Giám đốc ĐHQG TP.HCM nêu 6 kiến nghị nâng cao chất lượng đào tạo nguồn nhân lực

Giám đốc ĐH Quốc gia TP. Hồ Chí Minh đề nghị Chính phủ, Bộ GD&ĐT, các địa phương vùng Đông Nam Bộ, TP. Hồ Chí Minh quan tâm đến 6 kiến nghị quan trọng.

Yêu cầu trong nhóm cơ sở giáo dục đại học tiên tiến hàng đầu châu Á

Ngày 18/4, Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức Hội nghị “Phát triển giáo dục và đào tạo vùng Đông Nam Bộ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; triển khai thực hiện Nghị quyết số 24-NQ/TW ngày 07/10/2022 của Bộ Chính trị về phương hướng phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Đông Nam Bộ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”.

Phát biểu tại Hội nghị, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Vũ Hải Quân - Giám đốc Đại học Quốc gia thành phố Hồ Chí Minh cho biết: “Trong quá trình lịch sử dựng nước và giữa nước, ông cha ta luôn coi trọng sử dụng nhân tài với triết lý hiền tài là nguyên khí quốc gia. Nguyên khí thịnh thì vững mạnh và vươn cao, nguyên khí suy thì yếu và thấp.

Sau Cách mạng tháng 8 thành công, ngày 20/11/1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đăng một bản thông báo “Tìm người tài đức” trên báo Cứu Quốc” với nội dung: “Nước nhà cần phải kiến thiết. Kiến thiết cần phải có nhân tài...”.

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Vũ Hải Quân - Giám đốc Đại học Quốc gia thành phố Hồ Chí Minh phát biểu tham luận. Ảnh: Thủy Tiên.

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Vũ Hải Quân - Giám đốc Đại học Quốc gia thành phố Hồ Chí Minh phát biểu tham luận. Ảnh: Thủy Tiên.

Các nhà khoa học trên thế giới cũng đã có nhiều nghiên cứu chỉ ra mối quan hệ hữu cơ giữa nhân tài với khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, tốc độ phát triển kinh tế của quốc gia.

Lý thuyết tăng trưởng phái sinh chỉ ra 3 yếu tố chi phối tốc độ tăng trưởng kinh tế bao gồm lực lượng lao động, vốn, công nghệ, trong đó công nghệ đóng vai trò chủ đạo. Lý thuyết tăng trưởng nội sinh nhấn mạnh nhân lực trình độ cao là yếu tố quan trọng nhất, đóng góp cho tốc độ tăng trưởng kinh tế của các nền kinh tế trong đó đòi hỏi công nghệ đổi mới, sáng tạo. Nơi nào thu hút được nhân tài nhiều hơn, nơi đó sẽ có thế mạnh phát triển hơn.

Nhìn ra khu vực và thế giới, năm 1999, Chính phủ Singapore công bố chiến lược về nhân tài, xem nhân tài như một nguồn vốn quan trọng nhất, kết quả trong đổi mới khoa học công nghệ, số lượng nhân tài đã tăng gấp đôi sau 20 năm. Quốc gia này cũng đang xếp thứ 2, sau Thụy Sĩ trong bảng xếp hạng về năng lực cạnh tranh trên toàn cầu. Cũng trong bảng xếp hạng này, năm 2022, Việt Nam xếp thứ 74”.

Giám đốc Đại học Quốc gia thành phố Hồ Chí Minh cũng nhấn mạnh: “Nghị quyết số 24-NQ/TW ngày 07/10/2022 của Bộ Chính trị về Phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Đông Nam Bộ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 đã khẳng định, Đông Nam Bộ là vùng kinh tế năng động, sáng tạo, đi đầu trong đổi mới và phát triển, đóng góp lớn vào tăng trưởng kinh tế, xuất khẩu, thu ngân sách nhà nước và giải quyết việc làm của cả nước.

