Giảm áp lực giao thông cho nội đô: Lo trước mắt nhưng phải tính lâu dài
Trước tình trạng ùn tắc giao thông (UTGT) tại khu vực nội đô Hà Nội ngày càng diễn biến phức tạp, Kinh tế & Đô thị đã có cuộc trao đổi với chuyên gia giao thông, Thạc sĩ Lê Trung Hiếu.
Theo chuyên gia này, TP cần quan tâm đúng mức đến các nhóm giải pháp, cả lâu dài lẫn trước mắt.
Xin ông cho biết, nguyên nhân do đâu mà Hà Nội chịu áp lực giao thông lớn, dẫn đến thực trạng UTGT phức tạp như hiện nay?
- Theo tôi UTGT có một số nguyên nhân chính như: dân số và phương tiện giao thông tập trung quá đông trong khu vực nội đô, chất tải lên hạ tầng vốn còn eo hẹp. Mà sự chất tải đó bắt nguồn từ việc tập trung dày đặc các đầu mối thu hút người dân trong nội đô như: trường học, bệnh viện, khu đô thị, cơ quan, cơ sở kinh doanh, sản xuất, trung tâm thương mại, dịch vụ…
Song song với đó là việc chậm phát triển mạng lưới vận tải hành khách công cộng (VTHKCC) đặc biệt là đường sắt đô thị (ĐSĐT). Ngoài ra còn phải kể đến những khó khăn trong thực hiện các dự án hạ tầng giao thông, khiến tốc độ xây dựng đường sá chậm hơn rất nhiều so với sự gia tăng về nhu cầu đi lại.
Để giải quyết vấn nạn UTGT hiện nay, Hà Nội cần có những giải pháp gì thưa ông?
- Để giảm thiểu UTGT cần thực thi đồng bộ rất nhiều nhóm giải pháp khác nhau. Nhưng có thể tạm chia thành hai nhóm: các biện pháp lâu dài và trước mắt.
Về lâu dài cần đầu tư, hoàn thiện mạng lưới kết cấu hạ tầng giao thông theo quy hoạch với cả đường bộ, đường sắt, đường thủy nội địa và hàng không. Tuy nhiên, do khó khăn về nguồn vốn nên công tác đầu tư hạ tầng cần được phân loại, chú trọng tập trung trước vào những hạng mục như: đường vành đai, quốc lộ, đường hướng tâm, kết nối đô thị trung tâm với đô thị vệ tinh, ĐSĐT…
Bên cạnh đó cần xây dựng hệ thông giao thông thông minh, ứng dụng khoa học công nghệ cho cả giao thông động lẫn giao thông tĩnh để tối ưu công tác quản lý, điều tiết, giảm thiểu UTGT.
Trước mắt, khi áp lực giao thông tăng không ngừng TP cần lựa chọn và thực thi mạnh mẽ một số giải pháp cấp bách như: điều chỉnh tổ chức giao thông; hạn chế xe cá nhân, di dời các cơ sở thu hút nhu cầu đi lại lớn ra khỏi nội đô; tối ưu mạng lưới VTHKCC; xử phạt nghiêm vi phạm giao thông để nâng cao ý thức cho người dân… Trong đó có một số giải pháp rất khó khăn để thực hiện, nhưng có thể đem đến hiệu quả ngay.
Ví dụ như việc tối ưu năng lực cho mạng lưới VTHKCC, đó là điều kiện quan trọng để hạn chế xe cá nhân. Hà Nội đã đặt ra mục tiêu làm đường riêng cho xe buýt, tăng cường thêm nhiều tuyến ĐSĐT, đưa xe đạp công cộng vào phục vụ người dân… Những mục tiêu này đang dần hoàn thành nhưng vẫn chưa theo kịp tốc độ gia tăng của xe cá nhân. Nếu xe buýt, tàu điện, xe đạp công cộng… đáp ứng được nhu cầu đi lại cho Nhân dân, việc thay đổi thói quen sử dụng xe cá nhân sẽ dễ dàng hơn rất nhiều.
Hay như việc di dời các cơ sở tập trung đông người ra khỏi nội đô, Hà Nội rất cần sự ủng hộ của Chính phủ để đẩy nhanh tiến độ. Chỉ cần một số bệnh viện, trường học lớn được đưa ra ngoại thành thôi UTGT trong nội đô đã giảm đáng kể.
