Giám đốc IEA, Fatih Birol: Cần xác định đâu là năng lượng cần ưu tiên phát triển

Chủ nhật tuần này, ngày 28/1, Rome tổ chức hội nghị thượng đỉnh Ý-Châu Phi có sự tham dự của hàng loạt nguyên thủ quốc gia từ lục địa đen. Nội dung của cuộc hội nghị xoay quanh các vấn đề di cư và ngoại giao năng lượng.

Giám đốc điều hành của Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA), Fatih Birol. Ảnh AFP

Giám đốc điều hành của Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA), Fatih Birol. Ảnh AFP

Ý hiện đang để mắt đến các mỏ khí đốt của châu Phi. Giám đốc điều hành của Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA), Fatih Birol, người có tiếng nói về quá trình chuyển đổi năng lượng, có mặt tại Rome. Với mục đích thúc đẩy sự phát triển của năng lượng tái tạo và mang lại lợi ích cho người dân châu Phi.

Theo ông Fatih Birol, trên thế giới hiện nay, khu vực châu Á và Mỹ Latinh hiện có mức tiêu thụ điện trên đầu người tăng đáng kể. Nhưng ở Châu Phi, điều đó không hề thay đổi suốt ba mươi năm qua. Điều này cho thấy để phát triển kinh tế, Châu Phi sẽ cần rất nhiều năng lượng. Đây cũng là một trong những chủ đề sẽ được thảo luận với các nguyên thủ quốc gia châu Phi.

Châu Phi có tiềm năng lớn về năng lượng mặt trời, nhưng việc lắp đặt quang điện vẫn chưa phổ biến

Lục địa châu Phi tập trung 60% bức xạ toàn cầu. Tuy nhiên, dù có diện tích rộng lớn nhưng lượng điện được sản xuất ở châu Phi cận Sahara nhờ lắp đặt năng lượng mặt trời chỉ bằng một nửa lượng điện mà Bỉ sản xuất từ loại năng lượng này. Theo ông Fatih Birol, tương lai của sản xuất điện ở châu Phi sẽ là năng lượng tái tạo, gồm năng lượng mặt trời, năng lượng gió, nhà máy thủy điện... Điều đó nói lên rằng, châu Phi cũng có những nhu cầu năng lượng khác. Ví dụ, để khử muối trong nước biển và tiếp cận nguồn nước, để chế biến thực phẩm, hóa dầu hoặc thậm chí cho các ngành công nghiệp, ông cho biết, lục địa này sẽ cần sử dụng khí đốt của mình một cách bền vững.

Khí đốt là một loại năng lượng hóa thạch góp phần vào sự nóng lên toàn cầu và dẫn đến các hiện tượng thời tiết cực đoan như lũ lụt, hạn hán... Hiện nay, Châu Phi thải ra 3% lượng khí nhà kính toàn cầu và theo tính toán: nếu lục địa này phát triển tất cả các nguồn khí đốt tự nhiên trong 10 năm, tỷ lệ khí thải của Châu Phi gây ra hiện tượng nóng lên toàn cầu có thể sẽ tăng lên 3,4%.

Kế hoạch xuất khẩu năng lượng của châu Phi

Ông Fatih Birol chia sẻ: “Tôi nghĩ rằng điều này trên hết sẽ mang lại lợi ích cho các nước châu Phi. Tôi ít quan tâm đến việc liệu điều này có mang lại lợi ích cho các nước châu Âu hay công ty của họ hay không, bởi vì châu Phi thực sự cần rất nhiều năng lượng. Tôi đã nói chuyện với nhiều nước châu Âu muốn sản xuất hydro xanh ở châu Phi để xuất khẩu sang châu Âu. Một số thậm chí còn nghĩ đến việc sản xuất điện ở châu Phi để cung cấp cho lục địa của họ”. Tuy nhiên, theo ông, châu Phi hiện vẫn cần nhiều năng lượng hơn châu Âu. Vì vậy, đáp ứng nhu cầu năng lượng của châu Phi vẫn nên là mục tiêu cần được ưu tiên hàng đầu.

Khi được đặt câu hỏi về việc các nguồn tài nguyên được khai thác trên lục địa này hầu hết đều được xuất khẩu và nhiều nước châu Phi có ý định kiếm ngoại tệ từ việc này. Ông nhấn mạnh rằng các quốc gia châu Phi cần ưu tiên nhu cầu trong nước rồi mới nghĩ đến xuất khẩu. “Trước tiên hãy nghĩ đến Châu Phi, người Châu Phi, sau đó mới đến nhu cầu của người Châu Âu hoặc Trung Quốc”, ông Birol nói.

Điện mặt trời ở châu Phi. Ảnh AFP

Điện mặt trời ở châu Phi. Ảnh AFP

Liệu cuộc chạy đua về khí đốt ở châu Phi có làm trì hoãn sự phát triển của năng lượng tái tạo?

Ông Fatih cho biết năng lượng tái tạo phải được ưu tiên lên hàng đầu. Lý do rất đơn giản: châu Phi có tiềm năng to lớn về năng lượng tái tạo và có chi phí tiết kiệm hơn than đá, khí đốt và cả hạt nhân. Đối với ông, năng lượng tái tạo vẫn là sự ưu tiên tuyệt đối: đầu tiên là năng lượng mặt trời, sau đó là thủy điện và cuối cùng là năng lượng gió.

Về các dự án thăm dò và khai thác dầu mỏ bất chấp những tác động có hại đến môi trường

Theo ông Fatih Birol, cần phải giảm khai thác và tiêu thụ dầu nếu muốn đạt được mục tiêu hạn chế sự nóng lên toàn cầu ở mức 1,5°. Nhưng điều đó không đồng nghĩa phải chấm dứt việc sử dụng dầu ngay lập tức, mà đó là việc tiêu thụ với mức độ giảm dần. Các doanh nghiệp đầu tư ngày nay cần phải tự hỏi: Nếu nhu cầu tiêu thụ dầu giảm, liệu đó có phải là quyết định đúng đắn hay không? Liệu việc đầu tư có thực sự mang lại lợi nhuận? Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) ước tính nhu cầu dầu sẽ đạt đỉnh trước năm 2030 và giảm sau đó. Khi nhiên liệu hóa thạch đang dần suy giảm, nếu có nhiều dự án dầu mới ở Châu Phi, Trung Đông và các nơi khác, lợi tức đầu tư có thể xuống mức âm. Do đó, chính phủ các nước cần phải có kế hoạch đầu tư trong dài hạn.

Anh Thư

AFP

Nguồn PetroTimes: https://nangluongquocte.petrotimes.vn/giam-doc-iea-fatih-birol-can-xac-dinh-dau-la-nang-luong-can-uu-tien-phat-trien-704725.html