Giảm điều tiết, đảm bảo cho các hãng hàng không Việt cạnh tranh
Bộ GTVT và Cục Hàng không Việt Nam (HKVN) đã lý giải nguyên nhân chính dẫn đến giá vé máy bay cao thời gian vừa qua là do chi phí đầu vào tăng mạnh, thiếu máy bay khai thác... Tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng, giá vé máy bay đắt đỏ còn có nguyên nhân không kém phần quan trọng là tính cạnh tranh của thị trường không cao. Báo SGGP đã có cuộc trao đổi với ông Đinh Việt Thắng (ảnh), Cục trưởng Cục HKVN, xung quanh vấn đề này.
* PHÓNG VIÊN: Cục HKVN đánh giá như thế nào về thị trường hàng không Việt Nam hiện nay so với các nước trong khu vực?
* Ông ĐINH VIỆT THẮNG: Trong khu vực Đông Á, mỗi quốc gia đều có nhiều hãng hàng không khai thác vận chuyển hành khách như: Malaysia có 6 hãng, Thái Lan có 7 hãng, Singapore có 3 hãng, Indonesia có 6 hãng, lãnh thổ Đài Loan có 6 hãng, Nhật Bản có 8 hãng, Hàn Quốc có 10 hãng… Với 5 hãng hàng không kinh doanh cả ở phân khúc truyền thống và giá rẻ, Việt Nam có số lượng các hãng hàng không ở mức trung bình so với các quốc gia khác trong khu vực. Năm 2023, thị trường vận tải hàng không Việt Nam đạt xấp xỉ 73 triệu khách và dự kiến năm 2024 có thể đạt 80 triệu khách, là thị trường hàng không lớn trong khu vực.
* Nhưng mới đây, hãng Pacific Airlines đã trả hết máy bay và tạm ngừng bay, Bamboo Airways giảm từ 30 chiếc xuống còn 8 chiếc, Vietravel Airlines chỉ khai thác hạn chế đường bay. Liệu có phải giá vé máy bay cao là do tính cạnh tranh của thị trường hàng không Việt Nam đang bị yếu đi hay không, thưa ông?
* Hiện, Pacific Airlines và Bamboo Airways đang thực hiện cơ cấu lại đội máy bay theo chiến lược của hãng, nhưng về cơ bản, hầu hết trên các đường bay nội địa hiện đều có ít nhất 2 hãng khai thác. Thời gian qua, Cục HKVN đã thực hiện kiểm tra hoạt động bán vé, kê khai, niêm yết giá vé máy bay trên đường bay nội địa của các hãng hàng không Việt Nam. Kết quả kiểm tra cho thấy, trong cơ cấu giá vé bán ra của các hãng, phần lớn vẫn là vé ở phân khúc giá thấp và trung bình (từ 60%-70% lượng vé bán ra). Hiện tại, chúng tôi ghi nhận các hãng hàng không Việt Nam cũng đưa nhiều mức giá rẻ trên đường bay nội địa, trong đó có cả giá vé 0 đồng.
* Trước đây, Việt Nam có một số hãng hàng không tư nhân đã được cấp phép nhưng phải đóng cửa sau 1 thời gian ngắn hoạt động, thậm chí chưa từng cất cánh. Xin ông cho biết vì sao lại như vậy, hiện có hãng hàng không mới nào muốn tham gia thị trường không?
* Vận chuyển hàng không là ngành kinh doanh có tính đặc thù và yêu cầu cao về vốn đầu tư, tiêu chuẩn kỹ thuật. Vì vậy, việc một doanh nghiệp tham gia và duy trì hoạt động trong lĩnh vực này sẽ không dễ dàng. Giai đoạn trước năm 2020, các hãng hàng không Việt Nam, kể cả Vietnam Airlines, đều có quy mô nhỏ, thiếu tiềm lực tài chính, công nghệ và nguồn nhân lực chất lượng cao, trong khi vận tải hàng không là ngành có tỷ lệ lãi suất rất thấp, rất dễ bị các yếu tố chính trị, kinh tế, thiên tai, địch họa tác động. Việc bùng phát đại dịch Covid-19 đã ảnh hưởng tiêu cực và vấn đề chung mà các hãng gặp phải là sự ổn định tài chính, dòng tiền.
Hiện tại, dù có những tín hiệu tích cực trong kết quả tài chính quý 1-2024, nhưng vốn chủ sở hữu và kết quả kinh doanh lũy kế của các hãng vẫn trong tình trạng thua lỗ, chưa thể phục hồi như trước. Với các khó khăn, bất lợi như đã nêu cộng thêm những diễn biến khó lường của tình hình địa chính trị trên thế giới, có thể nói, kinh doanh vận tải hàng không tiếp tục phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức thời gian tới. Với vai trò quản lý nhà nước, Cục HKVN sẵn sàng hỗ trợ, tạo điều kiện tối đa cho các hãng hàng không mới gia nhập thị trường để tăng tính cạnh tranh. Tuy nhiên, trong bối cảnh khó khăn hiện nay, Cục HKVN chưa nhận được thông tin liên quan hãng hàng không mới muốn tham gia thị trường hàng không Việt Nam.
* Nhiều quốc gia đã rất tích cực hỗ trợ các hãng hàng không kéo giảm giá vé. Cục HKVN có giải pháp gì để giúp các hãng hàng không giảm giá vé?
* Cục HKVN nhận thức rõ trách nhiệm của mình trong việc phát triển thị trường vận tải hàng không theo hướng bền vững với các mục tiêu về đảm bảo an toàn, an ninh và chất lượng dịch vụ. Để làm được điều này, Cục HKVN sẽ tiếp tục thực hiện chính sách giảm dần sự điều tiết đối với vận tải hàng không thông qua các thỏa thuận song phương và đa phương, đảm bảo cho các hãng hàng không Việt Nam có thể cạnh tranh và mở rộng, phát triển thị trường quốc tế, đồng thời đáp ứng được nhu cầu tăng trưởng của thị trường.
Cục HKVN đã chỉ đạo đơn vị liên quan hỗ trợ tối đa các hãng hàng không nâng cao khả năng khai thác, tiết kiệm chi phí. Bên cạnh đó, Cục HKVN cũng báo cáo cấp có thẩm quyền để tiếp tục triển khai, duy trì và xem xét ban hành các chính sách, giải pháp hỗ trợ về tài chính, tín dụng cho các hãng, tạo cơ hội cũng như động lực để các hãng giải quyết, xử lý triệt để những khó khăn, tồn tại. Với những giải pháp triển khai thực hiện và kết quả bước đầu, hoạt động của các hãng hàng không có thể kỳ vọng về mục tiêu cân đối được tài chính trong năm 2024-2025, các khó khăn, tồn tại sẽ sớm được giải quyết.
Theo Bộ GTVT, giá vé máy bay tăng trong các tháng đầu năm 2024 nằm trong xu hướng chung trên thế giới với các nguyên nhân chính gồm: giá nhiên liệu hàng không tăng cao; chênh lệch tỷ giá ngoại tệ gia tăng, đặc biệt là giá USD so với đồng nội tệ.