Giảm áp lực cho thầy và trò

Chương trình học ở các cấp học trong năm học 2021 - 2022 đã chính thức được ngành Giáo dục hướng dẫn thực hiện giảm tải ở hầu hết các môn học. Đây được xem là tín hiệu đáng mừng vì đã giảm áp lực cho giáo viên và học sinh.GIẢM TẢI - GIẢM ÁP LỰC

Ở bậc tiểu học, hiện nay, các trường học đang thực hiện giảng dạy theo hai chương trình: Khối lớp 1, 2 thực hiện chương trình giáo dục phổ thông mới 2018 và các khối lớp 3, 4, 5 thực hiện theo chương trình giáo dục 2006.

Học sinh Trường THCS Trung An, TP. Mỹ Tho, tỉnh Tiền Giang học trực tuyến.

Học sinh Trường THCS Trung An, TP. Mỹ Tho, tỉnh Tiền Giang học trực tuyến.

Cụ thể, theo hướng dẫn, với lớp 1, 2, các trường nghiên cứu chương trình môn học, mạch kiến thức cốt lỗi; trong đó, tập trung vào các nội dung hình thành kiến thức mới ở các môn học, hoạt động giáo dục bắt buộc. Với học sinh lớp 1, các trường chú ý không tạo áp lực cho học sinh, giúp học sinh hình thành kỹ năng đọc viết Tiếng Việt. Ở khối lớp 3, 4, 5, thực hiện tinh giản một số nội dung ở từng môn học và tích hợp một số môn học ở từng chủ đề.

Đối với chương trình bậc THCS và THPT, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) đã có hướng dẫn giảm tải chi tiết ở từng nội dung môn học. Theo đó, ở mỗi môn học sẽ dạy và cho học sinh nắm các kiến thức căn bản, trọng tâm. Ở một vài nội dung mang tính chất liên kết cũng sẽ được giáo viên giảng dạy tích hợp.

Tuy nhiên, đáng chú ý là nhiều nội dung chỉ khuyến khích học sinh tự học, tự tìm hiểu và một vài nội dung giảm tải hoàn toàn không giảng dạy. Đối với những phần giảm tải sẽ không thực hiện đánh giá, kiểm tra và sẽ không nằm trong nội dung thi giữa kỳ hoặc thi cuối học kỳ.

Với bậc THCS, đặc biệt là với học sinh lớp 6 học theo chương trình giáo dục phổ thông mới, các trường đã bám sát nội dung chương trình, yêu cầu cần đạt của các môn học. Đối với những phần thực hành, thí nghiệm, nhà trường tổ chức lựa chọn, sử dụng học liệu dạy học trực tuyến để dạy học, hoặc hướng dẫn học sinh tự thực hiện ở nhà phù hợp với điều kiện thực tế.

Tiến sĩ Lê Thị Loan, Phó Trưởng Phòng Giáo dục trung học - Giáo dục thường xuyên, Sở GD-ĐT Tiền Giang đánh giá, việc giảm tải chương trình ở các khối lớp là rất phù hợp trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp như hiện nay. Thực hiện hướng dẫn của Bộ GD-ĐT, Sở GD-ĐT Tiền Giang đã triển khai đến các cơ sở giáo dục những nội dung giảm tải chi tiết của từng bài học, cụ thể bài nào giáo viên cần đảm bảo dạy đủ hay tích hợp hoặc hướng dẫn học sinh tự học…

KIỂM TRA NHƯ THẾ NÀO?

Chương trình học trực tuyến đã trải qua hơn 1 tháng ở tất cả các khối lớp. Tuy nhiên, vấn đề đặt ra là học sinh sẽ thực hiện các bài kiểm tra như thế nào. Theo quy định, trong mỗi học kỳ, tùy theo môn học, học sinh sẽ có từ 2 đến 4 bài kiểm tra thường xuyên, 1 bài kiểm tra giữa kỳ và 1 bài kiểm tra cuối học kỳ.

Theo chia sẻ của nhiều giáo viên, nếu như học trực tiếp, việc kiểm tra thường xuyên có thể làm trên giấy hoặc lấy điểm trả lời câu hỏi trực tiếp hay có thể làm bài tập nhóm thì với học trực tuyến hiện nay, tùy thuộc vào các bộ môn, yêu cầu với các bài kiểm tra thường xuyên sẽ nhẹ nhàng hơn như trả lời câu hỏi, kiểm tra vấn đáp, thực hiện bài tập trên các ứng dụng trực tuyến… Tuy nhiên, dù làm ở hình thức kiểm tra nào thì việc đánh giá năng lực học sinh cũng phải bảo đảm tính khách quan, công bằng và minh bạch.

Cô Nguyễn Thị Cẩm Giang, giáo viên dạy môn Lịch sử ở một trường THPT tại huyện Châu Thành, tỉnh Tiền Giang cho biết: “Thật ra có nhiều cách đánh giá học sinh với các bài kiểm tra thường xuyên. Ở môn Lịch sử, tôi sẽ cho học sinh vẽ sơ đồ tư duy, hệ thống kiến thức về một bài học nào đó, hay một chuỗi sự kiện mắc xích có liên quan với nhau. Mục đích vẽ sơ đồ tư duy sẽ vừa kiểm tra, đánh giá nhưng cũng sẽ góp phần cho học sinh mau nhớ bài hơn”.

Còn về các bài kiểm tra định kỳ, mới đây, Sở GD-ĐT Tiền Giang cũng đã có thông báo đến các cơ sở giáo dục trung học trên địa bàn tỉnh sẽ tổ chức kiểm tra giữa kỳ khi học sinh đi học trực tiếp trở lại. Khi đó, các trường tiến hành ôn tập, củng cố kiến thức từ đầu năm học đến thời điểm kiểm tra giữa học kỳ theo kế hoạch và sẽ tổ chức kiểm tra theo quy định.

Với sự hướng dẫn rõ ràng từ ngành Giáo dục, các đơn vị trường học đã đi vào dạy học nền nếp ổn định. Khi trở lại trường học trực tiếp, các thầy cô sẽ tận dụng “thời gian vàng” để ôn tập, củng cố kiến thức và thực hiện các bài kiểm tra định kỳ đúng theo quy định của Bộ GD-ĐT.

P.PHƯƠNG - N.NGỌC

Nguồn Ấp Bắc: http://baoapbac.vn/giao-duc/202110/giam-ap-luc-cho-thay-va-tro-936812/