Giám đốc Điều hành BYD Việt Nam: 'Cầu tăng trường xe điện tại thị trường Việt Nam lớn'

Đó là nhận định của ông Võ Minh Lực, Giám đốc Điều hành BYD Việt Nam tại hội thảo 'Giảm phát thải ngành ô tô- Nhiều lối đi, một đích đến' do Báo Đầu tư tổ chức ngày 29/8.

Ông Võ Minh Lực, Giám đốc Điều hành BYD Việt Nam chia sẻ. Ảnh Chí Cường.

Thị trường ô tô sẽ bùng nổ

Ông Võ Minh Lực, Giám đốc Điều hành BYD Việt Nam nhận định, dân số hiện tại của Việt Nam đạt gần 100 triệu dân và tỷ lệ dân số vàng chiếm phần lớn, tốc độ tăng trưởng kinh tế luôn ổn định ở mức cao, cơ sở hạ tầng đường cao tốc luôn được đầu tư và mở rộng một cách mạnh mẽ… Đây đều là những tiềm năng rất lớn cho ngành xe điện nói riêng và xe năng lượng mới nói chung.

“Cơ hội cho xe điện tại thị trường trăm triệu dân như Việt Nam rất lớn. Hiện tỷ lệ sở hữu ô tô tại Việt Nam là 55/1.000, tức cứ 1000 người có 55 người sử dụng ô tô. Tỷ lệ này so với các nước trong khu vực ASEAN còn thấp. Cầu tăng trưởng của thị trường ô tô điện Việt Nam còn lớn. Hàng năm có 3 triệu xe máy được tiêu thụ và phần lớn những người đang đi xe máy đều có nhu cầu chuyển sang ô tô. Thị trường ô tô năm 2024 có thể tăng trưởng không cao, nhưng sẽ bùng nổ trong thời gian tới”, ông Võ Minh Lực phân tích.

Theo Quyết định số 876/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về Chương trình chuyển đổi năng lượng xanh, giảm phát thải khí carbon và khí metan của ngành giao thông vận tải, mục tiêu tổng quát phát triển giao thông vận tải xanh hướng tới mục tiêu phát thải ròng khí nhà kính về “0” vào năm 2050. Lộ trình chuyển đổi năng lượng xanh đã được đề ra rõ ràng, áp dụng trong nhiều lĩnh vực khác nhau, bao gồm đường bộ, đường sắt, đường thủy nội địa, hàng hải, hàng không, giao thông đô thị.

Nghị định số 10/2022/NĐ-CP của Chính phủ quy định về lệ phí trước bạ, trong vòng 03 năm kể từ ngày Nghị định này có hiệu lực thi hành (01/03/2022), ô tô điện chạy pin được hưởng ưu đãi lệ phí trước bạ lần đầu với mức thu là 0%. Trong vòng 2 năm tiếp theo (từ 01/3/2025 đến 01/3/2027), nộp lệ phí trước bạ lần đầu với mức thu bằng 50% mức thu đối với ô tô chạy xăng, dầu có cùng số chỗ ngồi. Nghị định này đã tác động không nhỏ đến thị trường xe thuần điện tại Việt Nam khi liên tiếp có nhiều sản phẩm mới được giới thiệu đến người dân.

Bộ Giao thông Vận tải đưa ra đề xuất nhiều chính sách ưu đãi, hỗ trợ phát triển xe điện nhằm đạt được mục tiêu giảm phát thải môi trường. Cụ thể, Bộ Giao thông Vận tải kiến nghị 3 loại xe điện được hưởng hỗ trợ, ưu đãi phát triển gồm xe điện chạy pin, xe điện sử dụng pin nhiên liệu và ô tô năng lượng Mặt Trời. Bên cạnh đó, cần có cơ chế ưu đãi về thuế cho các doanh nghiệp sản xuất, lắp ráp, bảo dưỡng ô tô điện. Ngoài ra, Bộ Giao thông vận tải còn đề xuất miễn, giảm lệ phí trước bạ, lệ phí đăng ký biển số đối với người sử dụng xe ôtô điện; thúc đẩy tiếp cận tín dụng, trợ giá trực tiếp cho người mua xe; ưu tiên phát triển xe ôtô điện tham gia kinh doanh vận tải và ưu đãi vốn vay đối với các doanh nghiệp vận tải chuyển đổi sử dụng ôtô điện và trợ giá cao hơn đối với xe buýt điện.

"Cơ hội cho xe điện tại thị trường trăm triệu dân như Việt Nam rất lớn", ông Võ Minh Lực, Giám đốc Điều hành BYD Việt Nam chia sẻ tại hội thảo. Ảnh Dũng Minh

Việc chuyển đổi, phát triển giao thông xanh không đơn thuần giúp cải thiện môi trường mà còn là một trong những tiêu chí cần thỏa mãn để có thể trở thành đô thị xanh theo Hiệp định môi trường đô thị của Liên Hợp Quốc. Các tiêu chí đánh giá giao thông đô thị bền vững, giao thông xanh là quy hoạch đô thị và xây dựng hệ thống giao thông bền vững về mặt môi trường; phát triển hệ thống giao thông công cộng, ưu tiên các loại phương tiện giao thông sử dụng năng lượng tái tạo (năng lượng điện, pin mặt trời, gió, khí hydro, khí nén CNG)...

