Giảm chồng chéo trong thủ tục PCCC - CNCH nhờ việc chuyển giao cho các cơ quan chuyên ngành

Từ ngày 01/7/2025, theo Luật số 55/2024/QH15 - Luật Phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ, nhiều thủ tục hành chính về PCCC và CNCH sẽ được chuyển giao cho các cơ quan chuyên ngành như xây dựng, đăng kiểm, công thương, nông nghiệp - môi trường thay vì do cơ quan Công an trực tiếp thực hiện. Việc điều chỉnh này nhằm nâng cao hiệu quả phối hợp, khắc phục chồng chéo trong hoạt động quản lý và xử lý thủ tục hành chính về PCCC - CNCH.

Cụ thể, các thủ tục do cơ quan chuyên môn về xây dựng tiếp nhận như sau:

Thứ nhất, thẩm định thiết kế thẩm định thiết kế về phòng cháy và chữa cháy đối với dự án đầu tư xây dựng công trình, công trình trừ công trình tạm theo quy định của pháp luật về xây dựng, gồm: (1) Khoảng cách phòng cháy, chữa cháy; (2) Đường bộ, bãi đỗ, khoảng trống phục vụ hoạt động phòng cháy, chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ; (3) Giải pháp thoát nạn; (4) Dự kiến bậc chịu lửa, giải pháp ngăn cháy, chống cháy lan; (5) Giải pháp chống khói.

Thứ hai, cơ quan chuyên môn về xây dựng cũng sẽ tổ chức kiểm tra công tác nghiệm thu về phòng cháy và chữa cháy trước khi đưa công trình, phần công trình, hạng mục công trình vào sử dụng đối với công trình, phần công trình, hạng mục công trình đã được cơ quan chuyên môn về xây dựng thẩm định thiết kế về phòng cháy và chữa cháy trước đó.

Thứ ba, giấy phép lưu thông đối với vật liệu, cấu kiện ngăn cháy, chống cháy được phân cấp theo quy định của Bộ trưởng Bộ Xây dựng.

Ảnh minh họa

Ảnh minh họa

Các thủ tục do cơ quan đăng kiểm tiếp nhận như sau:

Thứ nhất, thẩm định thiết kế về phòng cháy và chữa cháy đối với phương tiện giao thông, gồm: (1) Giải pháp ngăn cháy, chống cháy lan; (2) Giải pháp bảo đảm an toàn phòng cháy cho hệ thống cung cấp năng lượng, nhiên liệu và động cơ; (3) Hệ thống, thiết bị phát hiện sự cố rò rỉ chất khí, chất lỏng nguy hiểm về cháy, nổ.

Thứ hai, tổ chức kiểm tra công tác nghiệm thu về phòng cháy và chữa cháy đối với phương tiện giao thông đã được cơ quan đăng kiểm thẩm định thiết kế về phòng cháy và chữa cháy trước đó.

Các thủ tục do ngành Công thương tiếp nhận gồm: Cấp, Cấp lại, Cấp đổi Giấy phép vận chuyển hàng hóa nguy hiểm loại 1, loại 2, loại 3, loại 4, loại 5, loại 8, loại 9 (trừ hóa chất bảo vệ thực vật và Giấy phép vận chuyển hàng hóa nguy hiểm thuộc thẩm quyền của Bộ Quốc phòng).

Các thủ tục do ngành Nông nghiệp và Môi trường tiếp nhận gồm: Cấp Giấy phép vận chuyển hàng hóa nguy hiểm là hóa chất bảo vệ thực vật trên đường bộ và bằng phương tiện thủy nội địa.

Ngoài ra, tại TPHCM, từ 01/7/2015, những thủ tục trên Cổng dịch vụ công do Công an TP.HCM thực hiện cũng được điều chỉnh, gồm:

(1) Thẩm định các nội dung (a) Hệ thống điện phục vụ PCCC; (b) Phương tiện, hệ thống PCCC đối với báo cáo kinh tế - kỹ thuật đầu tư xây dựng, thiết kế xây dựng triển khai sau thiết kế cơ sở của công trình thuộc diện phải thẩm định thiết kế về PCCC; tổ chức thẩm định nội dung Phương tiện, hệ thống PCCC đối với phương tiện giao thông thuộc diện phải thẩm định thiết kế về PCCC.

