Giảm 50% lệ phí trước bạ ô tô sản xuất trong nước: Kích cầu tiêu dùng, phục hồi sản xuất
Việc đề xuất giảm mức thu lệ phí trước bạ đối với xe ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước từ 1/8/2024 đến 31/1/2025 được người tiêu dùng và nhà sản xuất mong chờ.
Tạo sức bật giúp thị trường tăng trưởng trở lại
Mới đây, Bộ Tài chính có Công văn số 6506/BTC-CST gửi các Bộ, ngành, các cơ quan liên quan xin ý kiến về việc tiếp tục giảm lệ phí trước bạ đối với ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước vào thời điểm từ 1/8/2024 cho đến hết ngày 31/01/2025. Động thái này nhằm góp phần kích thích tiêu dùng, hỗ trợ tài chính cho người dân, doanh nghiệp, tạo đà để phục hồi tăng trưởng cho ngành sản xuất, lắp ráp ô tô trong nước trước bối cảnh nền kinh tế còn nhiều khó khăn, thách thức.
Nhìn lại thời gian qua, thị trường ô tô trong nước đã có xu hướng đã tăng dần từ tháng 3/2024 đến nay. Nếu trong tháng 1 và 2/2024, mức tiêu thụ xe giảm mạnh lên tới 40-50% so với tháng liền kề và so với cùng kỳ năm trước thì tháng 3/2024, đã có 27.289 xe được bán ra, tăng 135% so với tháng 2/2024. Vào tháng 4/2024, doanh số ô tô toàn thị trường đạt 24.350 xe, tuy giảm 11% so với tháng 3 nhưng vẫn tăng 9% so với cùng kỳ năm trước. Sang tháng 5, tiêu thụ xe đã tăng trở lại, đạt 25.794 xe, tăng 6% so với tháng 4/2024 và tăng 24% so với cùng kỳ năm ngoái. Con số tiêu thụ xe trong tháng 6 được cho là sẽ tiếp đà tăng trưởng.
Các chuyên gia của SSI Research trong báo cáo thị trường mới đây đã đưa ra mức dự bảo tăng trưởng doanh số ô tô mới trong năm 2024 là 9%. Lạc quan hơn, giới chuyên gia trong lĩnh vực này kỳ vọng, thị trường ô tô Việt Nam năm 2024 có thể đạt mức tiêu thụ 428.000 xe, tăng 10% so với năm 2023, nhờ các chính sách ưu đãi, hỗ trợ, đặc biệt là triển vọng phục hồi của nền kinh tế.
Đến thời điểm này, mức tiêu thụ xe sau 5 tháng đầu năm của các thành viên Hiệp hội các nhà sản xuất ô tô Việt Nam và Hyundai là 127.643 xe, giảm hơn 6% so với cùng kỳ năm trước. Con số này mới đạt được hơn 1/3 kỳ vọng của năm nay. Vì thế, để kích cầu thị trường, bên cạnh việc tập trung đưa ra các mẫu xe mới để người tiêu dùng có thêm nhiều lựa chọn, các hãng xe đã đẩy mạnh chính sách bán hàng với nhiều ưu đãi. Các chương trình khuyến mãi giảm giá bán xe, tặng quà, bảo hiểm, hỗ trợ phí trước bạ được các hãng đưa ra mỗi tháng, ít nhiều cũng đã góp phần tăng doanh số bán hàng.
Nhìn toàn cảnh thị trường ô tô trong nước có thể thấy, đến thời điểm này, giá xe đã giảm khá sâu so với 3-4 năm trước, đây là yếu tố quan trọng thúc đẩy người tiêu dùng lựa chọn xe hơi. Tuy nhiên, mặt bằng giá xe giảm vẫn là chưa đủ, những yếu tố khách quan từ kinh tế vĩ mô ít nhiều tác động tới tâm lý của người mua xe và được giảm thêm khi xuống tiền vẫn giúp người mua hào hứng hơn. Để tìm lại thời “hoàng kim” của thị trường ô tô, bên cạnh nỗ lực của mỗi doanh nghiệp, mỗi đại lý thì chính sách kích cầu tiêu dùng từ Chính phủ và các bộ ngành là rất cần thiết. Một trong số đó chính là đề xuất giảm 50% lệ phí trước bạ.
Trong bối cảnh thị trường ô tô chưa thực sự hồi phục mạnh mẽ, giảm lệ phí trước bạ được xem là động lực lớn cho thị trường ô tô tăng tốc, nhất là bắt đầu vào mùa cao điểm bán hàng cuối năm. Người tiêu dùng cũng kỳ vọng nhiều và mong muốn đề xuất này được thông qua. Chị Thu Hằng, nhân viên bán xe tại một cửa hàng ở quận Long Biên cho biết, từ cuối tháng 6 đến nay, một số khách hàng sau khi “chốt” được mẫu xe đã ngập ngừng đặt cọc bởi mong muốn đợi có chính sách giảm lệ phí trước bạ vào tháng 8 tới.
Liên quan đến vấn đề này, ông Nguyễn Văn Quyền, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải Việt Nam cũng cho biết, nhu cầu tiêu dùng ô tô phụ thuộc rất nhiều yếu tố và luôn biến động. Do đó, nếu được giảm thuế trước bạ, người tiêu dùng sẽ là đối tượng được hưởng lợi đầu tiên.
