Giảm áp lực tuyển sinh từ kỳ thi tốt nghiệp

Năm 2022, Bộ GD-ĐT khuyến cáo các trường tốp trên thêm các hình thức chọn lọc bổ sung nhằm phân loại tốt hơn đối tượng khi xét tuyển. Ảnh: THÚY HẰNG

Theo thông báo của Bộ GD-ĐT, kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2022 sẽ cơ bản ổn định như năm 2021. Tuy nhiên, bộ này khuyến cáo những trường đại học hot chỉ sử dụng kết quả thi tốt nghiệp THPT làm công cụ sàng lọc, sơ tuyển, sau đó có thêm các hình thức chọn lọc bổ sung nhằm phân loại tốt hơn đối tượng khi xét tuyển.

Tăng quyền tự chủ tuyển sinh

Bộ GD-ĐT vừa có hướng dẫn thực hiện nhiệm vụ năm học 2021-2022 tới các cơ sở đào tạo đại học, cao đẳng. Theo đó, bộ này yêu cầu các trường tổ chức tuyển sinh an toàn, hiệu quả, công bằng; đổi mới công tác tuyển sinh, đề án tuyển sinh phù hợp với thực tiễn, công khai, minh bạch. Chủ động phối hợp với các địa phương tổ chức tuyển sinh trong bối cảnh dịch COVID-19 diễn biến phức tạp.

Theo Bộ GD-ĐT, kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2022 được tổ chức cơ bản giữ ổn định như năm 2021. Nội dung thi nằm trong chương trình giáo dục THPT hiện hành, chủ yếu là chương trình lớp 12; không bao gồm các nội dung được tinh giản nhằm phục vụ dạy và học ứng phó dịch COVID-19 mà Bộ GD-ĐT đã công bố; đề thi được xây dựng bảo đảm độ phân hóa phù hợp và hạn chế học tủ, học lệch, khuyến khích sáng tạo của thí sinh. Định hướng tổ chức kỳ thi tốt nghiệp THPT 2022 của bộ đảm bảo tính thống nhất, công bằng cho học sinh cả nước nhưng cũng có độ mở và sự linh hoạt cần thiết trong bối cảnh dịch bệnh.

Đặc biệt, cùng với việc công bố phương án thi tốt nghiệp THPT 2022, Bộ GD-ĐT còn khuyến cáo các trường đại học, cao đẳng, ngành học có mức độ cạnh tranh cao chỉ sử dụng kết quả thi tốt nghiệp THPT làm công cụ sàng lọc, sơ tuyển, sau đó, cần có thêm hình thức chọn lọc bổ sung nhằm phân loại tốt hơn đối tượng tuyển chọn.

Nhận định về thay đổi theo hướng tăng tính tự chủ trong tuyển sinh, đại diện các trường cho rằng không quá bất ngờ, bởi thực tế công tác tuyển sinh mấy năm nay dần đi theo hướng tự chủ theo Luật Giáo dục Đại học sửa đổi. Hiện băn khoăn lớn nhất của dư luận là việc giao quyền tự chủ tuyển sinh cho các trường sẽ dẫn tới việc tổ chức nhiều đợt xét tuyển trong năm, tổ chức kỳ thi riêng để bảo đảm chỉ tiêu, chất lượng đầu vào như mong muốn sẽ làm thí sinh thêm vất vả, tốn kém nếu muốn vào trường mình yêu thích. “Bên cạnh phương thức xét tuyển như trước đây, trong bối cảnh hiện tại, cá nhân tôi nghĩ các trường đại học cùng khối ngành, nhóm ngành, cùng chung sứ mệnh, phù hợp điều kiện địa lý… nên có sự liên kết lại với nhau để xét tuyển. Như vậy sẽ có sự hỗ trợ, chia sẻ lẫn nhau, xét tuyển hiệu quả hơn. Mặt khác, việc “bắt tay” nhau trong công tác tuyển sinh giữa các trường còn triệt tiêu hiện tượng bùng nổ các kỳ thi riêng, giảm tốn kém và áp lực cho các thành phố lớn như Hà Nội, Hồ Chí Minh khi thí sinh đổ về thi và xét tuyển. Hãy nghĩ đến mặt được của các phương thức xét tuyển. Không có phương thức nào hoàn hảo”, TS Trần Đình Lý, Phó Hiệu trưởng Trường đại học Nông Lâm TP Hồ Chí Minh chia sẻ.

Sớm công bố phương án tuyển sinh

Vì kỳ thi tốt nghiệp THPT vẫn giữ ổn định như năm 2021, do đó, năm 2022 phần lớn các trường đại học sẽ vẫn sử dụng kết quả thi tốt nghiệp, kết quả học bạ để xét tuyển. Các trường có tính cạnh tranh cao phải tính toán đến giải pháp tuyển sinh để đảm bảo chất lượng đầu vào như Bộ GD-ĐT đã khuyến cáo bằng cách có thêm hình thức chọn lọc bổ sung nhằm phân loại tốt hơn đối tượng đầu vào.

Qua kết quả xét tuyển năm 2021 cho thấy, bên cạnh việc sử dụng đa phương thức, xu hướng mới thấy rõ ở nhiều trường tốp trên là sử dụng kết hợp các tiêu chí trong cùng một phương thức xét tuyển. TS Bùi Quang Hùng, Phó Hiệu trưởng Trường đại học Kinh tế TP Hồ Chí Minh, cho hay: Hai năm qua, nhà trường kết hợp đồng thời các tiêu chí khác nhau trong xét tuyển. Năm 2022 và các năm tới, trường vẫn dự kiến tuyển sinh theo xu hướng này. Trong đó, kết quả quá trình học tập và thi tốt nghiệp THPT là cơ sở đánh giá nền tảng. Sau đó, trường kết hợp thêm các tiêu chí đánh giá khác theo định hướng đào tạo của trường, chẳng hạn như chứng chỉ ngoại ngữ quốc tế.

Hầu hết các trường đồng tình với khuyến cáo của Bộ GD-ĐT về việc cần có thêm hình thức chọn lọc bổ sung nhằm phân loại tốt hơn với các trường, ngành có mức độ cạnh tranh cao. Tuy nhiên, muốn thực hiện được khuyến cáo trên, kỳ thi tốt nghiệp THPT cần được triển khai sớm để các trường có thời gian làm các bước tiếp theo của xét tuyển. Bởi chất lượng đầu vào ảnh hưởng đến chất lượng đào tạo, đầu ra. Vì vậy, đây là thời điểm các trường đại học phải thể hiện được năng lực thực sự của mình để chọn phương thức phù hợp, lấy chất lượng làm đầu, giữ uy tín, thương hiệu của cả một quá trình từ đầu vào, đào tạo và cả đầu ra.

MẠNH THÚY

Nguồn Phú Yên: http://www.baophuyen.com.vn/79/266306/giam-ap-luc-tuyen-sinh-tu-ky-thi-tot-nghiep.html