Giảm áp lực tài chính nhờ tỷ giá hạ nhiệt

Theo báo cáo của Ngân hàng Nhà nước, từ đầu năm đã có lúc VND mất giá gần 5% so với USD, nhưng đến hôm nay chỉ còn là 2,3%.

Đồng USD liên tục giảm giá, chỉ tính riêng từ đầu tháng 8 đến nay đã giảm hơn 3,6% so với các đồng ngoại tệ mạnh khác. Mức giảm này đã khiến USD rơi xuống mức thấp nhất kể từ đầu năm. Điều này cộng với sự điều hành tỷ giá linh hoạt của Ngân hàng Nhà nước đã giúp cho tỷ giá giữa USD/VNĐ hiện xuống mức thấp nhất trong gần nửa năm qua, từ đó giúp giảm áp lực về tài chính, chi phí sản xuất cho các doanh nghiệp và ổn định lãi suất trong nước, góp phần kiềm chế lạm phát.

Theo báo cáo của Ngân hàng Nhà nước, từ đầu năm đã có lúc VND mất giá gần 5% so với USD, nhưng đến hôm nay chỉ còn là 2,3%. Điều này khiến tỷ giá liên ngân hàng, tỷ giá mà các ngân hàng giao dịch với nhau chiều ngày 29/8 cũng ở dưới mốc 24.900 đồng/USD. Những động thái mới nhất từ Cục Dự trữ liên bang Mỹ Fed về việc có thể điều chỉnh chính sách tiền tệ trong tháng 9 tới sẽ càng làm tăng giá trị cho VND.

Áp lực tỷ giá giảm sẽ giúp các ngân hàng dễ tiếp cận các nguồn vốn giá rẻ hơn trên thị trường

Áp lực tỷ giá giảm sẽ giúp các ngân hàng dễ tiếp cận các nguồn vốn giá rẻ hơn trên thị trường

Ông Nguyễn Hưng - Tổng Giám đốc TPBank chia sẻ: "Fed hạ lãi suất xuống, nhu cầu tích trữ bằng USD giảm bớt thì giữ tiền VNĐ có lợi hơn. Như vậy, nhu cầu chuyển đổi từ VNĐ ra USD sẽ bớt đi, giảm áp lực lên tỷ giá".

Áp lực tỷ giá giảm sẽ giúp các ngân hàng dễ tiếp cận các nguồn vốn giá rẻ hơn trên thị trường, nhất là trong bối cảnh tăng trưởng tín dụng đến cuối tháng 8 đã tích cực trở lại, với mức tăng 6,63% so với cuối năm 2023.

Ông Phạm Như Ánh - Tổng Giám đốc MBBank chia sẻ: "Thanh khoản vốn trên thị trường đỡ căng thẳng hơn và các ngân hàng cũng có các khoản huy động vốn dồi dào hơn với lãi suất phù hợp hơn, tiết kiệm chi phí cho các hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp mà dùng đòn bẩy tài chính vay vốn nhiều hơn".

Được hưởng lợi rõ nhất là nhóm doanh nghiệp nhập khẩu nguyên vật liệu để sản xuất hàng hóa tiêu thụ trong nước hoặc đáp ứng các đơn hàng của đối tác. Nhờ chi phí nguyên vật liệu nhập về rẻ hơn, nên giá bán vì thế cũng rẻ theo, qua đó góp phần kiềm chế lạm phát ở trong nước.

Ông Cấn Văn Lực - Hội đồng Tư vấn Chính sách tài chính, tiền tệ Quốc gia nhận định: "Lạm phát do nhập khẩu cũng sẽ được giảm bớt đi, khi đó giá hàng hóa tiêu dùng cũng sẽ được giảm đi một phần, qua đó tác động đối với mặt bằng về giá cả, trong đó có CPI của Việt Nam".

Tỷ giá hạ nhiệt, không chỉ hỗ trợ các doanh nghiệp, mà còn giúp nền kinh tế đạt được mục tiêu kép, vừa kiểm soát lạm phát ở mức 4 - 4,5% trong năm nay, vừa tạo ra các động lực giúp phấn đấu đạt mục tiêu tăng trưởng GDP của cả năm nay khoảng 7%.

Theo PV/VTV.VN

Nguồn VOV: https://vov.vn/thi-truong/giam-ap-luc-tai-chinh-nho-ty-gia-ha-nhiet-post1117752.vov