Giảm chi phí logistics để ứng phó với thuế tối thiểu toàn cầu
GS-TS. Đặng Đình Đào, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu kinh tế và phát triển (Trường đại học Kinh tế quốc dân) cho rằng, lợi thế về thuế suất thấp của Việt Nam sẽ không còn khi các nước thực hiện thuế tối thiểu toàn cầu. Để tăng sức cạnh tranh trong thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), bắt buộc phải giảm chi phí cho doanh nghiệp, đặc biệt là chi phí logistics.
Logistics là ngành đặc biệt “hot” trong những năm gần đây. Thưa ông, thực tế thì thị trường logistics Việt Nam đang ở vị thế nào?
Với 100 triệu dân, Việt Nam là một trong 20 nền kinh tế có hoạt động ngoại thương lớn nhất thế giới, nên có thể nói, thị trường logistics Việt Nam vô cùng lớn, đặc biệt kể từ khi đại dịch Covid-19, thương mại điện tử phát triển mạnh mẽ, nên ngành logistics càng ngày càng hot, thu hút nhiều sinh viên giỏi theo học.
Nhưng thực tế thì thị trường logistics Việt Nam hiện tại nằm trong tay doanh nghiệp ngoại. Theo Hiệp hội Doanh nghiệp dịch vụ logistics Việt Nam, tốc độ phát triển của ngành này đạt 14 - 16%/năm, hiện có quy mô 40 - 42 tỷ USD/năm, với sự tham gia của khoảng 3.000 doanh nghiệp nội địa và 30 doanh nghiệp cung cấp dịch vụ logistics xuyên quốc gia, trong đó có những tập đoàn hàng đầu thế giới trong lĩnh vực này như DHL, FedEx, Maersk Logistics... Điều đáng nói là, số lượng doanh nghiệp logistics nước ngoài tuy chỉ chiếm khoảng 1%, nhưng lại chiếm đa số doanh thu vì 89% doanh nghiệp logistics nội địa có quy mô vừa và nhỏ.
Chính phủ rất quan tâm đến phát triển thị trường logistics, vì sao thị trường này vẫn thuộc quyền kiểm soát của doanh nghiệp nước ngoài?
Năm 2015, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Quy hoạch phát triển hệ thống trung tâm logistics đến năm 2020, định hướng đến năm 2030, với mục tiêu đặt ra là phát triển mạng lưới trung tâm logistics bảo đảm đáp ứng tốt nhu cầu của sản xuất, lưu thông hàng hóa trong nước và xuất nhập khẩu; khai thác có hiệu quả thị trường nhằm thúc đẩy sản xuất, kinh doanh thông qua việc tối thiểu hóa chi phí.
Quy hoạch cũng đặt mục tiêu đến năm 2020, tốc độ tăng trưởng dịch vụ logistics đạt khoảng 24 - 25%/năm, tỷ trọng đóng góp vào GDP là 10%; giảm thiểu chi phí logistics xuống còn tương đương 20% GDP. Đến năm 2030, chi phí logistics giảm xuống còn 15% GDP và đóng góp vào GDP 15%. Năm 2017, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định 200/QĐ-TTg về kế hoạch hành động nâng cao năng lực cạnh tranh và phát triển dịch vụ logistics đến năm 2025 với rất nhiều nhóm nhiệm vụ, giải pháp cụ thể như hoàn thiện chính sách, pháp luật; hoàn thiện kết cấu hạ tầng logistics; nâng cao năng lực doanh nghiệp và chất lượng dịch vụ; đào tạo, nâng cao nhận thức và chất lượng nguồn nhân lực...
Mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp rất rõ ràng, nhưng ngoài việc cơ sở giáo dục, đào tạo nào cũng tìm cách mở ngành logistics, đưa ngành này trở thành hot trong mỗi mùa thi đại học, thì thị trường logistics vẫn chủ yếu do doanh nghiệp nước ngoài nắm giữ, xuất khẩu nông sản, hải sản, hàng hóa sản xuất từ miền Trung trở vào sang biên giới phía Bắc vẫn vận chuyển bằng xe container, cảnh ùn ứ hàng hóa ở các cửa khẩu biên giới năm nào cũng diễn ra.
Thế còn cảng biển thì sao, thưa ông?
Trên 90% hàng hóa của Việt Nam xuất khẩu bằng đường biển, nhưng doanh nghiệp Việt Nam chỉ nắm được 12% khối lượng hàng hóa vận chuyển bằng đường biển, còn lại “giao phó” cho doanh nghiệp nước ngoài. Là một cường quốc xuất - nhập khẩu hàng hóa, nhưng Việt Nam hầu hết xuất FOB, nhập CIF, tức là doanh nghiệp xuất - nhập khẩu hàng hóa tại cảng Việt Nam, nên toàn bộ doanh thu vận tải, bảo hiểm, các loại chi phí khác các công ty logistics, vận tải, bảo hiểm nước ngoài được hưởng.
