Giảm chi phí logistics, đưa hàng Việt tiến sâu thị trường EU

Việc ký bản ghi nhớ (MOU) giữa Tân Cảng Sài Gòn và Cảng Gothenburg giúp giảm chi phí logistics, giảm giá thành, tạo điều kiện cho hàng Việt vào thị trường EU.

Ông Bùi Văn Quỳ, Chủ tịch Hiệp hội Cảng biển Đông Nam Á, Phó Tổng Giám đốc Tân Cảng Sài Gòn - đã có cuộc trao đổi với phóng viên Báo Công Thương xung quanh vấn đề này.

Ông Bùi Văn Quỳ, Chủ tịch Hiệp hội cảng biển Đông Nam Á, Phó Tổng Giám đốc Tân Cảng Sài Gòn (Ảnh: Báo Cần Thơ)

Ông Bùi Văn Quỳ, Chủ tịch Hiệp hội cảng biển Đông Nam Á, Phó Tổng Giám đốc Tân Cảng Sài Gòn (Ảnh: Báo Cần Thơ)

Với vị trí là một trong những cảng biển lớn nhất Việt Nam, theo ông, đâu là thế mạnh của Tân Cảng Sài Gòn để trở thành đối tác của Cảng Gothenburg – một trong những cảng biển lớn nhất của khu vực Bắc Âu?

Tổng công ty Tân Cảng Sài Gòn đang vận hành hệ thống 28 cơ sở cảng, hạ tầng dịch vụ logistics trải dài khắp cả nước. Đặc biệt, Tân Cảng Sài Gòn là nhà khai thác cảng duy nhất có hệ thống cảng nước sâu cả phía Nam và phía Bắc kết nối trực tiếp tới châu Mỹ và châu Âu. Hàng hóa xuất khẩu đến hơn 200 quốc gia và vùng lãnh thổ, hợp tác kết nối với hơn 150 hãng tàu và đại lý hãng tàu trên thế giới và hơn 40.000 đối tác, khách hàng, doanh nghiệp xuất nhập khẩu trong và ngoài nước.

Với sản lượng hàng hóa xếp dỡ lên đến 10 triệu TEU/năm, Tân Cảng Sài Gòn đóng góp hơn 92% thị phần khu vực phía Nam và gần 56% thị phần container xuất nhập khẩu thông qua cảng biển của cả nước. Tổng sản lượng container thông qua của các Cảng thuộc hệ thống Tổng công ty Tân Cảng Sài Gòn hiện tương đương với sản lượng của cụm cảng vị trí số 17 trong TOP 20 cụm cảng container có sản lượng thông qua lớn nhất thế giới.

Lễ ký kết MOU giữa Cảng Gothenburg và Tân Cảng Sài Gòn. Ảnh: Thương vụ Việt Nam tại Thụy Điển

Lễ ký kết MOU giữa Cảng Gothenburg và Tân Cảng Sài Gòn. Ảnh: Thương vụ Việt Nam tại Thụy Điển

Được biết, Cảng Gothenburg và Tân Cảng Sài Gòn đã ký kết bản ghi nhớ hợp tác. Ông kỳ vọng gì ở sự hợp tác giữa hai bên trong thời gian tới?

Trong khuôn khổ chuyến thăm và làm việc chính thức tại Thụy Điển và Phần Lan, ngày 04/9/2024 (giờ Thụy Điển), tại Thụy Điển, Đoàn công tác của UBND Thành phố Hải Phòng do ông Lê Khắc Nam -Phó Chủ tịch UBND thành phố - dẫn đầu đã làm việc với Cảng Gothenburg - cảng biển lớn nhất khu vực Bắc Âu nhằm tăng cường hợp tác trong lĩnh vực logistics.

Buổi làm việc của lãnh đạo thành phố Hải Phòng tại Cảng Gothenburg tiếp tục thực hiện định hướng của hai bên nhằm tăng cường hợp tác về cảng, logistics để tạo điều kiện cho hàng hóa Việt Nam nói chung và Hải Phòng nói riêng với khu vực Bắc Âu trực tiếp vào thị trường của nhau, gia tăng kim ngạch xuất nhập khẩu.

