Giảm chi phí, tiết kiệm năng lượng trong sản xuất giấy bao bì

Nhiều giải pháp kỹ thuật và quản lý giúp nâng cao hiệu quả sử dụng nguyên liệu, năng lượng trong quá trình sản xuất tại các nhà máy giấy bao bì đã được đưa ra.

“Bài toán” nâng hiệu quả sản xuất và bảo vệ môi trường

Theo Viện Công nghiệp Giấy và Xenluylô, Quy hoạch phát triển ngành công nghiệp giấy Việt Nam đến năm 2020, có xét đến năm 2025 nêu: Phát triển ngành công nghiệp giấy Việt Nam theo hướng bền vững gắn với nhiệm vụ bảo vệ môi trường; áp dụng công nghệ tiên tiến để nâng cao chất lượng sản phẩm, giảm tiêu hao nguyên vật liệu, năng lượng, nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp và sản phẩm, tập trung xây dựng một số thương hiệu quốc gia với sản phẩm giấy và bột giấy để cạnh tranh hiệu quả trong tiến trình hội nhập kinh tế.

Tại Việt Nam, ngành sản xuất giấy bao bì công nghiệp chưa đáp ứng được nhu cầu tiêu dùng, qua đó có thể thấy tiềm năng và triển vọng cho ngành công nghiệp sản xuất giấy bao bì. Do vậy, từ năm 2015, nhiều dự án đầu tư vào công nghiệp giấy bao bì đã được bắt đầu khởi động tại Việt Nam. Tuy nhiên, các dự án lớn thường chủ yếu tại khu vực phía Nam với quy mô công suất trên 100.000 tấn/năm.

 Áp dụng công nghệ hiện đại giúp tiết kiệm năng lượng

Áp dụng công nghệ hiện đại giúp tiết kiệm năng lượng

Tại khu vực phía Bắc chỉ có những dự án quy mô nhỏ, dưới 50.000 tấn/năm, theo công nghệ sản xuất cũ. Đối với các nhà máy quy mô dưới 50.000 tấn/năm, máy móc thiết bị chủ yếu có xuất xứ từ Trung Quốc. Các thiết bị hầu như đều hoạt động bán tự động và được vận hành theo kinh nghiệm của công nhân vận hành mà không ban hành chi tiết các quy trình vận hành cho từng thiết bị cụ thể.

Mặt khác, các thiết bị được đầu tư có nguồn gốc từ Trung Quốc hoạt động bán tự động nên độ ổn định không cao, do đó khi có trục trặc về mặt thiết bị không kịp thời điều chỉnh dẫn đến mất ổn định chất lượng sản phẩm, thất thoát nguyên vật liệu, năng lượng. Mặc dù, các nhà máy đều có đội ngũ kỹ thuật kiểm tra chất lượng sản phẩm và các thông số trong quá trình sản xuất, tuy nhiên, chủ yếu chỉ chú trọng đến kiểm tra chất lượng sản phẩm đầu ra mà chưa chú ý đến kiểm tra các yếu tố công nghệ trong quá trình sản xuất. Do đó việc kiểm soát quy trình sản xuất gặp nhiều khó khăn, chất lượng sản phẩm có tính ổn định không cao.

Khả năng tiếp cận trình độ công nghệ của các nhà máy giấy bao bì quy mô vừa và nhỏ tại Việt Nam thấp hơn so với khu vực và thế giới các vấn đề như nước thải, khí thải gây ô nhiễm môi trường, tỷ lệ thu hồi giấy loại thấp. Khai thác và sử dụng nguồn nguyên liệu chưa hiệu quả, kể cả nguồn nguyên liệu thứ cấp, gây lãng phí tài nguyên, ô nhiễm môi trường.

Ngoài ra, việc vận hành không hiệu quả, áp dụng và kiểm soát quy trình công nghệ sản xuất chưa phù hợp dẫn tới thời gian dừng máy nhiều, chi phí sản xuất cao, chất lượng sản phẩm không ổn định. Chất lượng sản phẩm giấy bao bì công nghiệp thường ở phân khúc thấp và trung bình.

Để giải quyết được “bài toán” nâng hiệu quả quá trình sản xuất và bảo vệ môi trường, đảm bảo chất lượng sản phẩm, các doanh nghiệp cần phải kết hợp các giải pháp kỹ thuật và quản lý nhằm kiểm soát công nghệ, kiểm soát vận hành trong quá trình sản xuất. “Việc ứng dụng các giải pháp sản xuất phù hợp có thể góp phần tiết kiệm được khoảng 10 - 20% nước tiêu thụ cho sản xuất, 5 - 10% định mức tiêu thụ điện năng và 5% các nguyên liệu đầu vào” - đại diện nhóm nghiên cứu cho biết.

Nhiều lợi ích mang lại nhờ áp dụng công nghệ

Trước thực tế đó, Viện Công nghiệp Giấy và Xenluylô đề xuất nhiệm vụ: “Nghiên cứu, đề xuất một số giải pháp kỹ thuật và quản lý nhằm nâng cao hiệu quả sử dụng nguyên liệu, năng lượng trong quá trình sản xuất tại các nhà máy sản xuất giấy bao bì công nghiệp quy mô dưới 50.000 tấn/năm”.

Mục tiêu nhiệm vụ, xây dựng được một số giải pháp kỹ thuật và quản lý nhằm nâng cao hiệu quả sử dụng nguyên liệu, năng lượng trong quá trình sản xuất tại các nhà máy sản xuất giấy bao bì công nghiệp quy mô dưới 50.000 tấn/năm.

