Giảm diện tích lúa Thu Đông 2022 vùng Đồng bằng sông Cửu Long
Cục Trồng trọt cho biết, vụ Thu Đông 2022, vùng Đồng bằng sông Cửu Long gieo sạ 700 nghìn ha lúa, giảm 3,5 nghìn ha so với cùng kỳ.
Tại Hội nghị “Sơ kết sản xuất trồng trọt vụ Hè Thu 2022; triển khai kế hoạch sản xuất vụ Thu Đông, vụ Mùa năm 2022 tại Nam Bộ” do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp UBND tỉnh An Giang tổ chức ngày 8/7, Cục Trồng trọt cho biết, vụ Thu Đông 2022, vùng Đồng bằng sông Cửu Long gieo sạ 700 nghìn ha lúa, giảm 3,5 nghìn ha so với cùng kỳ; năng suất dự kiến đạt 57,12 tạ/ha, tăng 0,52 tạ/ha. Sản lượng lúa ước đạt khoảng 4 triệu tấn, tăng 17 nghìn tấn so với Thu Đông 2021.
Vụ Mùa 2022, toàn vùng Nam bộ gieo sạ khoảng 268,5 nghìn ha, năng suất ước đạt 48,27 tạ/ha, tăng 1,76 tạ/ha; sản lượng ước đạt 1,3 triệu tấn, tăng 150 nghìn tấn so với cùng kỳ. Khu vực Đông Nam Bộ gieo sạ 96,5 nghìn ha, năng suất ước đạt 50,59 tạ/ha, sản lượng ước đạt 488 nghìn tấn. Vùng Đồng bằng sông Cửu Long gieo sạ 172 ha, năng suất ước đạt 46,97 tạ/ha, sản lượng ước đạt 808 nghìn tấn.
Gieo sạ lúa vụ Thu Đông 2022, Cục Trồng trọt cũng khuyến cáo vùng ngập sâu gồm vùng Đồng Tháp Mười và một phần Tứ giác Long Xuyên là các tỉnh An Giang, Đồng Tháp, Long An, Kiên Giang thời gian xuống giống vào cuối tháng 6 nữa đầu tháng 7, kết thúc xuống giống vào ngày 20/8, diện tích xuống giống đạt 415 nghìn ha
Vùng ngập nông là vùng phù sa ngọt Sông Tiền, Sông Hậu gồm các tỉnh, thành Cần Thơ, Vĩnh Long, Hậu Giang, Tiền Giang. Đây cũng là vùng tương đối thuận lợi cho sản xuất 3 vụ, không bị ảnh hưởng của ngập lũ. Do vậy, cần tập trung chỉ đạo đúng lịch thời vụ sản xuất và lưu ý theo dõi mực nước lũ, triều cường, thời vụ xuống giống vào đầu tháng 7 kết thúc xuống giống vào ngày 10/8, diện tích xuống giống đạt 154.000 ha.
Riêng vùng ven biển gồm Trà Vinh, Bến Tre, Sóc Trăng, Bạc Liêu thời gian xuống giống vào cuối tháng 7 đầu tháng 8 kết thúc xuống giống vào ngày 30/8, diện tích xuống giống đạt 131.000 ha
Ông Lê Thanh Tùng, Cục phó Cục Trồng trọt khuyến cáo các tỉnh, thành vùng Đồng bằng sông Cửu Long, vụ Thu Đông ưu tiên sử dụng một số giống lúa thơm chiếm tỷ lệ 30% trong cơ cấu giống như Jasmine 85, nhóm giống ST, Nàng Hoa 9, VD20, Đài Thơm 8... Giống lúa chủ lực xuất khẩu cần chiếm tỷ lệ 50 - 60% gồm OM5451, OM6976, OM18, OM 7347, OM4900... Các địa phương cũng cần hạn chế xuống giống lúa nếp và nhóm giống giống chất lượng trung bình như IR 50404, OM 576.
Cục phó Cục Trồng trọt cũng khuyến cáo các tỉnh, thành khi sản xuất lúa vụ Thu Đông cần theo dõi diễn biến của lũ, bão và tăng cường kiểm soát tình hình sản xuất lúa Hè Thu để có kế hoạch cụ thể cho vụ Thu Đông. Ngoài ra, lưu ý chuẩn bị sản xuất vụ Đông Xuân 2022 - 2023 và dự kiến sản xuất lúa niên vụ 2023.
Theo ông Tùng, khi bố trí thời vụ cho lúa Thu Đông cần lưu ý thời điểm xuống giống chính vụ lúa Đông Xuân 2022 - 2023; chú ý kết thúc xuống giống lúa Thu Đông vào ngày 20/8, tối đa là 30/8/2022. Đặc biệt, vụ Thu Đông phải sử dụng những giống lúa cần lưu ý về tính chống chịu với rầy nâu, vàng lùn và lùn xoắn lá, bệnh cháy lá, cháy bìa lá và giống có độ cứng cây để hạn chế đổ ngã.
