Sức bật mới cho thị trường bất động sản
Khánh Hòa và Ninh Thuận có nhiều điểm tương đồng về vị trí địa lý, điều kiện tự nhiên, tạo ra dư địa lớn cho phát triển thị trường bất động sản (BĐS). Đây chính là tiền đề quan trọng để thu hút các nhà đầu tư BĐS. Với nhiều tiềm năng và thế mạnh, tin tưởng rằng sau sáp nhập, thị trường BĐS của tỉnh mới sẽ bứt phá, phát triển mạnh mẽ và bền vững.
Nhiều dư địa chờ khai thác
Việc sáp nhập Khánh Hòa và Ninh Thuận từ ngày 1-7 mở ra một bước ngoặt quan trọng, tạo nên một vùng kinh tế biển mới đầy tiềm năng tại khu vực Nam Trung Bộ. Khánh Hòa (cũ) vốn đã là “điểm nóng” của thị trường BĐS với 3 khu vực trọng điểm là Vân Phong, Nha Trang và Cam Ranh - nơi hội tụ các dự án du lịch, nghỉ dưỡng, cảng biển và khu công nghiệp quy mô lớn. Trong khi đó, Ninh Thuận (cũ) nổi bật với vẻ đẹp nguyên sơ của biển Vĩnh Hy và tiềm năng phát triển năng lượng tái tạo. Sự hợp nhất này không chỉ giúp liên kết hạ tầng giao thông, du lịch và kinh tế vùng một cách đồng bộ, mà còn tạo ra cú hích mạnh mẽ cho BĐS khi khai thác được lợi thế địa lý, cảnh quan, khí hậu và nguồn lực đầu tư.

Một góc vịnh Nha Trang.
Ông Trần Đình Quý - Chủ tịch Hội Môi giới BĐS Khánh Hòa chia sẻ, việc sáp nhập sẽ dẫn tới việc tái cấu trúc quy hoạch vùng, hình thành một trung tâm hành chính - kinh tế - du lịch mới quy mô lớn. Khánh Hòa và Ninh Thuận sở hữu nhiều tiềm năng chưa được khai thác hết trong lĩnh vực BĐS nhờ vị trí chiến lược ven biển miền Trung, hệ thống giao thông ngày càng hoàn thiện, cùng điều kiện tự nhiên thuận lợi. Cả 2 địa phương đều có quỹ đất rộng lớn, giá đất còn ở mức hợp lý và chính sách thu hút đầu tư cởi mở. Đây là dư địa quan trọng để thị trường BĐS phát triển theo hướng bền vững, đón đầu xu thế dịch chuyển dòng vốn đầu tư trong và ngoài nước trong giai đoạn tới.
Nhiều chuyên gia BĐS đều khẳng định, sau sáp nhập 2 tỉnh tạo nên một thực thể hành chính với lợi thế vượt trội về vị trí địa lý, hạ tầng giao thông và tài nguyên thiên nhiên, bao gồm cảng biển chiến lược Cam Ranh, cảng Cà Ná đang hình thành và sân bay quốc tế Cam Ranh. Chính sự hội tụ hạ tầng này sẽ biến BĐS, đặc biệt là BĐS đô thị, công nghiệp, nghỉ dưỡng trở thành lĩnh vực hưởng lợi trực tiếp và mạnh mẽ nhất sau sáp nhập. Đồng thời, mở ra một thời kỳ tăng trưởng mới, trong đó BĐS giữ vai trò là động lực chiến lược.
Ông Nguyễn Tiến Nghị - Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Đầu tư Xây dựng MK khẳng định, Khánh Hòa mới trở thành một “siêu tỉnh” kinh tế - du lịch, sở hữu trục ven biển dài nhất Việt Nam cùng 2 sân bay và 4 cảng biển, vùng địa lý chiến lược và tiềm năng bứt phá mạnh mẽ về kinh tế - hạ tầng - du lịch - năng lượng - công nghệ cao. Từ đây hình thành 2 cực phát triển: Cực bắc Khánh Hòa - Nha Trang: Trung tâm du lịch - dịch vụ quốc tế đã phát triển mạnh trong hơn 10 năm qua. Cực nam Khánh Hòa - Phan Rang nhiều dư địa hơn và đang trở thành trung tâm hút dòng tiền nhờ những lợi thế hiếm có. Bên cạnh đó, làn sóng chuyên gia trong các lĩnh vực năng lượng hạt nhân, trí tuệ nhân tạo đang ồ ạt dịch chuyển về đây, tạo sức bật lớn về nhu cầu dịch vụ, BĐS cho trung tâm phía nam Khánh Hòa, dẫn đến nhu cầu nhà ở, thương mại, dịch vụ tăng đột biến, tạo ra nhiều dư địa tăng giá cho thị trường BĐS tại đây.