Phát triển giao thông xanh cần chính sách đồng bộ

Giám đốc Điều hành BYD Việt Nam cho rằng, bên cạnh những thuận lợi có được từ các chính sách đã được ban hành, việc phát triển giao thông xanh vẫn đang gặp phải nhiều khó khăn và thách thức như quy hoạch phát triển trạm sạc tại các đô thị chưa hợp lý khiến cho các nhà đầu tư khó triển khai; kết cấu hạ tầng giao thông chưa đáp ứng được nhu cầu chuyển đổi của người dân; chính sách hỗ trợ người dân chuyển đổi từ xe dùng động cơ truyền thống sang xe năng lượng mới vẫn chưa được triển khai mạnh mẽ và lộ trình chưa rõ ràng, đặc biệt tại các thành phố lớn; chính sách đầu tư hệ sinh thái xe điện vẫn chưa rõ ràng, khó thu hút nhà đầu tư một cách mạnh mẽ; hoạt động tuyên truyền, giới thiệu rõ lợi ích của xe điện cho người dân vẫn chưa được triển khai quyết liệt…

“Phát triển giao thông xanh tại Việt Nam cần sự đồng hành của nhiều đơn vị với nhau để có thể tiến xa hơn. Cần có các giải pháp, hành động cụ thể hơn nữa để giải quyết những khó khăn đang tồn đọng, từ đó thúc đẩy quá trình phát triển giao thông xanh. Cần phải mang đến một môi trường giao thông xanh đa dạng, phong phú ở nhiều lĩnh vực khác nhau. Điều này giúp người dân từng bước thay đổi thói quen, tạo ra xu hướng di chuyển xanh ngày càng bền vững hơn. Không dừng lại ở đó, việc xây dựng hệ thống hạ tầng phù hợp cũng giúp người dân dễ dàng tiếp cận giao thông xanh hơn, đi kèm là tạo nên một môi trường sống xanh đúng nghĩa. Cần bổ sung thêm các phương tiện thân thiện với môi trường vào cuộc sống, từng bước loại bỏ các phương tiện dùng nhiên liệu hóa thạch truyền thống để chuyển sang sử dụng các nhiên liệu thay thế như CNG, Hybrid, Hydrogen, thuần điện hoàn toàn… “, ông Võ Minh Lực kiến nghị.

Xanh hóa ngành ô tô tại Việt Nam không chỉ là một xu hướng mà còn là một đòi hỏi tất yếu để hướng tới sự phát triển bền vững. Những giải pháp chiến lược được đề xuất, từ việc xây dựng cơ sở hạ tầng sạc điện, khuyến khích đầu tư vào công nghệ sản xuất ô tô điện, đến việc triển khai các chính sách hỗ trợ người tiêu dùng, đều đóng vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy quá trình chuyển đổi này. Để hiện thực hóa mục tiêu xanh hóa ngành ô tô, cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa chính phủ, doanh nghiệp, đơn vị truyền thông và người tiêu dùng.

Đại diện BYD Việt Nam đề xuất Chính phủ cần tiếp tục hoàn thiện khung pháp lý và chính sách ưu đãi, doanh nghiệp cần đẩy mạnh đầu tư vào nghiên cứu và phát triển công nghệ mới, và người tiêu dùng cần thay đổi nhận thức và thói quen sử dụng phương tiện giao thông xanh. Các đơn vị truyền thông cần có thêm những nội dung để người dân Việt Nam hiểu thêm về lợi ích của xe điện ở nhiều mặt khác nhau liên quan đến chi phí sử dụng, tác động môi trường…

Với những nỗ lực đồng bộ này, Việt Nam không chỉ có thể giảm thiểu tác động tiêu cực đến môi trường mà còn tận dụng được cơ hội để phát triển kinh tế xanh, tạo dựng một ngành công nghiệp ô tô bền vững và cạnh tranh trên trường quốc tế.

"Tương lai của ngành ô tô Việt Nam nằm trong tầm tay, và việc thực hiện các chiến lược xanh hóa sẽ là chìa khóa mở ra cánh cửa hướng tới một nền công nghiệp ô tô tiên tiến, thân thiện với môi trường, và góp phần tích cực vào mục tiêu quốc gia về phát triển bền vững. BYD sẽ tiếp tục cố gắng hết sức để đóng góp vào sự phát triển nền kinh tế xanh của Việt Nam thông qua công nghệ và sản phẩm", ông Võ Minh Lực cho hay.

Tập đoàn BYD thành lập vào năm 1995, chính thức bước chân vào lĩnh vực sản xuất và phân phối ô tô từ năm 2003.

Sau hơn 30 năm, thương hiệu BYD đã có mặt tại 88 quốc gia và vùng lãnh thổ. BYD Việt Nam được thành lập tháng 1/2024, đã giới thiệu 3 mẫu xe ra mắt thị trường. Dự kiến trong tháng 10 và 11/2024, BYD giới thiệu thêm 3 mẫu xe mới tại Việt Nam.

Hải Minh

Nguồn ĐTCK: https://tinnhanhchungkhoan.vn/giam-doc-dieu-hanh-byd-viet-nam-cau-tang-truong-xe-dien-tai-thi-truong-viet-nam-lon-post352688.html