Việc ứng dụng kết quả góp phần giảm định mức nguyên - nhiên - vật liệu cho sản xuất 1 tấn sản phẩm. Do vậy, giảm chi phí sản xuất, tăng lợi nhuận cho doanh nghiệp và tăng nguồn thuế (thuế thu nhập doanh nghiệp) cho nhà nước. Việc sử dụng hiệu quả nguồn nguyên liệu, năng lượng trong quá trình sản xuất giấy bao bì sẽ hạn chế được nguồn phát thải ra môi trường do đó sẽ có tác động tốt đến môi trường.

Công nghiệp bao bì có nhiều tiềm năng phát triển

Công nghiệp bao bì có nhiều tiềm năng phát triển

Kết quả nghiên cứu của nhiệm vụ góp phần vào việc nâng cao hiệu quả sản xuất giấy bao bì công nghiệp từ nguồn nguyên liệu tái chế, thúc đẩy việc quản lý và thu gom phế liệu trong nước để tái sử dụng làm hòm hộp các tông.

Nâng cao năng lực nghiên cứu của cơ quan chủ trì, nâng cao khả năng đánh giá sự phát triển của ngành nói chung. Từ đó, định hướng được các hướng ưu tiên phát triển trong những năm tới cho giấy bao bì công nghiệp.

Quá trình thực hiện nhiệm vụ nghiên cứu đã đạt được những kết quả sau: Báo cáo về hiện trạng công nghệ, dây chuyền thiết bị; các loại nguyên liệu sử dụng, sản phẩm chính; tình hình sử dụng nguyên liệu (loại nguyên liệu, chất lượng nguyên liệu); các hóa chất, phụ gia sử dụng cho sản xuất; năng lượng: hơi, điện, nước của 08 nhà máy (doanh nghiệp) sản xuất giấy bao bì công nghiệp quy mô dưới 50.000 tấn/năm và trên 50.000 tấn/năm. Đánh giá chung về công nghệ, thiết bị và quản lý tại các đơn vị.

Bên cạnh đó, là bản đề xuất các giải pháp kỹ thuật (13 đề xuất), bao gồm 2 giải pháp về công nghệ; 2 giải pháp về thiết bị; 3 giải pháp về hóa chất; 6 giải pháp về hơi, nước, xử lý môi trường; bản đề xuất các giải pháp về quản lý (3 đề xuất), bao gồm phân loại nguyên liệu giấy loại cho dòng sản phẩm testliner và kraftliner, quy trình kiểm tra chất lượng sản phẩm, quy trình vận hành cụm thiết bị trong sản xuất, nhằm nâng cao hiệu quả sử dụng nguyên liệu, năng lượng cho một số nhà máy sản xuất giấy bao bì công nghiệp quy mô dưới 50.000 tấn/năm.

Đồng thời, đã tổ chức và đánh giá kết quả thực hiện áp dụng một số giải pháp kỹ thuật và quản lý nhằm nâng cao hiệu quả sử dụng nguyên liệu, năng lượng tại Công ty cổ phần Giấy Mục Sơn (quy mô công suất 42.000 tấn/năm).

Cụ thể, kết quả của nhiệm vụ đã áp dụng được 7 giải pháp về kỹ thuật, bao gồm 2 giải pháp về công nghệ: Phân tách sợi trung bình sử dụng làm lớp mặt của giấy testliner, chế độ nghiền phù hợp; 2 giải pháp về thiết bị: Sử dụng cô đặc dạng đĩa (thay thế lưới nghiêng), bổ sung sàng thải đuôi T2D; 1 giải pháp về hóa chất: sử dụng kết hợp keo chống thấm bề mặt và AKD giúp tăng khả năng chống thấm của giấy; 1 giải pháp về sử dụng nước làm kín, làm mát; 1 giải pháp về tiết kiệm hơi (bảo ôn đường ống). Cùng với đó, áp dụng được 3 giải pháp về quản lý bao gồm: Quy trình kiểm tra chất lượng sản phẩm, hướng dẫn phân tích, quy trình vận hành máy móc thiết bị.

Bước đầu cho thấy, các giải pháp được thực hiện, áp dụng đều mang lại lợi ích cho doanh nghiệp. Với số liệu tổng hợp được trong thời gian áp dụng, hiệu quả về công nghệ như: Sử dụng xơ sợi trung bình cho lớp mặt, kết hợp với điều kiện nghiền, cô đặc dạng đĩa… chi phí giảm 305.712 đồng/tấn sản phẩm.

Trong đó, chi phí hóa chất: Màu giảm 23.220 đồng/tấn sản phẩm, chống thấm giảm 14.400 đồng/tấn sản phẩm; hiệu quả sử dụng năng lượng: Giảm khoảng 44.231 đồng/tấn sản phẩm khi sử dụng sàng thải đuôi T2D, bảo ôn đường ống hơi, sử dụng nước làm kín, làm mát.

Các giải pháp quản lý giúp doanh nghiệp thuận lợi hơn trong việc quản lý sản xuất, phân loại sản phẩm ngay từ công đoạn cắt cuộn lại, giảm thiểu thời gian dừng máy do các sự cố (tắc sàng…), nâng cao công suất chạy máy, ổn định và nâng cao chất lượng sản phẩm.

Việc áp dụng các giải pháp kỹ thuật và quản lý trong quá trình sản xuất giấy không chỉ giúp tránh được các tác động tiêu cực tới môi trường và sức khỏe con người mà còn mang lại nhiều lợi ích trực tiếp cho doanh nghiệp như: Tiết kiệm chi phí sản xuất thông qua giảm lãng phí năng lượng, nguyên vật liệu và hóa chất phụ gia.

Quỳnh Nga

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/giam-chi-phi-tiet-kiem-nang-luong-trong-san-xuat-giay-bao-bi-254827.html