Kỳ vọng bứt phá
Ông Phan Từ Liêm - Phó Tổng Giám đốc sàn BĐS New City, Công ty TNHH Thương mại và đầu tư New City cho rằng, đây sẽ là thời điểm vàng để thị trường BĐS bứt phá, thu hút dòng vốn trong và ngoài nước, đặc biệt là các dự án đô thị sinh thái, nghỉ dưỡng cao cấp và khu công nghiệp ven biển. Đồng thời, kỳ vọng thị trường BĐS sẽ bứt phá, làm thay đổi bộ mặt nhiều đô thị theo hướng hiện đại; xây dựng nhiều sản phẩm du lịch BĐS, làm thay đổi những địa bàn hoang sơ thành những khu du lịch tầm cỡ quốc tế; cung cấp một khối lượng nhà ở khổng lồ cho quá trình đô thị hóa và tăng dân cư đô thị; đặc biệt là đóng góp quan trọng cho nguồn thu ngân sách…

Một góc vịnh Vĩnh Hy.
Thực tế, thị trường BĐS ở cả Khánh Hòa và Ninh Thuận trong hơn một năm trở lại đây đang “nóng” trở lại với hàng loạt dự án lớn. Đặc biệt, sau khi Luật Nhà ở năm 2023, Luật Kinh doanh BĐS năm 2023, Luật Đất đai năm 2024 có hiệu lực thi hành, thị trường BĐS đã khởi sắc khi lượng giao dịch cũng như giá trị giao dịch tăng mạnh. Từ năm 2024 đến nay, Khánh Hòa đã chấp thuận chủ trương đầu tư một số dự án lớn tại Nha Trang, Cam Ranh, Cam Lâm, Khu Kinh tế Vân Phong và các dự án này đã được tổ chức đấu thầu theo quy định pháp luật để tìm nhà đầu tư. Đặc biệt, các nhà đầu tư lớn như: Vingroup, Sun Group, KN Cam Ranh, KDI Holding, VCN… đang tích cực triển khai các dự án lớn.
Đáng chú ý, từ đầu năm 2025 đến nay, Khánh Hòa đã thu hút được 16 dự án đầu tư ngoài ngân sách với tổng vốn đăng ký đầu tư hơn 298.720 tỷ đồng. Trong đó, có một số dự án quy mô lớn trong lĩnh vực BĐS, như: Khu đô thị mới Cam Lâm với tổng vốn đăng ký đầu tư 283.300 tỷ đồng; Khu phức hợp Mũi Cỏ - Bãi Rạn với vốn đăng ký đầu tư hơn 4.264 tỷ đồng; Khu phức hợp Vũng Ngán với vốn đăng ký đầu tư hơn 2.852 tỷ đồng… Địa phương đã hoàn thành thủ tục lựa chọn nhà đầu tư đối với 6 dự án đầu tư khu đô thị quy mô lớn như: Khu đô thị mới cao cấp Cổ Mã tổng vốn đầu tư khoảng 5.970 tỷ đồng; Khu đô thị hỗn hợp TP. Nha Trang khoảng 17.300 tỷ đồng; Khu đô thị phức hợp Cam Tân, Khu đô thị phức hợp Cam Thượng, Khu đô thị phức hợp Cam Hòa... vốn mỗi dự án hơn 5.000 tỷ đồng.
Tại Ninh Thuận (tạm gọi khu vực nam Khánh Hòa) cũng có gần 70 dự án mời gọi đầu tư BĐS và đô thị, trong đó có nhiều đại dự án quy mô trên 1.000 tỷ đồng. Tính đến hết tháng 5, toàn khu vực có 7 dự án phát triển nhà ở, BĐS được cấp phép, đang triển khai và đã hoàn thành, gồm: Khu đô thị Đông Bắc (K1), Khu đô thị biển Bình Sơn - Ninh Chữ (K2), Khu đô thị Đầm Cà Ná, Khu đô thị mới Phủ Hà, Khu dân cư Tân Hội, Khu dân cư Tháp Chàm, Dự án Phan Rang Center.
Các chuyên gia BĐS cũng cho rằng, để thị trường BĐS phát triển bền vững, sau sáp nhập tỉnh mới cần có những cơ chế, chính sách ưu đãi để thu hút các nhà đầu tư lớn để phát triển hạ tầng, tạo ra giá trị thực về việc làm và thu nhập cho người dân. Đây mới là động lực tăng trưởng bền vững của thị trường BĐS.