Giảm chi phí sản xuất với mô hình quản lý dịch hại tổng hợp trên cây lúa
Chương trình quản lý dịch hại tổng hợp trên cây trồng áp dụng tại Hà Tĩnh góp phần giảm chi phí cho bà con nông dân từ 15 - 17%/ha so với sản xuất truyền thống.
Mô hình Chương trình quản lý dịch hại tổng hợp trên cây trồng (IPM) là hệ thống sử dụng các phương tiện kỹ thuật và các biện pháp thích hợp nhằm hạn chế tác hại của sâu bệnh, tăng năng suất, chất lượng nông sản. Chương trình được Trung tâm Khuyến nông tỉnh áp dụng thành công trên cây lúa ở xã Kim Song Trường (Can Lộc) trong vụ Xuân năm 2023 với diện tích 10 ha, có 70 hộ tham gia.
Bà Hoàng Thị Lài - hộ tham gia mô hình chia sẻ: “Tham gia mô hình, chúng tôi được tập huấn hướng dẫn chăm sóc cây lúa theo quy trình canh tác bài bản, nhất là trong việc quản lý tốt dịch hại và ít sử dụng thuốc bảo vệ thực vật (BVTV). Lúa phát triển tốt, ít cỏ dại, chống chịu sâu bệnh và đổ ngã. Đến kỳ thu hoạch, bông lúa to, tỷ lệ hạt chắc cao, mẩy hạt, năng suất ước đạt 3,4 tạ/sào, cao hơn so với sản xuất truyền thống 0,4 tạ/sào nên chúng tôi phấn khởi lắm”.
Mô hình sử dụng giống lúa Nếp Hương, có tiềm năng năng suất cao, lượng giống sử dụng là 60 kg/ha (giảm 40 kg/ha), lượng phân đạm giảm còn hơn 30 kg/ha, giảm số lần sử dụng thuốc BVTV từ 1-2 lần/vụ.
Các loại thuốc BVTV sử dụng trên đồng ruộng được chọn lựa, ưu tiên dùng thuốc có nguồn gốc sinh học, sử dụng theo nguyên tắc “4 đúng”, khống chế được sự lây lan, gây hại của sâu bệnh hại. Nhờ đó, chi phí giảm từ 15 - 17%/ha so với sản xuất truyền thống.
Theo đánh giá, năng suất lúa theo mô hình IPM ước đạt bình quân 6,8 tấn/ha, cao hơn 0,8 tấn/ha so với ruộng trồng lúa theo tập quán truyền thống của nông dân.
Hiện tại, toàn bộ sản lượng lúa của mô hình đã được Công ty Lương thực Nghệ An hợp đồng thu mua tại chân ruộng với giá là 6.300đ/kg lúa tươi, cao hơn khoảng 1.000 đồng/kg so với các giống lúa khác.
Việc triển khai mô hình IPM đã giúp nông dân nâng cao nhân thức trong canh tác lúa, giảm thuốc BVTV, giống, phân hóa học; tăng năng suất, chất lượng sản phẩm và hiệu quả kinh tế. Từ đó, góp phần bảo vệ môi trường, sinh thái nông nghiệp và sức khỏe nông dân. Đây là tiền đề vững chắc cho sản xuất VietGAP, hữu cơ, sản xuất theo quy chuẩn, tiêu chuẩn trên địa bàn tỉnh, thúc đẩy phát triển một nền nông nghiệp sạch và bền vững.