Cùng đó, Cục Trồng trọt cũng khuyến từ vụ Hè Thu sang Thu Đông cần có thời gian giãn cách và làm đất, vệ sinh đồng ruộng nhằm tiêu hủy nguồn bệnh vàng lùn và lùn xoắn lá, tiêu hủy rơm rạ hoặc sử dụng các hoạt chất phân hủy rơm rạ để hạn chế ngộ độc hữu cơ...
Dự báo của Tổng cục Thủy lợi cho thấy, năm nay, lũ tại Đồng bằng sông Cửu Long ít có khả năng đến sớm và mực nước đỉnh lũ cũng thấp hơn trung bình nhiều năm, thuận lợi cho sản xuất lúa Thu Đông. Tuy nhiên, vùng Đồng bằng sông Cửu Long phải cảnh giác với khả năng lúa có thể bị ngập úng do mưa và triều cường, nhất là tại những nơi gần biển.
Vụ Thu Đông 2022, dự báo sản xuất lúa và nhiều loại cây trồng cũng sẽ bị tác động tiêu cực của giá các loại phân bón, vật tư đầu vào phục vụ sản xuất tăng cũng như tình hình thời tiết, sâu bệnh phức tạp...
Tại hội nghị, ông Lê Quốc Doanh - Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn yêu cầu cơ quan chuyên môn chỉ đạo sản xuất, điều hành quyết liệt và linh hoạt để tiếp tục có các vụ mùa thắng lợi; góp phần đảm bảo lương thực thực phẩm trong mọi điều kiện và thúc đẩy phát triển xuất khẩu. Vụ Thu Đông 2022 cần chú ý bố trí thời vụ linh hoạt, phù hợp từng vùng, có tính đến thời gian sản xuất của các vụ tiếp theo.
Thứ trưởng Lê Quốc Doanh yêu cầu Cục Trồng trọt phối hợp các địa phương rà soát, xác định cụ thể quy mô, diện tích sản xuất lúa Thu Đông và tính toán khung thời vụ phù hợp để đảm bảo an toàn, hiệu quả; tăng cường thông tin, dự báo thời tiết, cập nhật liên tục tình hình lũ, triều cường; hỗ trợ, khuyến khích người dân tăng cường sản xuất lúa chất lượng cao, đẩy mạnh cơ giới hóa, áp dụng đồng bộ tiến bộ kỹ thuật và quy trình canh tác tiên tiến để giảm mạnh chi phí sản xuất, nâng cao chất lượng và giá bán sản phẩm.
Các tỉnh, thành vùng Đồng bằng sông Cửu Long cần tăng cường sản xuất loại lúa chất lượng cao, lúa thơm và đặc sản; đẩy mạnh nhân rộng và phổ biến mô hình, quy trình kỹ thuật tiên tiến để giảm chi phí, nâng cao chất lượng, giá bán và hiệu quả sản xuất. Cùng đó, đẩy mạnh tuyên truyền, giúp nông dân giảm mạnh lượng sử dụng giống, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật để giảm chi phí sản xuất; tăng cường kiểm tra, quản lý các loại phân bón, thuốc bảo vệ thực vật bán trên thị trường để đảm bảo chất lượng và giá bán, tránh hàng giả...
Theo Cục Trồng trọt, vụ Hè Thu 2022 tổng diện tích xuống giống toàn vùng Nam bộ là 1.575 nghìn ha, giảm 20 nghìn ha; năng suất ước đạt 57,12 tạ/ha, tăng 0,64 tạ/ha; sản lượng ước đạt 9 triệu tấn, giảm 13 nghìn tấn so với vụ Hè Thu 2021. Trong đó, vùng Đồng bằng sông Cửu Long xuống giống 1.493 nghìn ha, giảm 16 nghìn ha, năng suất ước đạt 57,14 tạ/ha, tăng 0,51 tạ/ha; sản lượng ước đạt 8.530 nghìn tấn, giảm 17 nghìn tấn. Vùng Đông Nam Bộ xuống giống 82 nghìn ha, giảm 3,6 nghìn ha; năng suất ước đạt 56,68 tạ/ha, tăng 2,87 tạ/ha; sản lượng đạt 465 nghìn tấn, bằng với cùng kỳ.
Diện tích lúa vụ Hè Thu 2022 vùng Nam Bộ giảm chủ yếu do chuyển đổi sang trồng cây rau màu hằng năm, cây ăn quả và nuôi trồng thủy sản có hiệu quả kinh tế cao hơn. Thu hoạch lúa vụ Hè Thu 2022, Cục Trồng trọt lưu ý các địa phương lúa chín đến đâu tranh thủ thu hoạch đến đó với phương châm “xanh nhà hơn già đồng” để hạn chế tối thiểu lúa đổ ngã trong mùa mưa làm giảm năng suất và chất lượng lúa thương phẩm…