Giám đốc Bệnh viện K nêu lý do ung thư mật, tụy khi phát hiện thường ở giai đoạn muộn

Ung thư đường mật và ung thư tụy là bệnh ung thư không thường gặp nhưng có độ ác tính và tỷ lệ tử vong cao. Triệu chứng của bệnh thường không đặc hiệu nên bệnh thường phát hiện ra ở giai đoạn muộn, khi không còn khả năng phẫu thuật triệt căn.

GS.TS Lê Văn Quảng, Giám Đốc Bệnh viện K (Việt Nam) đã nhấn mạnh thông tin trên khi đồng chủ tọa cùng PGS.TS Tai Wai Meng, David, Trung tâm Ung thư Quốc gia (Singapore) tại hội thảoquốc tế"Nắm bắt những cơ hội quý giá của cuộc sống" được tổ chức chiều tối 3/8 tại Hà Nội.

Đông đảo đại biểu là chuyên gia trong nước và hơn 40 chuyên gia quốc tế đến từ Singapore, Thái Lan, Hồng Kông (Trung Quốc), Philippines, Indonesia, Malaysia… đã tham dự hội thảo này.

Tại hội thảo, các chuyên gia tập trung chia sẻ về các tiến bộ trong điều trị ung thư đường mật, ung thư tụy và thảo luận ba ca lâm sàng. Sự kiện này là cơ hội để các chuyên gia quốc tế, nhất là các bác sĩ Việt Nam có cơ hội học hỏi, trao đổi kinh nghiệm để nâng cao chất lượng điều trị cho bệnh nhân ung thư tại Việt Nam.

Chia sẻ tại hội thảo, GS.TS Lê Văn Quảng cho hay, trước đây, hóa trị là phương pháp chủ yếu điều trị ở giai đoạn này dựa trên nền tảng các hóa chất như 5FU, Platium, Gemcitabine.

"Hiện nay với sự phát triển của y học, nhiều thuốc mới như thuốc đích, miễn dịch hay các thuốc hóa chất mới đã ra đời giúp nâng cao hiệu quả điều trị cho bệnh nhân ung thư nói chung trong đó có ung thư đường mật và ung thư tụy nói riêng"- GS.TS Lê Văn Quảng cho biết.

Tại bài trình bày "Các tiến bộ trong điều trị ung thư đường mật", PGS Aumkhae Sookprasert - Bệnh viện Srinagarind (Thái Lan) cho rằng, phẫu thuật vẫn có vai trò chính ở giai đoạn sớm, tuy nhiên chỉ có 20% số bệnh nhân mới có chỉ định phẫu thuật triệt căn ngay từ đầu. Ở giai đoạn muộn, điều trị miễn dịch kết hợp với hóa trị là phác đồ được lựa chọn nhưng tỷ lệ đáp ứng là 26,7%. Ngoài ra, phác đồ hóa trị 3 thuốc có TS-1 đường uống cũng có hiệu quả với tỷ lệ đáp ứng lên tới 41,5%.

Mặt khác, với những tiến bộ về sinh học phân tử, nhiều đột biến gen đã được phát hiện và nghiên cứu, qua đó thuốc điều trị đích đã được áp dụng thành công trên bệnh nhân ung thư đường mật.

Chia sẻ "Các triển vọng mới trong điều trị ung thư tụy", PGS Chiang Chi Leung đã nêu ra một số khó khăn, thách thức trong điều trị ung thư tụy. Đây là một trong những bệnh có độ ác tính và tỷ lệ tử vong cao. Bệnh cũng thường phát hiện ra ở giai đoạn tiến triển. Ở nhóm bệnh nhân giai đoạn sớm còn chỉ định phẫu thuật triệt căn, hầu hết các bệnh nhân đều có chỉ định điều trị bổ trợ bằng hóa trị. Bên cạnh đó ở nhóm bệnh nhân giai đoạn muộn, di căn, các thuốc miễn dịch mới hoặc hóa chất mới cũng được chứng minh có hiệu quả trong việc điều trị cho người bệnh.

Tiếp theo hai báo cáo tổng quan, BS. Wulyo Rajabto đến từ Indonesia; BS. Herdee Luna đến từ Philippines và TS.BS. Phạm Tuấn Anh đến từ Bệnh viện K đã báo cáo các ca lâm sàng ung thư đường mật, ung thư tụy.

Các ca lâm sàng đều là những trường hợp "hay" và đã áp dụng thuốc mới trong điều trị bổ trợ hoặc điều trị triệu chứng cho bệnh nhân.

Kết quả cho thấy các thuốc mới đó đều có hiệu quả trong việc điều trị cho người bệnh. Đó là những minh chứng rõ nét nhất trong việc áp dụng những tiến bộ trong điều trị nội khoa ung thư nói chung và ung thư đường mật, ung thư tụy nói riêng.

Chuyên gia trong nước và nước ngoài chia sẻ về các tiến bộ trong điều trị ung thư đường mật, tụy.

Chuyên gia trong nước và nước ngoài chia sẻ về các tiến bộ trong điều trị ung thư đường mật, tụy.

GS.TS Lê Văn Quảng khẳng định, với sự phát triển của y học, hiểu biết rõ hơn về các đặc điểm sinh học phân tử của từng bệnh, các thuốc mới đã ngày càng được ứng dụng rộng rãi trong điều trị bệnh ung thư nói chung trong đó có ung thư đường mật, ung thư tụy. Do đó, bác sĩ có nhiều lựa chọn các phác đồ điều trị tiên tiến cho bệnh nhân giúp mang lại hiệu quả cao nhưng có ít tác dụng không mong muốn hơn.

Hội thảo là diễn đàn khoa học quốc tế chất lượng, có chiều sâu và chuyên nghiệp; là cơ hội để các chuyên gia, đồng nghiệp có cơ hội được chia sẻ, cập nhật các kiến thức mới nhằm hướng tới mục tiêu nâng cao chất lượng chẩn đoán và điều trị bệnh ung thư.

Chia sẻ với phóng viên Sức khỏe và Đời sốngbên lề hội thảo, GS.TS Lê Văn Quảng cho hay, để nâng cao vị thế chuyên ngành ung thư của Bệnh viện K cũng như của cả hệ thống ung thư trong nước, GS Quảng và các chuyên gia của Bệnh viện K đã không ngừng kết nối, trao đổi thông tin với các chuyên gia, nhà khoa quốc tế về lĩnh vực để 'kéo' nhiều hơn nữa các hội thảo quốc tế tương tự được tổ chức với mục tiêu nâng cao chất lượng chẩn đoán và điều trị bệnh ung thư tại Việt Nam.

"Dự kiến khoảng 10 tháng 10 tới đây một hội thảo quốc tế về ung thư sẽ được Bệnh viện K và các đối tác tổ chức tại Hà Nội. Sẽ có nhiều nhà khoa học, học giả, chuyên gia về phòng chống, điều trị ung thư có tên tuổi của quốc tế tham dự"- GS.TS Lê Văn Quảng nói.

Hội thảo do Bệnh viện K phối hợp với TaiHo tổ chức.

Bài và ảnh Thái Bình

Nguồn SK&ĐS: https://suckhoedoisong.vn/giam-doc-benh-vien-k-neu-ly-do-ung-thu-mat-tuy-khi-phat-hien-thuong-o-giai-doan-muon-169240803215130723.htm