Giám đốc Sở đối thoại, thông 'điểm nghẽn' nâng cao chất lượng giáo dục

Giám đốc Sở GD&ĐT Bắc Giang đã thẳng thắn trao đổi, trả lời những ý kiến của đại biểu quan tâm, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục.

Ông Tạ Việt Hùng - Giám đốc Sở GD-ĐT Bắc Giang trao đổi tại buổi đối thoại.

Ông Tạ Việt Hùng - Giám đốc Sở GD-ĐT Bắc Giang trao đổi tại buổi đối thoại.

Ngày 9/10, Sở GD-ĐT Bắc Giang tổ chức Hội nghị triển khai thực hiện Kết luận số 91 (ngày 12/8/2024) của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện Nghị quyết 29 (ngày 04/11/2013) của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI "về đổi mới căn bản, toàn diện GDĐT, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế".

Dấu ấn của đổi mới giáo dục

Tại hội nghị, ông Tạ Việt Hùng - Giám đốc Sở GD-ĐT nhấn mạnh, sau 10 năm triển khai thực hiện Nghị quyết 29-NQ/TW năm 2013 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI "Về đổi mới căn bản, toàn diện GDĐT, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế", ngành GD- ĐT nước ta nói chung và tỉnh Bắc Giang nói riêng đã đạt được nhiều kết quả quan trọng.

Tiêu biểu, cả nước đã hoàn thành phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em 5 tuổi, duy trì vững chắc, từng bước nâng cao chất lượng phổ cập giáo dục tiểu học và THCS. Giáo dục phổ thông chuyển hướng tích cực từ chủ yếu trang bị kiến thức sang phát triển toàn diện phẩm chất, năng lực người học, chất lượng giáo dục phổ thông đại trà và mũi nhọn ngày càng nâng cao. Giáo dục thường xuyên phát triển đa dạng về nội dung và hình thức. Phương pháp dạy - học và công tác thi, kiểm tra, đánh giá chất lượng giáo dục được đổi mới theo hướng hiện đại, ngày càng thực chất, hiệu quả hơn. Đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục cơ bản được chuẩn hóa, từng bước bảo đảm số lượng. Cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học được cải thiện, bước đầu đáp ứng yêu cầu đổi mới GD-ĐT.

 Quang cảnh buổi đối thoại.

Quang cảnh buổi đối thoại.

Tuy nhiên vẫn còn những hạn chế, bất cập, như: Việc thể chế hóa một số nội dung của Nghị quyết thành chính sách, pháp luật phục vụ đổi mới GD-ĐT, quy hoạch mạng lưới cơ sở giáo dục đại học chậm được ban hành; việc triển khai chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông mới còn gặp nhiều khó khăn. Trình độ ngoại ngữ, trong đó có tiếng Anh của lao động qua đào tạo còn thấp, chưa đáp ứng yêu cầu hội nhập quốc tế. Cơ cấu, số lượng đội ngũ nhà giáo ở nhiều địa phương chưa hợp lý, chất lượng chưa đồng đều, …

Kết luận 91-KL/TW được ban hành nhằm tiếp tục đẩy mạnh đổi mới căn bản, toàn diện GD-ĐT đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước trong giai đoạn mới, thích ứng với cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư và sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ số, trí tuệ nhân tạo đưa GD-ĐT Việt Nam đạt trình độ tiên tiến của khu vực châu Á vào năm 2030 và đạt trình độ tiên tiến của thế giới vào năm 2045.

Giám đốc Sở GD-ĐT Bắc Giang cũng nhấn mạnh về việc triển khai một số nội dung chính của Kết luận 91-KL/TW với 8 nhiệm vụ chính. Cụ thể, tiếp tục nâng cao nhận thức, tăng cường trách nhiệm lãnh đạo, chỉ đạo quán triệt và thực hiện đầy đủ, sâu sắc quan điểm coi GDĐT là quốc sách hàng đầu, là sự nghiệp của Đảng, Nhà nước và của toàn dân.

Tập trung rà soát, sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện cơ chế, chính sách, pháp luật về GDĐT, tháo gỡ những điểm nghẽn. Tiếp tục nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện ở các cấp học mầm non, phổ thông, giáo dục thường xuyên và giáo dục chính trị, tư tưởng cho học sinh, sinh viên. Tập trung đầu tư hiện đại hóa giáo dục nghề nghiệp, giáo dục đại học và nâng cao tiềm lực nghiên cứu khoa học trong các cơ sở GD-ĐT.

