Giảm diện tích mía chuyển hướng trồng cây khác có giá trị kinh tế
Huyện Phụng Hiệp, tỉnh Hậu Giang có vùng mía nguyên liệu lớn nhất vùng ĐBSCL. Cây mía từng được xem là loại cây trồng xóa đói, giảm nghèo ở địa phương này. Cách đây gần 10 năm, toàn huyện có gần 9.000 ha mía, mỗi năm cung ứng cho các nhà máy đường trong tỉnh hơn 1 triệu tấn mía.
Tuy nhiên, theo thời gian, nhiều nhà máy đường trong vùng ngừng hoạt động, giá mía được các nhà máy thu mua không ổn định nên người trồng mía gặp khó khăn do không có lãi. Trước thực trạng này, địa phương đã mạnh dạn quy hoạch lại vùng trồng mía cho phù hợp và vận động người dân chuyển sang cây trồng khác có giá trị kinh tế hơn.
Giống như nhiều nông dân ở huyện Phụng Hiệp, tỉnh Hậu Giang, vài năm gần đây ông Đặng Văn Tích ở thị trấn Búng Tàu, huyện Phụng Hiệp đã mạnh dạn từ bỏ cây mía chuyển sang các loại cây trồng khác. Ông cho biết, trồng mía bán cho nhà máy đường giá cả luôn bấp bênh, thường huề vốn đến lỗ, lại còn gặp nhiều khó khăn trong khâu thu hoạch.
“Trồng mía bây giờ tính ra nhân công mình mướn đắt, không có nhân công nữa, tính kỹ lại không có lời. Thành ra mình trồng chuối, còn khuôn trên thấp quá thì mình cấy tràm” - ông Đặng Văn Tích chia sẻ.
Với quá nhiều rủi ro tác động nên ngày càng có nhiều nông dân ở huyện Phụng Hiệp quay lưng với cây mía. Từ gần 9 ngàn ha mía vào năm 2010 đến vụ mía năm ngoái toàn huyện đã giảm chỉ còn gần 3.700ha và vụ mía năm nay chỉ còn hơn 3.100ha. Gần 6.000ha mía thời gian qua đã được nông dân ở huyện Phụng Hiệp chuyển đổi sang các loại cây ăn trái, rau màu như bưởi, cam, mãng cầu, vú sữa, khóm MD2, chuối, tràm, dưa… cho thu nhập cao gấp 2 đến 3 lần so với trồng mía.
Ông Nguyễn Văn Tâm xã Hòa Mỹ, huyện Phụng Hiệp cho biết, cách đây 3 năm gia đình ông đã phá bỏ 5 công mía chuyển sang trồng ổi. Hiện nay, gia đình ông có thu nhập vài triệu đồng/tháng. Cũng với diện tích này trước đây trồng mía, mỗi năm ông có thu nhập khoảng 20 triệu đồng, nhưng cũng có năm chỉ hòa vốn hoặc thua lỗ.
“Lúc trước trồng mía mỗi năm có một vụ. Vụ nào cũng lỗ hết mới sang trồng ổi, ổi thì thấy thu nhập hàng ngày, mỗi tháng thì cũng được 5-10 triệu đồng” - ông Nguyễn Văn Tâm nói.
Trong bối cảnh một số nhà máy đường trong vùng ngừng hoạt động, nếu trồng mía cho sản lượng nhiều thì việc tiêu thụ sẽ gặp khó khăn hơn, huyện Phụng Hiệp đã mạnh dạn qui hoạch lại vùng mía nguyên liệu theo hướng giảm dần diện tích để vận động nông dân chuyển hướng trồng các loại cây trồng khác có giá trị kinh tế cao hơn, phấn đấu đến năm 2025, còn khoảng 2.500- 3.000ha mía để bán cho nhà máy đường và bán mía chục làm nước ép.
Ông Lê Như Lê- Phó Chủ tịch UBND huyện Phụng Hiệp cho biết thêm: “Cây mía không mang lại hiệu quả kinh tế cao đối với người dân thì diện tích mía dần dần được giảm xuống, chúng tôi đã chuyển sang một số cây trồng có hiệu quả hơn để tạo điều kiện cho người dân phát triển kinh tế, giảm nghèo. Chúng tôi quy hoạch khoảng 3.000ha, nằm ở các xã Tân Phước Hưng, Hiệp Hưng và một phần thị trấn Búng Tàu. Đây là diện tích mía chúng tôi quy hoạch lại làm vùng nguyên liệu”.
Với giải pháp thu hẹp diện tích mía để hạn chế được tình trạng nguồn mía hàng năm cung vượt cầu, đồng thời trồng cây khác thay cây mía để có giá trị kinh tế hơn, người trồng mía ở Phụng Hiệp giờ đã tìm được lối đi mới để nâng cao thu nhập, phát triển kinh tế gia đình.