Sau đó, vào ngày 6/9, trong khuôn khổ Diễn đàn doanh nghiệp Việt Nam – Thụy Điển, Tân Cảng Sài Gòn và Cảng Gothenburg đã ký MOU. Tổng công ty Tân Cảng Sài Gòn trải dài từ Bắc Trung Nam, trong đó có 2 cụm cảng nước sâu có các tuyến dịch vụ hàng hải trực tiếp từ Hải Phòng (TC-HICT) và Cái Mép đi châu Mỹ và châu Âu. Tân Cảng Sài Gòn nhận định đây là cơ hội rất lớn để các hãng tàu có thể triển khai các tuyến dịch vụ trực tiếp đến Cảng Gothenburg, Thụy Điển trong tương lai gần.

Với bản ghi nhớ này, theo ông, hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam sang Bắc Âu nói riêng và châu Âu nói chung sẽ được lợi ra sao?

Thành phố Hải Phòng, Tổng công ty Tân Cảng Sài Gòn và Cảng Gothenburg ký kết biên bản ghi nhớ hợp tác để cùng xúc tiến thị trường, trao đổi kinh nghiệm trong khai thác cảng đặc biệt là chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, phát triển bền vững và phát triển nguồn nhân lực cho ngành khai thác cảng, dịch vụ logistics và chuỗi cung ứng

Với những nội dung được đề cập trên, hai bên sẽ phối hợp, nghiên cứu hợp tác, kết nối làm việc với các hãng tàu lớn tại châu Âu có tuyến tàu trực tiếp tại Việt Nam để xây dựng các tuyến vận tải hàng hải trực tiếp từ Việt Nam đến Thụy Điển nói riêng và khu vực Bắc Âu nói chung. Như vậy, có thể giảm chi phí logistics, dẫn đến giảm giá thành hàng hóa, đồng thời thời gian vận chuyển nhanh hơn, hàng hóa đa dạng hơn, để tạo điều kiện cho hàng hóa Việt Nam nói chung và Hải Phòng nói riêng với khu vực Bắc Âu trực tiếp vào thị trường của nhau, gia tăng kim ngạch xuất nhập khẩu.

Để hiện thực hóa những nội dung trong bản ghi nhớ, thời gian tới, Tân Cảng Sài Gòn sẽ triển khai những giải pháp gì?

Để hiện thực hóa những nội dung trong bản ghi nhớ, trước tiên, Tân Cảng Sài Gòn và Cảng Gothenburg sẽ thành lập “Tổ triển khai hành động” với các thành viên của hai bên thường xuyên, định kì làm việc với nhau, vạch ra mục tiêu và timeline cụ thể để phối hợp kết nối cùng các đối tác là Hãng tàu quốc tế như CMA, HAPAG LOYLD, MAERSK, MSC… và các chủ hàng xuất nhập khẩu lớn.

Bên cạnh đó, Tân Cảng Sài Gòn sẽ phối hợp chặt chẽ với UBND TP. Hải Phòng, UBND TP. Hồ Chí Minh, đặc biệt là Sở Công Thương hai thành phố để triển khai các hội thảo, diễn đàn liên quan đến xuất nhập khẩu giữa Việt Nam và Thụy Điển. Cử các nhóm công tác thường xuyên giữa hai nước để trao đổi, tiếp thu, học hỏi các kiến thức, kĩ năng chuyển đổi xanh, chuyển đổi số của Cảng Gothenburg và áp dụng tại hệ thống cảng biển của Tân Cảng Sài Gòn tại Việt Nam.

Xin cảm ơn ông!

Lễ ký kết MOU giữa Tân Cảng Sài Gòn và Cảng Gothenburg được tổ chức ngày 6/9, trong khuôn khổ Diễn đàn Việt Nam – Thụy Điển được tổ chức nhân dịp 55 năm quan hệ ngoại giao Việt Nam – Thụy Điển do Đại sứ quan Việt Nam tại Thụy Điển phối hợp với Thương vụ Việt Nam tại Thụy Điển và Tập đoàn FPT tổ chức.

Phương Lan thực hiện

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/giam-chi-phi-logistics-dua-hang-viet-tien-sau-thi-truong-eu-345249.html