Giám đốc rởm với chiêu lừa kit test

Tự xưng là giám đốc và có lượng lớn kit test Covid-19 cần bán, Bùi Văn Hải đã lừa đảo hai phụ nữ để chiếm đoạt số tiền gần 700 triệu đồng.

Bùi Văn Hải chiếm đoạt tiền từ hành vi lừa bán kit test xét nghiệm Covid-19. Ảnh minh họa

Bùi Văn Hải chiếm đoạt tiền từ hành vi lừa bán kit test xét nghiệm Covid-19. Ảnh minh họa

Chiêu bài của giám đốc rởm

Ngày 12/10, Viện Kiểm sát nhân dân (KSND) TP Hà Nội đã hoàn tất cáo trạng truy tố bị can Bùi Văn Hải (SN 1995, trú tại xã An Đồng, huyện An Dương, Hải Phòng) về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” theo quy định tại Điều 174, Khoản 4, Điểm a - Bộ luật Hình sự.

Bị hại trong vụ án là chị Nguyễn Thị Thanh H (SN 1982, ở tỉnh Hưng Yên) và chị Nguyễn Thị D (SN 1990, ở TP Hà Nội).

Trước đó, vào ngày 31/5/2022 và 10/6/2022, Công an quận Long Biên (TP Hà Nội) nhận được đơn của chị Nguyễn Thị D và Nguyễn Thị Thanh H tố giác bị can Bùi Văn Hải có hành vi lừa đảo chiếm đoạt hơn 1 tỷ đồng của hai chị này.

Kết quả điều tra cho thấy, do cần tiền chi tiêu cá nhân, đầu năm 2022, Bùi Văn Hải đã nảy sinh ý định chiếm đoạt tài sản của người khác thông qua việc mua bán kit test Covid-19.

Bị can Bùi Văn Hải lên mạng xã hội copy ảnh các mẫu hàng kit test Covid-19 để quảng cáo, giới thiệu cho người mua. Thông qua người thân, Hải có số điện thoại của chị Nguyễn Thị Thanh H, là Trưởng trạm Y tế của một xã trên địa bàn tỉnh Hưng Yên.

Khi có số điện thoại, Bùi Văn Hải đã gọi điện, nhắn tin cho chị H để chào hàng kit test xét nghiệm Covid-19. Sau khi nghe Hải chào hàng, chị H đã liên hệ với bạn là chị Nguyễn Thị D để hỏi về giá kit test Covid-19 do Hải giới thiệu.

Qua trao đổi, chị D nói giá Hải đưa ra là rất hợp lý để mua. Do đó, chị H đã trao đổi, thỏa thuận đặt mua của Hải 2 thùng kit test Covid-19 nhãn hiệu Flowflex (tổng 1.600 kit test) với giá 96 triệu đồng.

Để yên tâm, chị H yêu cầu Hải gửi ảnh chụp căn cước công dân và gửi tài khoản ngân hàng của Hải để chị chuyển tiền. Sau đó, chị H chuyển khoản cho Hải số tiền trên. Nhận tiền, Hải hẹn đến ngày 26/2/2022 sẽ giao hàng cho chị H. Tuy nhiên khi đến hẹn, Hải thông báo với chị H không có hàng để giao và chuyển trả lại chị H số tiền trên (96 triệu đồng).

Đến ngày 27/2/2022, Hải nhắn tin, nói với chị H về việc đang có số lượng kit test lớn, nếu chị lấy theo đơn hàng cũ thì chuyển tiền luôn cho Hải, Hải sẽ giao hàng. Do tin tưởng, chị H đã chuyển cho Hải 96 triệu đồng. Sau khi nhận tiền, Hải hẹn đến chiều 1/3/2022 sẽ giao hàng. Đến hẹn, Hải không giao hàng cho chị H theo cam kết và không trả tiền cho chị.

Bị lừa tiền như “thôi miên”

Tương tự chị H, về phía chị D sau khi có được số điện thoại của Hải, chị đã liên hệ, hỏi mua kit test. Hải giới thiệu với chị D, Hải đang là Giám đốc Kinh doanh khu vực miền Bắc của Công ty Cổ phần kỹ thuật công nghiệp môi trường Tài nguyên xanh và đang có kit test Covid-19 số lượng lớn của nhiều hãng.