Tăng cường rà soát, sắp xếp, phát triển mạng lưới cơ sở giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông bảo đảm đủ trường, lớp học, nhất là ở các thành phố lớn, khu công nghiệp, khu vực đông dân cư và miền núi; phát triển hệ thống giáo dục ngoài công lập phù hợp với xu thế của thế giới và điều kiện ở Việt Nam.

Phát triển, nâng cao chất lượng, chuẩn hóa đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lý giáo dục các cấp; bảo đảm đủ số lượng giáo viên theo định mức quy định. Thực hiện chủ trương lương của nhà giáo được ưu tiên xếp cao nhất trong hệ thống thang bậc lương hành chính sự nghiệp và có thêm phụ cấp tùy theo tính chất công việc, theo vùng.

Tiếp tục đổi mới cơ chế quản lý, bảo đảm đủ điều kiện cơ sở vật chất và nguồn lực tài chính cho phát triển GD-ĐT; bảo đảm ngân sách nhà nước chi cho giáo dục, đào tạo tối thiểu 20% tổng chi ngân sách nhà nước.

Đẩy mạnh hội nhập quốc tế trong GD- ĐT đáp ứng yêu cầu nâng cao chất lượng nguồn nhân lực phục vụ phát triển đất nước trong giai đoạn mới. Tập trung nâng cao năng lực ngoại ngữ của học sinh, sinh viên, từng bước đưa tiếng Anh trở thành ngôn ngữ thứ hai trong trường học.

Tháo gỡ khó khăn, nâng cao chất lượng giáo dục

Đến nay, Sở GD- ĐT Bắc Giang đã nghiêm túc triển khai Kết luận số 91-KL/TW tại Đảng ủy và cơ quan Sở GD- ĐT cho toàn bộ cán bộ, đảng viên, nhân viên và người lao động; chỉ đạo các đơn vị trong toàn ngành nghiêm túc triển khai Kết luận số 91-KL/TW tới cán bộ, giáo viên và người lao động tại các cơ sở giáo dục trên địa bàn toàn tỉnh. Trong tháng 10 năm 2024, Sở GD&ĐT sẽ hoàn thiện xây dựng nội dung Dự thảo Kế hoạch triển khai Kết luận số 91-KL/TW ngày 12/8/2024 của Bộ Chính trị trình UBND tỉnh Bắc Giang phê duyệt.

 Đại biểu trao đổi, đặt câu hỏi tại hội nghị

Đại biểu trao đổi, đặt câu hỏi tại hội nghị

Tại hội nghị, Giám đốc Sở GD&ĐT Bắc Giang cũng trực tiếp tiếp xúc, đối thoại với đại diện cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, giáo viên, nhân viên, phụ huynh học sinh trong ngành giáo dục trên địa bàn tỉnh về việc thực hiện chế độ, chính sách đối với nhà giáo; những khó khăn, bất cập trong việc thực hiện nhiệm vụ GD-ĐT. Các đại biểu mạnh dạn nêu lên những thuận lợi, khó khăn, bất cập trong việc thực hiện chế độ, chính sách đối với nhà giáo, việc thực hiện nhiệm vụ của ngành Giáo dục.

Giám đốc Sở GD&ĐT đã thẳng thắn trao đổi, trả lời những ý kiến của các đại biểu về chế độ chính sách hỗ trợ cho các em học sinh khu vực miền núi, vùng kinh tế đặc biệt khó khăn; việc đánh giá viên chức hàng năm; khó khăn về cơ sở vật chất, đội ngũ, tài chính để đáp ứng yêu cầu dạy học phù hợp với Chương trình mới của các trung tâm GDNN-GDTX; việc định hướng nghề nghiệp cho học sinh sau khi học hết lớp 9 đáp ứng nhu cầu lao động về công nghiệp rất lớn của tỉnh;…

Đồng thời, tiếp thu ý kiến của các đại biểu để đề nghị cấp có thẩm quyền điều chỉnh, bổ sung những chủ trương, chính sách cho phù hợp. Bên cạnh đó, Sở GD&ĐT chỉ đạo tổ chức triển khai thực hiện hiệu quả các nhiệm vụ trọng tâm năm học 2024-2025 nhằm củng cố, nâng cao chất lượng GD-ĐT.

Đăng Chung

Nguồn GD&TĐ: https://giaoducthoidai.vn/giam-doc-so-doi-thoai-thong-diem-nghen-nang-cao-chat-luong-giao-duc-post704074.html