Giám đốc Dịch vụ khẩn cấp Maui từ chức vì không kích hoạt còi báo cháy

Ngày 17/8, người đứng đầu Cơ quan quản lý tình trạng khẩn cấp Maui đột ngột từ chức, một ngày sau khi nói rằng ông không hối hận vì không dùng còi báo động để cảnh báo cư dân về các vụ cháy rừng đã tàn phá thị trấn lịch sử Lahaina trên đảo Maui và giết chết ít nhất 111 người.

Sau khi đối mặt với những lời chỉ trích trong những ngày gần đây vì quyết định không kích hoạt hệ thống cảnh báo còi báo động đám cháy Maui, Giám đốc Cơ quan Quản lý Khẩn cấp Maui Herman Andaya đã từ chức, theo một bài đăng trên Facebook của quận Maui.

Giám đốc Cơ quan Quản lý Khẩn cấp Maui Herman Andaya phát biểu trong một cuộc họp báo ở Wailuku, Hawaii, Thứ Tư, ngày 16/8/2023. (Ảnh: AP)

Giám đốc Cơ quan Quản lý Khẩn cấp Maui Herman Andaya phát biểu trong một cuộc họp báo ở Wailuku, Hawaii, Thứ Tư, ngày 16/8/2023. (Ảnh: AP)

“Do mức độ nghiêm trọng của cuộc khủng hoảng mà chúng ta đang phải đối mặt, chúng tôi sẽ bổ nhiệm một người khác vào vị trí quan trọng này càng sớm càng tốt và tôi mong sớm đưa ra thông báo đó”, Thị trưởng Quận Maui Richard Bissen cho biết trong bài đăng.

Tại một cuộc họp báo hôm thứ Tư, ông Herman Anday được hỏi liệu anh có hối hận vì đã không bấm còi báo động hay không. "Tôi không", ông nói. “Chúng tôi sợ rằng mọi người sẽ hoảng loạn và chạy vào những vùng nguy hiểm”, Andaya nói.

Quyết định không kích hoạt còi báo động cùng với tình trạng thiếu nước đã cản trở lực lượng cứu hỏa và sự tắc nghẽn của các con đường thoát hiểm, đã khiến nhiều cư dân chỉ trích gay gắt. Việc thiếu còi báo động đã nổi lên như một sai lầm tiềm ẩn cùng một loạt các vấn đề về liên lạc đã làm tăng thêm sự hỗn loạn.

Thị trưởng Richard Bissen đã chấp nhận đơn từ chức của ông Andaya và quyết định có hiệu lực ngay lập tức, Quận Maui thông báo trên Facebook. Ông Andaya viện dẫn những lý do sức khỏe nhưng không cung cấp thêm thông tin chi tiết.

Toàn cảnh thị trấn lịch sử Lahaina sau vụ cháy.

Toàn cảnh thị trấn lịch sử Lahaina sau vụ cháy.

Hawaii có hệ thống còi báo động ngoài trời lớn nhất thế giới. Hệ thống còi báo động được tạo ra sau trận sóng thần năm 1946 đã giết chết hơn 150 người trên hòn đảo chính và trang web của hệ thống này cho biết chúng có thể được sử dụng để cảnh báo các vụ hỏa hoạn.

Trước đó, ngày 16/8, ông Andaya đã khẳng định năng lực của mình trong công việc mà ông đã đảm nhiệm từ năm 2017. Ông cho biết, dù không được bổ nhiệm nhưng ông đã được đánh giá kỹ lưỡng, tham gia kỳ thi công chức và được phỏng vấn bởi các nhà quản lý khẩn cấp dày dạn kinh nghiệm.

Đội tìm kiếm cứu hộ làm việc tại khu vực bị tàn phá bởi trận cháy rừng ở thị trấn lịch sử Lahaina, Hawaii.

Đội tìm kiếm cứu hộ làm việc tại khu vực bị tàn phá bởi trận cháy rừng ở thị trấn lịch sử Lahaina, Hawaii.

Ông Andaya trước đây từng là Phó Giám đốc Sở Gia cư và con người của quận Maui và từng là Chánh Văn phòng của cựu Thị trưởng quận Maui Alan Arakawa trong 11 năm. Ông cho biết trong thời gian đó, ông thường làm việc với “các trung tâm điều hành khẩn cấp” và tham gia nhiều khóa đào tạo. “Vì vậy, để nói rằng tôi không đủ trình độ, tôi nghĩ là không chính xác”, ông nói.

Cựu Thị trưởng quận Maui Alan Arakawa cho biết ông rất thất vọng trước việc từ chức “bởi vì bây giờ chúng tôi không còn một người thực sự đủ tiêu chuẩn”. Ông Arakawa cho biết ông Andaya đã được cơ quan quản lý nhân sự của quận đánh giá kỹ lưỡng và phù hợp công việc.

Tổng chưởng lý Hawaii Anne Lopez cho biết trước đó vào thứ Năm trong một tuyên bố rằng một tổ chức bên ngoài sẽ tiến hành đánh giá “độc lập, vô tư” về phản ứng của Chính quyền và các quan chức. Mục đích để “tạo điều kiện thuận lợi cho bất kỳ hành động khắc phục cần thiết nào và thúc đẩy sự chuẩn bị cho các trường hợp khẩn cấp trong tương lai”. Bà nói thêm rằng cuộc điều tra có thể sẽ mất nhiều tháng.

An Nguyên

Nguồn Công Lý: https://congly.vn/giam-doc-dich-vu-khan-cap-maui-tu-chuc-vi-khong-kich-hoat-coi-bao-chay-389559.html