Hệ quả là, doanh nghiệp không thể chủ động trong khâu vận chuyển hàng hóa đến khách hàng mỗi khi thị trường vận tải biển gặp biến cố. Đặc biệt, trong khi Việt Nam liên tục xuất siêu hàng hóa, thì ngược lại, liên tục nhập siêu dịch vụ. Cụ thể, năm 2022, nước ta xuất siêu 11,2 tỷ USD hàng hóa thì nhập siêu dịch vụ lên tới 12,6 tỷ USD, trong đó, chỉ riêng phí dịch vụ vận tải và bảo hiểm của hàng hóa nhập khẩu đã là 9 tỷ USD.
Chi phí dịch vụ logistics của Việt Nam được coi là cao nhất khu vực đã làm giảm năng lực cạnh tranh trong thu hút FDI. Thưa ông, khi thực hiện thuế tối thiểu toàn cầu, nếu không giảm được chi phí này, Việt Nam sẽ mất lợi thế trong thu hút FDI?
Doanh nghiệp nói chung, doanh nghiệp FDI nói riêng đầu tư vào đâu thì lợi nhuận vẫn là mục tiêu duy nhất. Lợi nhuận bằng doanh thu trừ đi chi phí (trong đó chi phí logistics chiếm tỷ lệ khá lớn). Chi phí logistics tại Việt Nam hiện chiếm khoảng 17-18% giá trị hàng hóa, trong khi mức chi phí này trên thế giới chỉ khoảng 10,6%. Chi phí logistics cao tới mức, vận chuyển hàng hóa từ khu công nghiệp, khu chế xuất đến các cảng biển thậm chí còn lớn hơn từ cảng biển Việt Nam đến cảng biển nước nhập khẩu.
Để cạnh tranh với các nước trong thu hút vốn FDI, do chi phí logistics cao nên từ trước đến nay, Việt Nam luôn dùng giải pháp ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp, nhưng kể từ năm 2024, nhiều nước đã bắt đầu áp dụng thuế tối thiểu toàn cầu với mức sàn là 15%, như vậy, cạnh tranh về thuế không còn nhiều tác dụng, vì vậy, để thu hút nguồn vốn này, không còn cách gì khác, Việt Nam phải giảm các loại chi phí cho doanh nghiệp, đặc biệt là chi phí logistics.
Theo ông, giảm chi phí logistics bằng cách nào?
Có thể khẳng định, Việt Nam có rất nhiều lợi thế phát triển logistics. Đó là bờ biển dài hàng ngàn km, có nhiều cảng nước sâu; hệ thống đường sắt Bắc - Nam nối liền 21 tỉnh, thành phố; có các tuyến đường sắt Hà Nội - Hải Phòng, Hà Nội - Lào Cai, Hà Nội - Đồng Đăng (Lạng Sơn). Bên cạnh đó là Quốc lộ 1A, đường Hồ Chí Minh chạy suốt từ Bắc tới Nam. Vận tải chiếm khoảng 60% chi phí logistics, nếu khai thác hiệu quả, hợp lý sẽ không chỉ giảm được chi phí logistics, mà hàng hóa trong nội địa dễ dàng ra thị trường thế giới bằng đường sắt qua Lào Cai, Đồng Đăng để vào sâu thị trường nội địa Trung Quốc, hoặc quá cảnh Trung Quốc sang châu Âu.
Vận chuyển bằng đường sắt có rất nhiều lợi thế như nhanh, an toàn, khối lượng lớn, vận chuyển được tất cả mọi hàng hóa, nhưng chúng ta đã lãng quên phương thức vận chuyển đặc biệt quan trọng này trong hoạt động xuất khẩu.
Cả nước hiện có khoảng 390 khu công nghiệp, nhưng chưa có nổi một trung tâm logistics theo đúng nghĩa vì diện tích quá nhỏ và thiếu hệ thống kho tàng, kết cấu hạ tầng. Sứ mệnh của logistics là cung ứng hàng hóa dịch vụ đến tay người tiêu dùng với chi phí thấp nhất, thời gian nhanh nhất, nhưng do thiếu hệ thống logistics và chưa có các trung tâm logistics đủ lớn, khiến chi phí logistics cao, làm giảm sức cạnh tranh của sản phẩm, đặc biệt đối với hàng xuất khẩu và thu hút vốn FDI trong bối cảnh thực hiện thuế tối thiểu toàn cầu.