Giảm 50% phí dịch vụ máy bay cất, hạ cánh đến hết năm 2021
Bộ GTVT đề xuất giảm 50% phí dịch vụ cất, hạ cánh máy bay đối với chuyến bay nội địa đến hết ngày 31/12/2021 để tháo gỡ khó khăn cho các hãng hàng không.
Đây là nội dung được Bộ GTVT đưa vào dự thảo Thông tư quy định mức phí, khung giá một số dịch vụ chuyên ngành hàng không tại cảng hàng không, sân bay Việt Nam từ ngày 1/1/2021 đến hết ngày 31/12/2021.
Dự thảo của Bộ GTVT nêu rõ: “Mức giá dịch vụ cất cánh, hạ cánh máy bay đối với các chuyến bay nội địa được thực hiện từ ngày 1/1/2021 đến hết ngày 31/12/2021 áp dụng bằng 50% mức giá cất cánh, hạ cánh tàu bay đối với chuyến bay nội địa quy định tại Thông tư số 53/2019/TT-BGTVT của Bộ trưởng Bộ GTVT quy định mức giá, khung giá một số dịch vụ chuyên ngành hàng không tại cảng hàng không, sân bay Việt Nam”.
Sau ngày 31/12/2021, tức là từ ngày 1/1/2022 trở đi các mức giá dịch vụ cất, hạ cánh máy bay được tiếp tục thực hiện theo mức giá quy định tại Thông tư số 53/2019/TT-BGTVT.
Khung giá đối với các dịch vụ chuyên ngành hàng không thuộc danh mục quy định tại Khoản 2 và Khoản 3, Điều 1 Thông tư số 53/2019/TT-BGTVT được thực hiện từ ngày 1/1/2021 đến hết ngày 31/12/2021 sẽ áp dụng khung giá với mức tối thiểu là 0 đồng, mức tối đa được thực hiện theo quy định tại Thông tư số 53/2019/TT-BGTVT.
Ông Bùi Doãn Nề, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội hàng không Việt Nam (VABA) đánh giá về giải pháp giảm 50% giá dịch vụ cất, hạ cánh máy bay là việc làm cần thiết: "Việc giảm giá dịch vụ cất hạ cánh máy bay cho các hãng hàng không là việc làm rất cần thiết vào lúc này. Bộ GTVT nên kéo giãn thời gian giảm giá dịch vụ, bởi dịch COVID-19 còn diễn biến phức tạp, hoạt động bay của các hãng chưa biết đến khi nào mới phục hội".
Cũng theo ông Nề đánh giá, kể từ khi dịch COVID-19 bùng phát, các hãng hàng không đã làm rất nhiều giải pháp tái cấu trúc, giảm bớt các chi phí. Những khó khăn, rủi ro tiềm ẩn, những hạn chế của các hãng hàng không đã được nêu và báo cáo với Chính phủ.
Hiện nay, các hãng hàng không đã có nhìn nhận lại một cách thực chất và chuyển đổi các hình thức kinh doanh cũng như tiếp cận để làm sao đơn giản hóa và đồng thời làm các thủ tục phù hợp nhất.
Ông Nề cho biết, bên cạnh việc giảm giá dịch vụ cất, hạ cánh máy bay, Bộ GTVT cũng cần có thêm các kiến nghị tới Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước có những chính sách hỗ trợ lãi vay và cho vay ưu đãi để các hãng hàng không có thể đảm bảo duy trì được hoạt động.
Hiệp hội hàng không cũng đã đề nghị có gói tín dụng cho ngành hàng không vay ưu đãi, mức lãi suất giảm khoảng 4% so với mức lãi suất vay thương mại, thời hạn 3-5 năm để các hãng duy trì được nguồn lực./.