(2) Kiểm tra công tác nghiệm thu về PCCC đối với công trình, phần công trình, hạng mục công trình, phương tiện giao thông đã được cơ quan Công an thẩm định thiết kế về PCCC trước đó.

(3) Đối với dự án đầu tư xây dựng công trình, công trình, phương tiện giao thông đã được cơ quan Công an cấp Giấy chứng nhận thẩm duyệt thiết kế về PCCC mà chưa được chấp thuận kết quả nghiệm thu về PCCC thì việc nghiệm thu, kiểm tra kết quả nghiệm thu về PCCC được tiếp tục thực hiện theo quy định tại Điều 15 Nghị định số 136/2020/NĐ-CP và khoản 7 Điều 1 Nghị định số 50/2024/NĐ-СР.

Trường hợp điều chỉnh thiết kế trong quá trình thi công thì việc thẩm duyệt điều chỉnh được tiếp tục thực hiện theo quy định tại Điều 13, Điều 14 Nghị định số 136/2020/NĐ-CP và khoản 5 Điều 1 Nghị định số 50/2024/NĐ-CP.

Thời hạn xử lý hồ sơ đề nghị thẩm duyệt điều chỉnh, kiểm tra kết quả nghiệm thu thực hiện theo quy định tại khoản 6 Điều 9, khoản 3 Điều 10 Nghị định này.

(4) Cấp Giấy chứng nhận kiểm định phương tiện PCCC, quản lý, sử dụng tem kiểm định phương tiện PCCC được tiếp tục thực hiện đến hết ngày 30 tháng 6 năm 2026.

(5) Cấp Giấy phép lưu thông phương tiện PCCC, CNCH.

Luật số 55/2024/QH15 - Luật Phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ được Quốc hội khóa XV thông qua tại Kỳ họp thứ 8, gồm 08 chương, 55 điều. Luật PCCC và CNCH mới được ban hành nhằm nâng cao hiệu quả công tác PCCC và CNCH; tăng cường vai trò của cộng đồng trong công tác phòng ngừa cháy, nổ, tai nạn, sự cố; kết hợp giữa hoạt động PCCC và CNCH thành một thể thống nhất; thiết lập hành lang pháp lý về PCCC và CNCH đầy đủ, đồng bộ và toàn diện; nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý nhà nước về PCCC và CNCH, đáp ứng yêu cầu thực tiễn công tác PCCC và CNCH trong tình hình mới.

Thời gian qua, toàn hệ thống chính trị đã tích cực vào cuộc, tổ chức tuyên truyền, huấn luyện, diễn tập và chuẩn bị các điều kiện cần thiết để triển khai luật một cách hiệu quả và đồng bộ. Tuy nhiên, để luật thực sự đi vào cuộc sống, không thể thiếu vai trò chủ động, đồng hành của người dân, các cơ sở sản xuất, kinh doanh và cộng đồng dân cư.

Để thực hiện đúng và hiệu quả các thủ tục theo quy định mới, người dân và doanh nghiệp cần chủ động cập nhật thông tin từ các nguồn chính thống, như: Cổng dịch vụ công chính thống và các văn bản hướng dẫn chuyên ngành; tuyệt đối không cung cấp thông tin cá nhân, hồ sơ, lệ phí cho các tổ chức, cá nhân không rõ ràng, tránh bị lợi dụng, lừa đảo dưới danh nghĩa hỗ trợ làm thủ tục liên quan PCCC CNCH.

Phương Thanh

Nguồn CA TP.HCM: http://congan.com.vn/doi-song/toan-dan-phong-chay-chua-chay/bai-2-giam-chong-cheo-trong-thu-tuc-pccc-va-cnch-nho-chuyen-giao-ve-cac-bo-nganh_179903.html