Giảm chi phí nhờ sản xuất lúa chất lượng cao và phát thải thấp
Thực hiện Đề án Phát triển bền vững 1 triệu hécta chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng đồng bằng sông Cửu Long đến năm 2030, ngành Nông nghiệp tỉnh Sóc Trăng đã thí điểm mô hình 'Canh tác lúa chất lượng cao, phát thải thấp' trong vụ lúa Hè - Thu năm 2024 tại Hợp tác xã Nông nghiệp Hưng Lợi, xã Long Đức, huyện Long Phú (Sóc Trăng). Theo đánh giá chung, diện tích canh tác trong mô hình này đạt được chất lượng tốt, giảm chi phí mùa vụ sản xuất 20%, giảm lượng khí phát thải gần 30%.
Mô hình thí điểm Canh tác lúa chất lượng cao, phát thải thấp được triển khai tại Hợp tác xã Nông nghiệp Hưng Lợi, với diện tích 50ha, gieo sạ ngày 20 - 24/5/2024, giống ST25 cấp xác nhận, thời gian sinh trưởng là 105 ngày. Gieo sạ bằng máy sạ hàng có kết hợp vùi phân và không vùi phân. Lượng giống sử dụng là 60kg/ha (giảm 20 - 40kg/ha so với ngoài mô hình). Giảm 4 lần phun thuốc bảo vệ thực vật so với ngoài mô hình, giảm 44kg đạm đối với sạ hàng không vùi phân và giảm 53kg đạm đối với sạ hàng có vùi phân so với ngoài mô hình. Cùng với đó, hướng dẫn hợp tác xã quản lý nước bằng cách kiểm tra mực nước và chụp ảnh đồng ruộng trong các giai đoạn sinh trưởng của lúa từ 15 - 22 ngày sau sạ; từ 28 - 42 ngày sau sạ và từ 55 - 65 ngày sau sạ. Bên cạnh đó, tiến hành đo lượng khí phát thải trong mô hình, lượng khí phát thải là 9.505kg CO2 tương đương/ha/vụ.
Theo đánh giá chung, tổng chi phí sản xuất theo mô hình hơn 21,2 triệu đồng/ha, thấp hơn 5,3 triệu đồng/ha so với ngoài mô hình (giảm hơn 20%); giá thành sản xuất 3.268 đồng/kg, giảm 822 đồng/kg so với ngoài mô hình. Lợi nhuận của mô hình thí điểm cao hơn 5,2 triệu đồng, so với ngoài mô hình (tăng hơn 12%) do giảm các chi phí đầu vào như: giống (40%), phân bón (34,2%), thuốc bảo vệ thực vật (44,8%), tưới tiêu (13%). Hiệu quả sản xuất của mô hình tăng hơn 32% so với ngoài mô hình, do chi phí sản xuất thấp hơn 20% và lợi nhuận cao hơn 12%. Lượng khí phát thải trong mô hình thí điểm thấp 4.000kg CO2 tương đương/ha/vụ so với ruộng ngoài mô hình. Đây là bằng chứng thực nghiệm quan trọng cho thấy hiệu quả của việc giảm phát thải khi điều chỉnh kỹ thuật canh tác phù hợp hơn.
Đồng chí Võ Văn Bé - Giám đốc Trung tâm Khuyến nông tỉnh Sóc Trăng chia sẻ, qua một vụ sản xuất thí điểm mô hình Canh tác lúa chất lượng cao, phát thải thấp về hiệu quả kinh tế đã cho thấy tăng lợi nhuận cho nông dân. Đồng thời, việc triển khai thực hiện mô hình thí điểm cũng đã hình thành chuỗi liên kết sản xuất và tiêu thụ đầu vào với sự tham gia của các công ty sản xuất thiết bị gieo sạ, cung cấp lúa giống, phân bón, thiết bị đo mực nước đồng ruộng và liên kết tiêu thụ lúa đầu ra với công ty thu mua. Ngoài ra, hợp tác xã thí điểm mô hình còn có sự hỗ trợ từ Viện Nghiên cứu lúa gạo Quốc tế (IRRI), Viện Môi trường Nông nghiệp trong quá trình triển khai thực hiện cũng như đo đạc tính lượng khí phát thải. Đây là động lực để khuyến khích nông dân nhân rộng mô hình trong tương lai.
“Trong vụ lúa Đông - Xuân, năm 2024 - 2025, ngành Nông nghiệp tỉnh sẽ mở rộng thực hiện thí điểm mô hình Canh tác lúa chất lượng cao, phát thải thấp tại 8 huyện, thị xã trên địa bàn toàn tỉnh, với 8 mô hình trình diễn, tổng diện tích 340ha. Cùng với đó, ngành Nông nghiệp tỉnh sẽ phối hợp với các địa phương tổ chức triển khai và nhân rộng các mô hình áp dụng quy trình kỹ thuật sản xuất lúa chất lượng cao và phát thải thấp…”, đồng chí Trần Tấn Phương - Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Sóc Trăng cho biết.