Giảm chi phí tuân thủ và hỗ trợ tài chính giúp doanh nghiệp vượt 'thương chiến'

Ngay sau khi Mỹ công bố áp thuế nhập khẩu hàng Việt Nam ở mức rất cao, CFO Việt Nam và VNIDA tổ chức họp trực tuyến với hàng trăm doanh nghiệp. Tại đây, doanh nghiệp đưa ra nhiều kiến nghị nhưng tập trung vào các vấn đề: cắt giảm tối đa chi phí tuân thủ và hỗ trợ tài chính để doanh nghiệp điều chỉnh nhanh chuỗi cung ứng, đa dạng hóa thị trường, nâng cấp tiêu chuẩn sản phẩm nhằm thích ứng nhanh với bối cảnh mới...

Diễn biến cán cân thương mại từ tháng 1/2022 đến tháng 3/2025

Diễn biến cán cân thương mại từ tháng 1/2022 đến tháng 3/2025

Tại cuộc họp này, mặc dù lường trước cú sốc áp thuế nhập khẩu vào Mỹ của Tổng thống Mỹ Donald J. Trump trên diện rộng cả thế giới, nhưng hầu hết doanh nghiệp tỏ ra rất ngỡ ngàng với mức thuế đối ứng mà Mỹ công bố đối với Việt Nam.

CẮT GIẢM TỐI ĐA CHI PHÍ TUÂN THỦ

Bà Võ Thị Liên Hương, Tổng giám đốc Secoin, một doanh nghiệp chuyên sản xuất gạch, ngói có tỷ trọng doanh thu từ thị trường Mỹ lên đến hơn 50%, tỏ ra rất bất ngờ khi đón nhận thông tin này.

“Chúng tôi nhanh chóng trấn tĩnh để không rơi vào tình trạng hỗn loạn và lập tức liên hệ với chuỗi cung ứng, đặc biệt là các nhà phân phối ở Mỹ để bàn bạc về việc chia sẻ rủi ro theo một tỷ lệ phù hợp”, Tổng giám đốc Secoin cho biết.

Bà Hương tin rằng nếu vượt qua được giai đoạn khó khăn hiện nay, mối quan hệ giữa doanh nghiệp Việt Nam với hệ thống phân phối và chuỗi cung ứng ở các thị trường xuất khẩu sẽ trở nên vững chắc hơn, từ đó tạo lợi thế để phát triển dài hạn.

Tuy nhiên, đó chỉ là giải pháp tình thế. Vấn đề đặt ra trong dài hạn là làm thế nào để doanh nghiệp trụ vững được trong tâm bão thuế quan?

Theo bà Hương, trước tiên Chính phủ cần tiến hành ngay một cuộc rà soát về thủ tục hành chính trên diện rộng nhằm cắt giảm tối đa chi phí tuân thủ, tạo điều kiện thông thoáng để doanh nghiệp nhanh chóng đáp ứng được các đơn hàng. Bởi đây là lúc Chính phủ cần có các chính sách ứng phó nhanh, linh hoạt và sát thực tiễn hỗ trợ doanh nghiệp giữ thị trường.

Còn theo bà Phạm Trang, Phó tổng giám đốc, Tư vấn Thuế, EY Consoulting Việt Nam, trong bối cảnh hiện nay, ưu tiên hàng đầu khi thiết kế chính sách là tìm cách giảm thiểu chi phí cho doanh nghiệp thay vì bắt đầu bằng nỗi lo doanh nghiệp trục lợi chính sách. Xu hướng chính sách được xây dựng trên tâm lý phòng ngừa rủi ro quá mức đã và đang tạo ra một hệ thống thủ tục hành chính phức tạp, yêu cầu báo cáo chồng chéo, khiến môi trường kinh doanh ngày càng đi xuống.

“Chính sách giảm thuế suất thuế giá trị gia tăng từ 10% xuống 8% được kỳ vọng là sẽ hỗ trợ doanh nghiệp và kích cầu tiêu dùng nhưng khi tôi khảo sát thực tế, nhiều doanh nghiệp lại cho biết khổ nhiều hơn sướng”, bà Trang nêu ví dụ.

