Giám đốc phân tích Chứng khoán Yuanta: Áp lực call margin sẽ không như năm 2022

Hơn một năm trước, tình trạng call margin và bán giải chấp đã xảy ra khi thị trường liên tục đi xuống. Tuy nhiên, Giám đốc phân tích Chứng khoán Yuanta Việt Nam đánh giá bối cảnh hiện tại đã khác thời điểm giữa năm ngoái.

Thị trường chứng khoán Việt Nam kết thúc tuần giao dịch bằng một phiên bán tháo trên diện rộng, chốt phiên tại mức 1.177,99 điểm, giảm gần 56 điểm trong phiên và xóa sạch mức tăng của cả 4 tuần giao dịch trước đó cộng lại. Đồng thời, cú sụt sâu cũng khiến chứng khoán Việt Nam trở thành thị trường giao dịch tiêu cực nhất toàn cầu trong ngày 18/8.

Đi cùng mức giảm sâu về điểm số, thanh khoản cũng tăng vọt và xác lập mức kỷ lục về khối lượng cổ phiếu giao dịch trong phiên với 2 tỷ đơn vị “sang tay” trên ba sàn. Giá trị giao dịch đạt hơn 42.200 tỷ đồng, khá tiệm cận phiên kỷ lục 20/8/2021 (xấp xỉ 45.000 tỷ đồng).

Nguồn cung cổ phiếu lớn ồ ạt tung ra thị trường, nhất là khi VN-Index cắm đầu lao dốc, nhanh chóng “đâm thủng” mốc 1200 điểm. Cú sụt sâu là nỗi lo lớn đối với nhà đầu tư đang sử dụng các khoản vay ký quỹ (margin), đặc biệt với những cá nhân ở trạng thái ký quỹ vay quá mức không thể đặt thêm lệnh. Bài học vè áp lực call margin và giải chấp cổ phiếu hàng loạt trong thời gian dài cách đây hơn một năm vẫn còn đó.

Tuy nhiên, trong chia sẻ mới đây tại tọa đàm "Sóng chứng khoán 2023" do Chứng khoán Yuanta Việt Nam tổ chức sáng 19/8, ông Nguyễn Thế Minh - Giám đốc phân tích khối khách hàng cá nhân nhận định tình hình giải chấp tại các CTCK sẽ không xảy ra như năm 2022.

Theo ông Minh, tình trạng bán tháo xảy ra liên tục trong giữa năm 2022 có thể chia thành hai giai đoạn. Trong đó, ở giai đoạn 1, từ tháng 4/2022 – tháng 8/2022, nhà đầu tư nhỏ lẻ là đối tượng bị bán tháo cổ phiếu, do liên tục bình quân giá nhưng giá cổ phiếu tiếp tục giảm. Ở giai đoạn sau, đã nhà đầu tư lớn hay các cổ đông nội bộ dùng margin để “đỡ giá” cổ phiếu nhưng thị trường đi xuống tiếp tục là một phần nguyên nhân dẫn đến giải chấp ở quý IV/2022.

Ở thời điểm hiện tại, các công ty chứng khoán đã thận trọng hơn trong quản trị rủi ro. Dư nợ margin của nhóm cổ phiếu bất động sản trước đây từng chiếm 40% tổng margin nhưng nay không nhiều, mà tập trung ngân hàng chứng khoán, doanh nghiệp sản xuất.

“Hoạt động quản trị rủi ro tại các công ty chứng khoán đang rất chặt chẽ. Một trong các yếu tố mà các công ty chứng khoán xác định tỷ lệ cho vay là dựa trên tình hình cơ bản của doanh nghiệp. Do đó, sau khi kết quả kinh doanh quý II mà các doanh nghiệp công bố, có thể sẽ có những động thái để giảm tỷ lệ cho vay tại các nhóm ngành nó không hồi phục hay chưa tốt lại ngay như kỳ vọng”, ông Minh cho hay.