Tin là thật, chị D đặt mua của Hải 3.200 kit test Covid-19 của hãng Flowflex với giá thỏa thuận là gần 200 triệu đồng. Đến ngày 25/2/2022, chị D chuyển số tiền trên vào tài khoản của Hải. Sau khi nhận tiền, Hải hẹn đến ngày 27/2/2022 sẽ giao hàng. Đến chiều 26/2/2022, Hải gọi điện, nói với chị D là đang còn dư 2.000 kit test hãng Flowflex với giá 120 triệu đồng.

Chị D đồng ý mua lại số hàng trên và chuyển cho Hải 120 triệu đồng. Tổng số tiền chị D đã chuyển cho Hải là hơn 315 triệu đồng. Tối cùng ngày (26/2/2023), Hải gọi điện cho chị D nói không có hàng và chuyển toàn bộ số tiền trên trả lại chị D.

Đến tối 27/2/2022, Hải lại gọi điện cho chị D nói đang ở kho hàng tại Hải Phòng, nếu chị D lấy số lượng hàng trên thì ngày 28/2/2022 sẽ giao hàng. Chị D đồng ý và chuyển lại hơn 315 triệu đồng cho Hải.

Tiếp tục thủ đoạn cũ, Hải nhắn cho chị D mình đang còn dư nhiều loại kit test khác. Tin tưởng, chị D đã đồng ý mua thêm. Tổng số tiền chị D chuyển cho Hải để đặt mua kit test Covid-19 là hơn 560 triệu đồng.

Đến hẹn, Hải không giao hàng cho chị D theo cam kết. Chị D yêu cầu Hải trả tiền thì Hải nói dối mình bị người khác lừa nên không có hàng để giao, Hải đã gửi đơn trình báo Công an thành phố Hải Dương (tỉnh Hải Dương) để tìm người lừa Hải và hỏi vay chị D 20 triệu đồng. Chị D tin tưởng nên đã cho Hải vay số tiền trên. Tổng số tiền chị D giao cho Hải để đặt mua kit test và vay là 582 triệu đồng.

Như vậy, Bùi Văn Hải đã lừa đảo cả hai bị hại (chị Nguyễn Thị Thanh H và chị Nguyễn Thị D) số tiền gần 700 triệu đồng. Tại cơ quan điều tra, Bùi Văn Hải thừa nhận hành vi phạm tội của mình. Hải cũng khai nhận đã dùng toàn bộ số tiền chiếm đoạt được của các bị hại để đầu tư vào tiền ảo và hiện trang web tiền ảo đã bị sập.

Tương tự vụ việc trên, Công an tỉnh Bắc Ninh cho biết, Công an huyện Tiên Du cùng các đơn vị nghiệp vụ Công an tỉnh vừa phá chuyên án, triệt phá đường dây lừa đảo qua hình thức tự tạo lập các fanpage trên mạng xã hội Facebook mạo danh các bệnh viện lớn để bán thuốc.

Cụ thể, đối tượng Phạm Viết Trung (SN: 1995, ở Hoa Lư, tỉnh Ninh Bình) thuê 21 đối tượng để lập các fanpage có hình ảnh, logo của các bệnh viện như: Trung ương Quân đội 108, Quân y 103 nhằm thu hút những người bệnh có nhu cầu tìm hiểu chữa bệnh để lại thông tin cá nhân như họ tên, số điện thoại.

Sau đó, các đối tượng gọi điện, tự xưng là bác sĩ của hai bệnh viện để tư vấn, mời chào mua các liệu trình điều trị bệnh tiểu đường, huyết áp và quảng cáo là sản phẩm thuốc, thực phẩm chức năng độc quyền do các bệnh viện điều chế, sản xuất. Qua thủ đoạn trên, các đối tượng bán thuốc với số tiền gần 50 tỷ đồng của hơn 7.000 bị hại trên toàn quốc.

Đăng Chung

Nguồn GD&TĐ: https://giaoducthoidai.vn/giam-doc-rom-voi-chieu-lua-kit-test-post657394.html