Muốn di dời các cơ sở tập trung đông người như ông vừa nói cần phải làm gì?
- Quả thật việc đưa các cơ quan, bệnh viện, trường học ra ngoại thành là không dễ. Trước hết cần có sự chỉ đạo sát sao, mạnh mẽ của Chính phủ, sau đó là quyết tâm của chính quyền TP và sự ủng hộ của người dân, nhất là những người đang công tác, học tập, làm việc tại những cơ sở này.
TP cần đầu tư hệ thống giao thông kết nối khu vực trung tâm với các đô thị vệ tinh thật thuận tiện. Mở đường sá, làm ĐSĐT, xe buýt nhanh… đến ngoại thành càng sớm thì việc di dời các cơ sở nêu trên càng dễ dàng. Một bộ phận không nhỏ cán bộ, giảng viên, công nhân, sinh viên… đang sinh sống trong nội thành, nếu đi lại thuận tiện, nhanh chóng sẽ ủng hộ chủ trương di dời.
Ngoài ra hạ tầng kỹ thuật của các đô thị vệ tinh, nơi trú đóng những cơ sở tập trung đông người cũng cần được hoàn thành, đủ năng lực đáp ứng nhu cầu sử dụng cho người dân.
Ông có nhận định như thế nào về công tác đầu tư phát triển hạ tầng của Hà Nội?
- Nhiều năm qua Hà Nội đã rất nỗ lực để phát triển mạng lưới hạ tầng giao thông. Tuy nhiên do nhiều khó khăn khách quan, TP vẫn chưa đạt được mục tiêu như kỳ vọng.
Việc thiếu vốn, thiếu kinh nghiệm, vướng mắc giải phóng mặt bằng và tác động không nhỏ của trình tự thủ tục đầu tư phức tạp đã ảnh hưởng lớn đến tiến độ phát triển hạ tầng giao thông. Có những dự án kéo dài cả chục năm chưa thể hoàn thành, đưa vào sử dụng, khiến hệ thống hạ tầng quá tải, việc tái cấu trúc đô thị bị chậm đáng kể.
Để tháo gỡ khó khăn cho việc đầu tư xây dựng hạ tầng nói chúng, và lĩnh vực giao thông nói riêng, Hà Nội cần được Chính phủ và Quốc hội ủng hộ mạnh mẽ hơn nữa. Cho TP được áp dụng các cơ chế, chính sách đặc thù đối với một đô thị đặc biệt để quyết định các vấn đề trong đầu tư, xây dựng hạ tầng.
Hà Nội nên ưu tiên đầu tư cho lĩnh vực nào để giảm thiểu UTGT?
- Cũng như bất kỳ đô thị nào trên thế giới, Hà Nội phải có một mạng lưới ĐSĐT đủ năng lực đáp ứng khoảng 50% nhu cầu đi lại của người dân. Không chỉ giải quyết vấn đề UTGT, ĐSĐT còn là hạt nhân cốt lõi để tái cấu trúc đô thị theo mô hình TOD. Do đó, bên cạnh việc đầu tư cho các tuyến Vành đai, đường hướng tâm quan trọng, TP cần tập trung nguồn lực hơn nữa cho ĐSĐT.
Nguồn lực ở đây không chỉ là tiền mà còn là cơ chế, chính sách, sự quan tâm, chỉ đạo sát sao của lãnh đạo Thành ủy, UBND, HĐND TP, nhằm tháo gỡ khó khăn cho mỗi dự án ĐSĐT.
Mặt khác, việc xây dựng các khu vực đô thị theo mô hình TOD, lấy ĐSĐT làm trung tâm cần được tính toán kỹ lưỡng, ưu tiên cho những không gian mở, còn nhiều tiềm năng, diện tích để hình thành. Với những khu vực lõi, đô thị cũ vốn đã rất đông dân cư và nhiều “mảng đặc”, việc phát triển theo mô hình TOD sẽ rất khó khăn, hiệu quả hạn chế.
Tóm lại, Hà Nội cần phân loại ưu tiên các công trình hạ tầng giao thông lớn như: đường vành đai, ĐSĐT… nơi nào cần hơn, có tiềm năng và hiệu quả hơn thì làm trước để có cơ sở tái cấu trúc đô thị theo hướng đa cực, đa trung tâm, phân bố đồng đều mật độ dân cư cũng như áp lực giao thông, góp phần giảm thiểu UTGT cho khu vực nội đô.