Có lo ngại về việc dư nợ margin trên vốn hóa thị trường đã trở lại mức đỉnh cũ. Tuy nhiên, ông Minh cũng nhấn mạnh vốn chủ sở hữu của các công ty chứng khoán đã mở rộng. Do đó, tỷ lệ trên chưa phản ánh tính rủi ro của thị trường. Trong khi đó, tỷ lệ margin/vốn chủ sở hữu vẫn thấp hơn quý II/2022. Vì vậy, theo ông Minh, dư địa margin còn rất lớn ở thời điểm hiện tại.

Tỷ lệ nợ vay ký quỹ/vốn chủ sở hữu vẫn thấp hơn nhiều giai đoạn quý II/2022 - Nguồn: Chứng khoán Yuanta

Tỷ lệ nợ vay ký quỹ/vốn chủ sở hữu vẫn thấp hơn nhiều giai đoạn quý II/2022 - Nguồn: Chứng khoán Yuanta

Với bối cảnh hiện nay, áp lực call margin tại các công ty chứng khoán sẽ không quá lớn. Tình trạng call margin và bán giải chấp sẽ không xảy ra kéo dài như năm 2022. Dù có thể xảy ra tại các kho, giá trị các khoản vay qua đây vẫn thấp hơn nhiều dư nợ cho vay margin qua các công ty chứng khoán.

Không loại trừ khả năng, động thái phản ứng sớm từ các kho là một trong các nguyên nhân khiến nguồn cung cổ phiếu tăng vọt. Tuy nhiên, theo ông Minh, các khoản cho vay ngoài công ty chứng khoán với tỷ lệ đòn bẩy lớn sẽ phản ứng rất nhanh. Nhất là với các trường hợp cho vay cổ phiếu bất động sản do các yếu tố cơ bản của doanh nghiệp ngành này vẫn chưa phục hồi trong khi giá cổ phiếu đã tăng nóng.

Do đó, dự báo về kịch bản thị trường trong tuần tới, ông Minh cho rằng chỉ số sẽ còn xuống tiếp ở đầu tuần tới nhưng sẽ lên ngay trong trong trong tuần. Hai ngưỡng cần quan tâm là mốc 1.160 điểm và ở kịch bản xấu hơn có thể là 1.125 điểm sau đó bật lên.

Ngoài nguyên nhân từ việc bán giải chấp khó có thể kéo dài và lặp lại như năm 2022, lý do khiến chuyên gia phân tích từ Yuanta kỳ vọng về sự hồi phục sớm của chỉ số đến từ cầu tiềm năng của thị trường. Giai đoạn từ tháng 5 đến tháng 7 vừa qua, vẫn còn nhà đầu tư thị trường quan sát và chờ đợi sự chắc chắn. Cùng đó, các kênh đầu tư khác như tiền gửi, trái phiếu chưa cho thấy nhiều sự hấp dẫn để thu hút dòng tiền tham gia.

Dự báo cho 4 tháng cuối năm, ông Minh cho rằng VN-Index sẽ bước vào sóng tăng 5. Sóng tăng này có thể bước tới 1.415 điểm. Tuy nhiên, sẽ không còn việc mua đâu thắng đó mà chiến lược chọn cổ phiếu sẽ khó khăn hơn giai đoạn các tháng trước.

Cho cả năm 2023, bộ phận phân tích của Chứng khoán Yuanta Việt Nam đưa ra 3 kịch bản cho VN-Index dựa trên giả định lãi suất huy động ngân hàng kỳ hạn 12 tháng khoảng 6,5% và tăng trưởng EPS 2023 trên sàn HoSE tăng 3% so với 2022. Trong đó, kịch bản có xác suất lớn nhất (50%) là Vn-Index đạt 1.265 điểm, tương ứng P/E đạt 15 lần. Kịch bản tích cực có xác suất kỳ vọng 40% là P/E tăng lên 18 lần và Vn-Index đạt 1.518 điểm. Kịch bản tiêu cực xác suất 10% P/E 10x và VN-Index đạt 885 điểm.

Thanh Thủy

Nguồn Đầu Tư: https://baodautu.vn/giam-doc-phan-tich-chung-khoan-yuanta-ap-luc-call-margin-se-khong-nhu-nam-2022-d196754.html