Giảm chi phí, tăng thu nhập từ canh tác lúa tiên tiến

Mô hình thí điểm thực hiện Đề án 'Phát triển bền vững 1 triệu hécta chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp', gọi tắt là Đề án 1 triệu hécta lúa đang được triển khai tại nhiều địa phương vùng ĐBSCL, cho kết quả vượt trội so với dự kiến.

Nông dân tham gia dự án không những cải thiện được năng suất, tiết kiệm chi phí sản xuất mà còn đóng góp vào việc bảo vệ sinh thái. Mô hình này mở ra triển vọng cho tương lai bền vững của ngành sản xuất lúa gạo tại Việt Nam.

TS Trần Minh Hải, Phó Hiệu trưởng Trường Chính sách công và Phát triển nông thôn (Bộ NN-PTNT) cho biết: Mô hình thí điểm thực hiện Đề án 1 triệu ha lúa triển khai 7 mô hình tại 5 địa phương (mỗi mô hình 50 ha), gồm: Kiên Giang (2 mô hình), Trà Vinh (2 mô hình), Cần Thơ, Sóc Trăng, Đồng Tháp (mỗi địa phương 1 mô hình). TP Cần Thơ vừa tổ chức sơ kết mô hình thí điểm tại HTX Nông nghiệp và Dịch vụ Tiến Thuận (xã Thạnh An, huyện Vĩnh Thạnh) với nhiều kết khả quan.

Thu hoạch lúa hè thu tại mô hình thí điểm thực hiện đề án 1 triệu hécta tại huyện Vĩnh Thạnh, TP Cần Thơ.

Thu hoạch lúa hè thu tại mô hình thí điểm thực hiện đề án 1 triệu hécta tại huyện Vĩnh Thạnh, TP Cần Thơ.

Theo ông Nguyễn Ngọc Hè, Phó Chủ tịch UBND TP Cần Thơ, mô hình tại HTX đáp ứng đầy đủ các tiêu chí của Đề án 1 triệu ha. Đó là sử dụng giống xác nhận với lượng 60 kg/ha, sạ hàng bằng máy kết hợp vùi phân; áp dụng quản lý nước ướt khô xen kẽ, bón phân theo vùng chuyên biệt; quản lý dịch hại tổng hợp, thu hoạch bằng máy gặt đập liên hợp, thu gom rơm ra khỏi đồng làm nấm rơm hoặc làm phân bón hữu cơ...

Ông Nguyễn Cao Khải, Giám đốc HTX Nông nghiệp và Dịch vụ Tiến Thuận không giấu được niềm vui khi chia sẻ về kết quả đáng kinh ngạc của mô hình thí điểm. HTX tham gia với diện tích 50 ha trong vụ hè thu. Sau một thời gian áp dụng phương pháp mới, thành quả đạt được vượt xa kỳ vọng ban đầu. Cụ thể, năng suất tăng 7%, đạt mức 6,1-6,5 tấn/ha. Điều này dẫn đến sự gia tăng đáng kể trong thu nhập, từ 1,3 đến 6,2 triệu đồng/ha. Lượng khí nhà kính thải ra cũng giảm đáng kể, từ 2-6 tấn CO2/ha.

Giám đốc HTX Nông nghiệp và Dịch vụ Tiến Thuận còn nhấn mạnh những lợi ích khác như giảm chi phí đầu vào và cây lúa có khả năng chống chịu tốt hơn trong điều kiện thời tiết khắc nghiệt. Ngay cả trong mùa mưa, hiện tượng lúa đổ ngã cũng không còn xảy ra. Những kết quả này minh chứng rõ ràng cho hiệu quả vượt trội của phương pháp canh tác mới.

Còn TS Nguyễn Văn Hùng, chuyên gia của Viện Nghiên cứu lúa gạo quốc tế (IRRI) cho rằng việc nông dân tăng thu nhập là nhờ vào giảm lượng lúa giống còn 60kg/ha, tương đương giảm được chi phí về giống 1,2 triệu đồng/ha; phân bón giảm 0,7 triệu đồng/ha. Nông dân cũng có thêm thu nhập từ việc khai thác rơm…

Ông Lê Văn Hẳn, Chủ tịch UBND tỉnh Trà Vinh cho hay tại Trà Vinh, 2 mô hình thí điểm được thực hiện tại HTX Nông nghiệp Phát Tài (xã Thanh Mỹ) và HTX Nông nghiệp Phước Hảo (xã Phước Hảo, cùng huyện Châu Thành). Để thực hiện đề án, Trà Vinh sẽ triển khai các chính sách thu hút đầu tư vào nông nghiệp, hỗ trợ nông dân, HTX và doanh nghiệp (DN) tham gia. Tỉnh cũng tập trung vào hỗ trợ tín dụng, bảo hiểm và phát triển thương hiệu gạo tại thị trường trong nước và quốc tế.

Ông Lê Thanh Tùng, Phó Cục trưởng Cục Trồng trọt nhấn mạnh tầm quan trọng của sự liên kết chặt chẽ trong ngành nông nghiệp khi thực hiện mô hình thí điểm. Việc tăng cường mối liên kết giữa các bên tham gia trong chuỗi giá trị sẽ tạo ra một hệ sinh thái bền vững, mang lại lợi ích cho cả nông dân và DN. Điều này không chỉ giúp ổn định đầu ra mà còn nâng cao chất lượng và giá trị của ngành lúa gạo.

Văn Vĩnh

Nguồn CAND: https://cand.com.vn/kinh-te/giam-chi-phi-tang-thu-nhap-tu-canh-tac-lua-tien-tien-i740870/