Thực tế cho thấy, doanh nghiệp phải rà soát kỹ từng mặt hàng, dịch vụ để xác định đâu là đối tượng được áp dụng mức thuế suất 8%, đâu là 10%. Nếu áp dụng không chính xác, kể cả khi doanh nghiệp kê khai thuế suất 10% (tức là nộp cao hơn) thì vẫn có nguy cơ bị phạt vì sai thuế suất.

Tại buổi sinh hoạt, nhiều ý kiến cho rằng những lỗi như vậy hoàn toàn không mang tính cố ý và không gây thất thu ngân sách nhưng lại khiến doanh nghiệp đối mặt với rủi ro cao và chi phí tuân thủ tăng lên không cần thiết.

MỞ RỘNG KHẢ NĂNG TIẾP CẬN VỐN TRONG NƯỚC VÀ QUỐC TẾ

Giả định tình huống đàm phán với Mỹ lùi thời hạn hiệu lực của thuế đối ứng thêm nhiều tháng, khi đó các đơn hàng tăng dồn dập vì đối tác nhập khẩu muốn tận dụng thời gian hưởng thuế suất cũ, thì doanh nghiệp Việt rất cần được tiếp cận nhanh với nguồn vốn lưu động, ông Lê Hồng Lĩnh, Phó Chủ tịch Hội Thành viên độc lập Hội đồng quản trị doanh nghiệp Việt Nam (VNIDA), cho rằng trong tình huống đó, Chính phủ cần có các gói tín dụng ưu đãi hỗ trợ doanh nghiệp như thời kỳ Covid-19.

Theo ông, hiện nay, có hàng chục nghìn doanh nghiệp xuất nhập khẩu hoạt động, dựa trên kết quả chấm điểm tín dụng, các ngân hàng hoàn toàn nắm được sức khỏe tài chính của bên vay thì có thể triển khai nhiều giải pháp hỗ trợ thiết thực, đặc biệt là với các doanh nghiệp xuất khẩu đang chịu ảnh hưởng.

Ông Nguyễn Quang Thuân, Chủ tịch FiinGroup, nêu đề xuất: các gói tín dụng ưu đãi nên ưu tiên cho những lĩnh vực có khả năng phục hồi cao như chế biến thực phẩm, đồ gỗ, vật liệu xây dựng, công nghiệp phụ trợ. Đồng thời, cần xác định rõ đối tượng thụ hưởng theo tiêu chí minh bạch, hướng đến hiệu quả dài hạn thay vì chỉ giải pháp ngắn hạn.

Ông Thuân cũng lưu ý việc phân bổ tín dụng cần có trọng tâm chiến lược, thay vì chỉ duy trì mức tăng trưởng bình quân. Ngoài ra, cần tăng cường phối hợp giữa Ngân hàng Nhà nước, Bộ Công Thương và các tổ chức tín dụng trong rà soát và ưu tiên tín dụng.

Trong dài hạn, ông Thuân cho rằng Chính phủ cần nhanh chóng và quyết liệt hơn nữa trong việc nâng hạng tín nhiệm quốc gia lên mức cao hơn càng sớm càng tốt để giúp các doanh nghiệp dễ dàng tiếp cận nguồn vốn trung, dài hạn trên thị trường quốc tế với chi phí vốn hợp lý.

“Nếu không cải thiện xếp hạng tín nhiệm quốc gia, doanh nghiệp Việt sẽ tiếp tục vay vốn với lãi suất cao gấp rưỡi, thậm chí gấp đôi so với doanh nghiệp cùng nhóm tại Indonesia hay Philippines”, ông Thuân cho hay.