Nghị quyết 24 đã chỉ ra rằng, vùng Đông Nam Bộ còn nhiều hạn chế như: Phát triển chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế; một số chỉ tiêu quan trọng chưa đạt như đề ra. Tăng trưởng kinh tế có xu hướng chậm lại và thấp hơn cả nước; đóng góp vào tổng thu ngân sách nhà nước giảm, tốc độ tăng năng suất lao động thấp... Và điều đặc biệt, là chất lượng nguồn nhân lực, nhất là nhân lực chất lượng cao chưa đáp ứng yêu cầu phát triển.

Các đại biểu dự Hội nghị ngày 18/4. Ảnh: Thủy Tiên.

Các đại biểu dự Hội nghị ngày 18/4. Ảnh: Thủy Tiên.

Nghị quyết 24 cũng đặt ra mục tiêu đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, Đông Nam Bộ, thành phố Hồ Chí Minh trở thành trung tâm khoa học - công nghệ và đổi mới sáng tạo, riêng thành phố Hồ Chí Minh là nơi thu hút nhân tài, chuyên gia, nhà khoa học, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao đến sinh sống và làm việc.

Để đạt được những mục tiêu này, chúng tôi cho rằng, cần phải có động lực mới, không gian mới, đó chính là khoa học công nghệ, là nguồn nhân lực chất lượng cao.

Chúng tôi cho rằng, khoa học công nghệ phải là động lực, nhân lực phải là điểm tựa cho sự phát triển của vùng Đông Nam Bộ, thành phố Hồ Chí Minh.

Nói cách khác, để phát triển kinh tế bền vững, Đông Nam Bộ nên từng bước chuyển từ lợi thế nhân công sang nhân lực trình độ cao, từ ưu tiên thu hút nguồn vốn tài chính sang ưu tiên thu hút nguồn vốn con người, từ nền kinh tế dựa đầu tư sang nền kinh tế dựa vào nhân tài. Vừa ưu tiên đầu tư phần cứng, phát triển hạ tầng, vừa ưu tiên đầu tư phần mềm, phát triển con người”.

Theo vị Giám đốc, Nghị quyết 24 này cũng yêu cầu phát triển Đại học Quốc gia thành phố Hồ Chí Minh thuộc nhóm cơ sở giáo dục đại học tiên tiến hàng đầu châu Á, với sứ mệnh là nơi hội tụ nhân tài và lan tỏa tri thức.

Luật Giáo dục đại học cũng yêu cầu Đại học Quốc gia thành phố Hồ Chí Minh thực hiện nhiệm vụ chiến lược quốc gia và nhiệm vụ phát triển vùng.

Đại học Quốc gia thành phố Hồ Chí Minh hiện có hơn 6.000 cán bộ, viên chức, trong đó có hơn 1.100 tiến sĩ, 350 giáo sư và phó giáo sư trên quy mô 90.000 sinh viên và hơn 80.000 người học cao học và nghiên cứu sinh.

Trong 10 năm qua, Đại học Quốc gia thành phố Hồ Chí Minh đã đào tạo 130.000 cử nhân, kỹ sư, bác sĩ, thạc sĩ, tiến sĩ có trình độ chuyên môn cao, có trách nhiệm với cộng đồng và sự phát triển của đất nước...

“Đại học Quốc gia thành phố Hồ Chí Minh luôn tiên phong đổi mới chương trình đào tạo và phương pháp giảng dạy với 110 chương trình đào tạo được kiểm định bởi các tổ chức kiểm định quốc tế.

Trong 5 năm (2018-2022) đã công bố hơn 10.000 bài báo trên các hội nghị khoa học trong nước và quốc tế. Chỉ tính riêng trong năm 2022, Đại học Quốc gia thành phố Hồ Chí Minh đã xuất bản hơn 2.400 các bài báo trong các danh mục của Scopus... và trở thành đơn vị dẫn đầu cả nước về công bố quốc tế.

