiết, tạo thuận lợi cho việc phân cấp phù hợp với thực tiễn và đáp ứng yêu cầu cải cách hành chính.
So với dự thảo luật trình Quốc hội xem xét, cho ý kiến tại Kỳ họp thứ tám thì dự thảo luật trình Quốc hội thông qua có 55 điều (giảm 4 điều do bỏ 2 điều quy định về trách nhiệm của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, nội dung quản lý nhà nước về phòng cháy, chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ; ghép nội dung 2 điều thành 1 điều (Điều 28); chuyển nội dung Điều 56 thành khoản 6 Điều 55).
* Tại phiên họp, 448/450 đại biểu có mặt đã biểu quyết thông qua Luật Phòng cháy, chữa cháy và Cứu nạn, cứu hộ, đạt tỷ lệ 93,53% tổng số đại biểu Quốc hội.