Ngoài ra, trong bối cảnh Mỹ áp thuế đối ứng, một số chuyên gia vẫn khuyên doanh nghiệp “đa dạng hóa thị trường” nhưng theo một số doanh nghiệp tại buổi họp trực tuyến trên, đó là câu chuyện không thể làm ngay. Bởi lẽ, thị trường Nhật Bản, châu Âu vô cùng khó tính, họ đòi hỏi cả chục chứng chỉ từ xuất xứ, bảo vệ môi trường đến trách nhiệm xã hội, do đó doanh nghiệp cần thời gian thích ứng cũng như tích tụ nguồn lực để chuyển đổi công nghệ mới, đáp ứng yêu cầu của nhà nhập khẩu.

LỢI ÍCH KHI ĐƯỢC CÔNG NHẬN LÀ NỀN KINH TẾ THỊ TRƯỜNG

Cảm nhận về cú sốc thuế đối ứng, bà Liên Hương, Tổng giám đốc Secoin, cho rằng đó chỉ là khó khăn ban đầu đối với doanh nghiệp Việt Nam và rẽ sang một vấn đề khác. “Chúng tôi vẫn nhận thấy rủi ro tiềm ẩn khi Việt Nam chưa được Mỹ công nhận là nền kinh tế thị trường. Đây có thể là yếu tố gây ra những tác hại bất ngờ cho doanh nghiệp Việt trong thời gian tới”, bà Hương lo lắng.

Nữ doanh nhân kỳ vọng Chính phủ sẽ thúc đẩy mạnh mẽ hơn tiến trình để Mỹ và các đối tác khác sớm công nhận Việt Nam là nền kinh tế thị trường. Đồng thời, cần có chính sách cụ thể nhằm xử lý các cáo buộc thao túng tiền tệ, tạo dựng một môi trường cạnh tranh công bằng để doanh nghiệp Việt Nam có thể vươn ra thị trường toàn cầu.

Chia sẻ về vấn đề Mỹ đưa Việt Nam vào danh sách theo dõi thao túng tiền tệ, ông Nguyễn Hoàng Linh, Giám đốc Phân tích và Nghiên cứu, Công ty Quản lý Quỹ Vietcombank, cho biết hiện nay Việt Nam đang “chưa đạt” 2 trong 3 tiêu chí mà phía Mỹ đưa ra nên nằm trong danh sách này.

Thứ nhất, phía Mỹ chỉ cho phép thâm hụt thương mại với các đối tác thương mại tối đa 15 tỷ USD trong khi con số này với Việt Nam cao hơn.

Thứ hai, thặng dư tài khoản vãng lai của Việt Nam năm 2024 ước tính hơn 5% GDP, trong khi ngưỡng mà Mỹ đặt ra chỉ là 2–3% GDP.

Tuy nhiên, vấn đề quan trọng nhất là những điểm chưa đồng nhất quan điểm giữa Việt Nam và Mỹ về cách điều hành tỷ giá cặp USD-VND. Theo quan điểm của Bộ Tài chính Mỹ, một quốc gia bị coi là thao túng tiền tệ nếu cố tình phá giá đồng nội tệ để hỗ trợ xuất khẩu. Tuy nhiên, theo ông Linh, Việt Nam không nằm trong trường hợp này. Cụ thể, trong năm 2024, Ngân hàng Nhà nước đã bán ra ngoại tệ để hỗ trợ tỷ giá, tức là giúp đồng nội tệ tăng giá, chứ không phải phá giá để hỗ trợ xuất khẩu. Điều này cho thấy Việt Nam đang nỗ lực ổn định tỷ giá theo hướng tăng sức mạnh với đồng USD, chứ không thao túng để tạo lợi thế thương mại (....)

Nội dung đầy đủ của bài viết được đăng tải trên Tạp chí Kinh tế Việt Nam số 15-2025 phát hành ngày 14/04/2025. Kính mời Quý độc giả tìm đọc tại đây:

https://postenp.phaha.vn/chi-tiet-toa-soan/tap-chi-kinh-te-viet-nam

Phan Linh

Nguồn VnEconomy: https://vneconomy.vn/giam-chi-phi-tuan-thu-va-ho-tro-tai-chinh-giup-doanh-nghiep-vuot-thuong-chien.htm