Cùng với các trường đại học khác trên địa bàn Đông Nam Bộ, chúng tôi rất mong muốn và kỳ vọng sẽ đóng góp cho sự phát triển của vùng, thành phố thông qua các hoạt động đào tạo nhân lực qua nghiên cứu, phát triển ứng dụng khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo” - Phó Giáo sư Vũ Hải Quân chia sẻ.

6 kiến nghị của Đại học Quốc gia thành phố Hồ Chí Minh

Theo Phó Giáo sư, Tiến sĩ Vũ Hải Quân, các hoạt động trọng tâm của Đại học Quốc gia thành phố Hồ Chí Minh tới năm 2030 bao gồm:

Một là, xây dựng và thực thi chính sách thu hút, đào tạo, bồi dưỡng nhân tài khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo.

Hai là, xây dựng cập nhật đổi mới các chương trình đào tạo, nghiên cứu liên ngành trí tuệ nhân tạo, thiết kế vi mạch, khoa học sức khỏe, công nghệ vi mạch.

Ba là, xây dựng, vận hành trung tâm đổi mới sáng tạo cấp quốc gia từ nguồn vốn vay ODA.

Giám đốc Đại học Quốc gia thành phố Hồ Chí Minh cũng đề nghị Chính phủ, Bộ Giáo dục và Đào tạo, các địa phương vùng Đông Nam Bộ, thành phố Hồ Chí Minh quan tâm đến một số kiến nghị sau: “Thứ nhất, kiến nghị Chính phủ giao cho Đại học Quốc gia thành phố Hồ Chí Minh nghiên cứu, xây dựng Đề án trung tâm đổi mới sáng tạo, Đại học Quốc gia thành phố Hồ Chí Minh trở thành trung tâm đổi mới sáng tạo quốc gia, cũng như khu vực Đông Nam Bộ.

Thứ hai, Chính phủ, địa phương có cơ chế đặt hàng, giao nhiệm vụ cho Đại học Quốc gia thành phố Hồ Chí Minh và các trường đại học trong khu vực để đào tạo, nghiên cứu trong lĩnh vực công nghệ, trí tuệ nhân tạo,...

Thứ ba, đề nghị các địa phương hỗ trợ cho Đại học Quốc gia thành phố Hồ Chí Minh thực hiện khảo sát về nhu cầu nguồn nhân lực các ngành nghề đến năm 2030, việc nghiên cứu, khảo sát nhu cầu về nguồn nhân lực của các doanh nghiệp sẽ giúp các cơ sở giáo dục đại học trong khu vực có thể xây dựng chiến lược đào tạo một cách phù hợp, đáp ứng yêu cầu của doanh nghiệp".

Bốn là, đề nghị Chính phủ và các địa phương phối hợp triển khai có hiệu quả các chính sách thu hút tuyển dụng sinh viên giỏi về công tác tại địa phương, tiếp tục các chính sách chăm lo cho sinh viên của địa phương đang học tại Đại học Quốc gia thành phố Hồ Chí Minh và các trường đại học trong khu vực. Trong đó, có chính sách hỗ trợ về học bổng, cho vay ưu đãi để sinh viên có hoàn cảnh khó khăn có thể tiếp cận.

Năm là, đề nghị Bộ Giáo dục và Đào tạo có cơ chế cho Đại học Quốc gia thành phố Hồ Chí Minh và các trường đại học trong khu vực có thể tham gia đào tạo nhân lực theo yêu cầu của địa phương.

Cuối cùng, đề nghị Chính phủ ưu tiên bố trí nguồn vốn để Đại học Quốc gia thành phố Hồ Chí Minh sớm triển khai đầu tư xây dựng, bổ sung cơ sở vật chất, ký túc xá cho sinh viên bằng nguồn vốn ngân sách nhà nước, theo chính sách hỗ trợ nhà ở xã hội.

Thủy Tiên

Nguồn Giáo Dục VN: https://giaoduc.net.vn/giam-doc-dhqg-tphcm-neu-6-kien-nghi-nang-cao-chat-luong-dao-tao-nguon-nhan-luc-post234567.gd