Tạo đòn bẩy phục hồi ngành sản xuất, lắp ráp ô tô trong nước
Theo Bộ Công Thương, trong bối cảnh kinh tế thế giới tiếp tục có nhiều biến động phức tạp và bất ổn, việc tiếp tục áp dụng chính sách hỗ trợ giảm mức thu lệ phí trước bạ đối với ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước trong một khoảng thời gian thích hợp là cần thiết và phù hợp.
Điều này sẽ góp phần kích cầu tiêu dùng ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước, hỗ trợ các doanh nghiệp sản xuất, lắp ráp ô tô, các nhà phân phối tiêu thụ được lượng xe tồn kho do tình hình kinh tế khó khăn, tăng doanh thu, bù đắp chi phí, góp phần giúp ngành sản xuất, lắp ráp ô tô trong nước sớm vượt qua khủng hoảng và phát triển.
Ông Nguyễn Chỉ Sáng -Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp cơ khí Việt Nam (VAMI) bày tỏ, ngành cơ khí chế tạo của Việt Nam đang đứng trước những thách thức lớn. Điều này có nhìn thấy rõ từ thị trường ô tô năm 2023 và 5 tháng đầu năm 2024. Doanh số bán ô tô đã có sự giảm sút mạnh, kéo theo sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp cơ khí và công nghiệp hỗ trợ trong nước khó khăn, tiếp tục đối diện với các thách thức như gián đoạn sản xuất, đơn hàng bị sụt giảm đáng kể, và khó khăn để duy trì nhịp sản xuất, nhằm đảm bảo công ăn việc làm và thu nhập cho người lao động.
Do vậy, để góp phần kích thích tiêu dùng, hỗ trợ tài chính cho người dân, doanh nghiệp, tạo đà để phục hồi tăng trưởng cho ngành sản xuất, lắp ráp ô tô trong nước trước bối cảnh nền kinh tế còn nhiều khó khăn, thách thức thì việc tiếp tục thực hiện giảm mức thu lệ phí trước bạ đối với xe ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước là một trong những giải pháp được các nhà sản xuất mong đợi.
Liên quan đến nội dung này, theo Cục Công nghiệp (Bộ Công Thương), trước đó, chính sách giảm 50% mức thu lệ phí trước bạ đối với ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước cũng đã được Chính phủ áp dụng trong năm 2020 và 2022, 2023. Kết quả mang lại hiệu quả tích cực, giúp các doanh nghiệp sản xuất, lắp ráp ô tô phục hồi sản xuất, từng bước mở rộng quy mô đầu tư, nội địa hóa sản phẩm trong bối cảnh khó khăn do đại dịch ra.
“Kinh nghiệm triển khai chính sách này trong thời gian qua đã góp phần hỗ trợ tài chính cho người dân, doanh nghiệp thông qua việc trực tiếp giảm chi phí khi đăng ký quyền sở hữu ô tô, từ đó kích thích nhu cầu, thúc đẩy người dân, doanh nghiệp mua sắm ô tô phục vụ nhu cầu tiêu dùng và sản xuất, kinh doanh. Qua đó, chính sách đã hỗ trợ các nhà sản xuất, nhà phân phối tiêu thụ lượng ô tô tồn kho qua các năm”- đại diện Cục Công nghiệp nêu.
Phân tích sâu hơn về tác động chính sách đối với sản xuất trước mắt và lâu dài, Lãnh đạo VAMI nhìn nhận, hiện có những doanh nghiệp ô tô có cơ sở sản xuất tại Việt Nam đã mang các mẫu xe điện, xe hybrid thâm nhập thị trường và bắt đầu sản xuất, lắp ráp ngay tại Việt Nam như Công ty Hyundai Thành Công với các mẫu xe điện IONIQ5 hay xe Santa Fe Hybrid. Chỉ khi duy trì được sản xuất hiện tại các doanh nghiệp sản xuất ô tô mới tiếp tục đầu tư mở rộng để sản xuất nhiều hơn, nhất là các mẫu xe xanh tại Việt Nam để tạo sự đa dạng cho người tiêu dùng lựa chọn. Ngoài ra việc tập trung đầu tư tiếp theo vào "xe xanh" của các doanh nghiệp này sẽ là đòn bẩy để giảm nhanh lượng phát thải từ ngành ô tô thời gian tới. Đồng thời góp phần thực hiện các cam kết của Việt Nam tại COP26 và nỗ lực phục hồi sản xuất cho ngành ô tô.
Theo tổng kết của Bộ Tài chính, chính sách giảm 50% mức thu lệ phí trước bạ với ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước góp phần tăng quy mô của thị trường ô tô nội địa, qua đó kích thích nhu cầu đối với các sản phẩm công nghiệp phụ trợ ô tô, góp phần thúc đẩy sự phát triển của nhiều ngành công nghiệp tham gia vào chuỗi cung ứng như kim loại, cơ khí, điện tử, hóa chất, cao su..., phù hợp với Chiến lược phát triển ngành công nghiệp ô tô Việt Nam.
Từ đó, góp phần tạo việc làm, tăng thu nhập cho người lao động, đảm bảo an sinh xã hội, thu hút khoa học công nghệ hiện đại vào Việt Nam và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.