Giảm áp lực kỳ thi tuyển sinh lớp 10

Việc thành phố Hà Nội quyết định chỉ tổ chức ba môn thi trong kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 các trường Trung học phổ thông (THPT) công lập đã giúp giáo viên, học sinh lớp 9 và các bậc cha mẹ giảm bớt áp lực. Tuy nhiên, nhiều trường Trung học cơ sở (THCS) nội thành đang duy trì cho học sinh học trực tiếp kết hợp trực tuyến tùy theo mức độ dịch tại địa phương, trong khi học sinh các trường ngoại thành được học trực tiếp, khiến nhiều người lo lắng về trình độ không đồng đều giữa học sinh các khu vực.

Giờ học của học sinh lớp 9 Trường Trung học cơ sở Mê Linh, huyện Mê Linh. (Ảnh Đỗ Quân)

Giờ học của học sinh lớp 9 Trường Trung học cơ sở Mê Linh, huyện Mê Linh. (Ảnh Đỗ Quân)

Quyết định của Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội về việc tổ chức kỳ thi tuyển sinh lớp 10 năm học 2022-2023 chỉ với ba môn thi (Toán, Ngữ văn và Ngoại ngữ) thay vì bốn môn như dự kiến khiến học sinh và cha mẹ học sinh đều vui mừng vì giảm bớt áp lực thi cử trong điều kiện dịch bệnh. Cô Phạm Hương Giang, Hiệu trưởng Trường THCS Nguyễn Tri Phương (quận Ba Đình) cho biết, phương án thi ba môn, nhưng vẫn bảo đảm ổn định các tiêu chí về bài thi, đề thi, thời gian thi tạo điều kiện thuận lợi cho giáo viên và học sinh trong giai đoạn “tăng tốc” trước kỳ thi. Phương án này sẽ góp phần bảo đảm thực hiện mục tiêu kép, vừa chống dịch an toàn, vừa dạy học hiệu quả, khẳng định ngành giáo dục Thủ đô đang chủ động, linh hoạt, thích ứng an toàn trong tình hình hiện nay.

Tuy nhiên, việc giảm môn thi không đồng nghĩa kỳ tuyển sinh lớp 10 của Hà Nội bớt tính cạnh tranh khi vẫn chỉ có hơn 60% học sinh tốt nghiệp THCS được vào các trường THPT công lập, 21% sẽ vào các trường THPT tư thục, 10% vào trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên và khoảng 9% sẽ học nghề. Điều đáng quan tâm là năm học này số lượng học sinh lớp 9 của Hà Nội tăng khoảng 19 nghìn em so với năm học 2020-2021. Trong khi đó, Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội dù cố gắng cũng chỉ tăng được khoảng 10 nghìn chỉ tiêu so với năm 2021. Dù giữ tỷ lệ hơn 60% học sinh đỗ công lập như mọi năm, nhưng số học sinh không được vào học công lập vẫn nhiều hơn khi tính trên tổng số học sinh lớp 9 năm nay. Điều này khiến cho “cuộc đua” vào các trường THPT công lập của Hà Nội vẫn có sự cạnh tranh cao.

Một trong những vấn đề gây bàn cãi hiện nay là nhiều trường THCS có lịch học trực tiếp và trực tuyến khác nhau. Thực tế, nhiều trường đang chạy đua từng ngày trong việc duy trì học trực tiếp bởi hiệu quả giữa học trực tuyến và trực tiếp có độ chênh không nhỏ. “Không thể phủ nhận tình trạng có bậc cha mẹ muốn con học trực tuyến kéo dài để được làm bài kiểm tra tại nhà vì cho rằng đề kiểm tra sẽ dễ hơn, con dễ được điểm cao và không loại trừ khả năng cha mẹ nhắc bài cho con.

Điều này rất nguy hiểm khi điểm số không đánh giá đúng năng lực thật sự của học sinh, gây tâm lý chủ quan, nhất là với học sinh lớp 9, đang ở giai đoạn nước rút chuẩn bị cho kỳ thi tuyển sinh lớp 10. Chưa kể tới việc thiếu công bằng với những học sinh học tập nghiêm túc, tự làm bài kiểm tra nhưng điểm số lại thấp hơn các bạn được nhắc bài” - cô giáo Chu Thị Xuân Hường, Hiệu trưởng Trường THCS Hoàng Mai (quận Hoàng Mai) chia sẻ.

Theo đề xuất của một số hiệu trưởng các trường THCS trên địa bàn thành phố, với mức độ dịch Covid-19 thay đổi, với số ca nặng liên tục giảm, Hà Nội nên mạnh dạn giao cho các trường tự chủ trong việc quyết định đi học trực tiếp hay trực tuyến dưới sự hướng dẫn của các cơ quan chuyên môn, tùy theo tỷ lệ F0, F1 của học sinh, giáo viên trong trường. Như vậy, các trường mới có thể chủ động tập trung cao nhất cho việc dạy học trực tiếp, nâng cao chất lượng học tập, nhất là trong giai đoạn kiểm tra giữa học kỳ II hiện nay. Điều này cũng tránh thiệt thòi cho các em học sinh lớp 9 khi phải học trực tuyến dài ngày trong khi các bạn trường khác lại được học trực tiếp dẫn tới không công bằng khi bước vào kỳ thi tuyển sinh lớp 10 chung trên toàn thành phố.

Thế Hải

Nguồn Nhân Dân: https://nhandan.vn/tranghanoi-tin-chung/giam-ap-luc-ky-thi-tuyen-sinh-lop-10--689606/