Giám đốc Bệnh viện Quân y 110 đối diện mức án nào?

CQĐT sẽ làm rõ hành vi phạm tội của các bị can là có tổ chức hay không, có phạm tội nhiều lần hay không và thiệt hại gây ra là bao nhiêu để xác định hành vi phạm tội

Bệnh viện Quân y 110

Bệnh viện Quân y 110

Chấp hành chỉ đạo của Ban Thường vụ Quân ủy Trung ương về việc xử lý sai phạm liên quan đến việc đào tạo và cấp bằng CĐ điều dưỡng của trường Cao đẳng (CĐ) Y - Dược ASEAN (trường tư thục) cho cán bộ, nhân viên của BV Quân y 110, Quân khu 1.

Căn cứ vào tài liệu, chứng cứ thu thập, CQĐT hình sự Bộ Quốc phòng vừa khởi tố bị can, bắt tạm giam đối với 2 bị can gồm: Đại tá Diêm Đăng Thanh, GĐ BV Quân Y 110; Ông Ngô Mạnh Trí, Hiệu trưởng trường CĐ Y - Dược ASEAN về tội "Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ" quy định tại Khoản 3 Điều 356 BLHS. Các quyết định tố tụng của CQĐT đều được VKS quân sự Trung ương phê chuẩn.

Liên quan đến vụ án này, luật sư Nguyễn Hồng Thái, Đoàn luật sư TP Hà Nội cho biết, với những vụ án có liên quan đến việc cấp bằng cấp, chứng chỉ không đúng quy trình, quy định thì sẽ có liên quan đến nhiều tổ chức, cá nhân. Quy trình để cấp ra bằng cấp, chứng chỉ sẽ qua nhiều khâu, nhiều người thực hiện.

Bởi vậy, trong trường hợp kết quả điều tra cho thấy có nhiều người cùng biết hành vi là vi phạm pháp luật nhưng vẫn cố ý thực hiện hành vi thì sẽ xác định là vụ án có đồng phạm, tất cả những người tham gia vào các khâu trong quá trình đào tạo, cấp bằng nhận thức được hành vi của mình là sai phạm nhưng vẫn cố ý thực hiện thì sẽ đều bị xử lý với vai trò đồng phạm và thường sẽ được xác định là phạm tội có tổ chức.

Theo quy định của pháp luật, người nào vì vụ lợi hoặc động cơ cá nhân khác mà lợi dụng chức vụ, quyền hạn làm trái công vụ gây thiệt hại về tài sản từ 10.000.000 đồng đến dưới 200.000.000 đồng hoặc gây thiệt hại khác đến lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân thì bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ theo Điều 356 BLHS 2015, với khung hình phạt là phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 01 năm đến 05 năm.

Trường hợp phạm tội gây thiệt hại về tài sản 1.000.000.000 đồng trở lên thì bị phạt tù từ 10 năm đến 15 năm. Ngoài hình phạt chính là phạt tù tới 15 năm tù, người phạm tội còn bị cấm đảm nhiệm chức vụ nhất định từ 1 năm đến 5 năm, có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng.

"Bởi vậy, trong vụ án trên CQĐT sẽ làm rõ hành vi phạm tội của các bị can là có tổ chức hay không, có phạm tội nhiều lần hay không và thiệt hại gây ra là bao nhiêu để xác định hành vi phạm tội, đồng thời làm cơ sở để xem xét áp dụng mức hình phạt phù hợp với quy định của pháp luật", luật sư Thái phân tích.

Theo quy định của BLHS hiện hành, hành vi lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ mà gây thiệt hại từ 1.000.000.000 đồng trở lên thì mức hình phạt là phạt tù từ 10 năm đến 15 năm.

Trong trường hợp kết quả điều tra cho thấy trường này đã vi phạm về quy trình đào tạo, không tổ chức đào tạo nhưng vẫn cấp bằng cho các học viên thì hành vi còn có dấu hiệu của tội “Giả mạo trong công tác”. Những người cấp bằng không đúng quy định sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội “Giả mạo trong công tác” theo quy định tại Điều 359 BLHS, với hình phạt tù thấp nhất là 1 năm, cao nhất là 20 năm tù.

Người phạm tội người vi phạm còn bị cấm đảm nhiệm chức vụ hoặc làm công việc nhất định từ 1 năm đến 5 năm, có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng.

Theo luật sư Thái, lĩnh vực y tế là lĩnh vực đặc thù có liên quan đến sức khỏe nhân dân. Tính chất đặc thù đòi hỏi những người hoạt động trong lĩnh vực này phải có đạo đức cao, phải trung thực, tận tụy, liêm chính để phục vụ nhân dân. Tuy nhiên, thời gian gần đây xuất hiện hiện tượng học giả, thi giả nhưng cấp bằng thật làm giảm sút chất lượng nguồn nhân lực, gây bức xúc trong dư luận. Vì vậy, cơ quan chức năng cần tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, phát hiện các hành vi vi phạm pháp luật liên quan đến giáo dục và đào tạo, liên quan đến việc cấp chứng chỉ, bằng cấp để xử lý theo quy định.

Ngoài ra, cơ quan chức năng cũng cần tăng cường công tác quản lý, đặc biệt là đối với các trường dân lập, tư thục trong quá trình giáo dục đào tạo để nâng cao chất lượng giáo dục đào tạo, giảm bớt những hiện tượng tiêu cực, vi phạm pháp luật.

Đây là vụ án phức tạp, dư luận xã hội quan tâm. Ban Thường vụ Quân ủy Trung ương chỉ đạo các cơ quan tư pháp quân đội tiếp tục mở rộng điều tra làm rõ sai phạm của các tổ chức, cá nhân liên quan, bảo đảm nghiêm minh, đúng pháp luật, không có vùng cấm.

Thái An

Nguồn PL&XH: https://phapluatxahoi.kinhtedothi.vn/giam-doc-benh-vien-quan-y-110-doi-dien-muc-an-nao-289296.html