Giám đốc Sở GD&ĐT Tây Ninh kỳ vọng năm học mới với nhiều sự bứt phá
Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Tây Ninh nhận định, năm học 2024-2025 đánh dấu một giai đoạn đặc biệt đối với ngành giáo dục.
Năm học 2024-2025 là năm thứ 5 toàn ngành thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông 2018 và 11 năm thực hiện Nghị quyết số 29-NQ/TW về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, đáp ứng nhu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế.
Không chỉ các em học sinh, các bậc phụ huynh mà toàn xã hội đều đặt rất nhiều kỳ vọng vào ngành giáo dục sẽ khắc phục khó khăn, tiếp tục đổi mới sáng tạo trong dạy và học, thực hiện tốt chương trình giáo dục phổ thông 2018.
Nhân dịp năm học mới, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Tây Ninh đã dành cho phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam cuộc trò chuyện về phương hướng, nhiệm vụ cũng như những kỳ vọng của ông về năm học mới.
Năm đầu tiên học sinh thi tốt nghiệp theo chương trình giáo dục phổ thông 2018
Ông Nguyễn Văn Phước - Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Tây Ninh cho biết, năm học 2024-2025, ngành giáo dục tiếp tục triển khai thực hiện chương trình giáo dục phổ thông 2018 và dạy sách giáo khoa mới đối với học sinh lớp 5, lớp 9 và lớp 12 theo đúng lộ trình. Đặc biệt, năm nay cũng là năm đầu tiên thực hiện thi tốt nghiệp trung học phổ thông theo chương trình giáo dục phổ thông 2018. Chính vì thế, ông kỳ vọng năm học này tỉnh Tây Ninh nói riêng cũng như cả nước nói chung sẽ có sự bứt phá.
“Trong suốt 4 năm qua, chương trình giáo dục phổ thông 2018 đã trải qua nhiều sự thay đổi và cải cách. Các thầy cô giáo đã từng bước làm quen với các phương pháp giảng dạy và nội dung mới, từ đó đã giúp họ tích lũy được những kinh nghiệm quý báu để có thể tiếp cận và thực hiện chương trình giáo dục phổ thông một cách hiệu quả hơn.
Việc lựa chọn sách giáo khoa cho học sinh lớp 5, 9 và 12 có ý nghĩa hết sức quan trọng trong quá trình giáo dục bởi nó liên quan đến việc học sinh kết thúc cấp học cũ để bước vào một cấp học mới. Cụ thể, theo chương trình giáo dục phổ thông 2018 thì với lớp 5 sẽ kết thúc giai đoạn giáo dục nền tảng, lớp 9 kết thúc giai đoạn giáo dục cơ bản và lớp 12 kết thúc giai đoạn giáo dục nghề nghiệp. Chính vì vậy, ngoài việc đảm bảo tiến độ, công tác chọn sách giáo khoa phải được đảm bảo chất lượng, đạt yêu cầu đề ra.
Các bản mẫu sách giáo khoa năm nay cơ bản đáp ứng cấu trúc chương trình ở các môn học. Các nội dung thể hiện trong sách giáo khoa có sự tiếp thu chương trình cũ đồng thời cũng có nhiều điều chỉnh theo hướng phát triển phẩm chất, năng lực của học sinh, dễ học, dễ dạy, dễ kiểm tra, đánh giá và có nguồn học liệu dễ tìm, phong phú, hỗ trợ tốt việc dạy và học.
Tuy nhiên, các bản mẫu sách giáo khoa năm nay cũng còn một số hạn chế nhất định như một số nội dung, thuật ngữ chưa đảm bảo tính liên thông giữa các môn học, một số bản mẫu còn bị lỗi về mặt từ ngữ, hình ảnh…
Vì vậy, tôi hy vọng rằng với những kinh nghiệm đã được xây dựng trong suốt 4 năm qua, đội ngũ giáo viên sẽ tiếp tục nỗ lực hoàn thiện các phương pháp giảng dạy của mình, nâng cao chất lượng giảng dạy và đáp ứng tốt hơn các yêu cầu của chương trình giáo dục phổ thông mới”, ông Nguyễn Văn Phước bày tỏ.
Theo ông Phước, một trong những thay đổi lớn nhất hiện nay là cấu trúc đề thi của kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông theo chương trình giáo dục phổ thông 2018. Do đó, với cách kiểm tra, đánh giá mới, đề thi sẽ không dựa vào ngữ liệu của bất kỳ cuốn sách giáo khoa nào. Nhiệm vụ của học sinh là phải rèn luyện phẩm chất, năng lực, đáp ứng được yêu cầu cần đạt của chương trình. Như vậy, học sinh mới có thể vượt qua được các kỳ thi quan trọng sắp tới.
“Chúng tôi đang nỗ lực sắp xếp lại mạng lưới, quy mô trường, lớp một cách phù hợp; tăng cường công tác tuyển dụng và đào tạo, bồi dưỡng giáo viên nhằm đảm bảo quyền học tập của học sinh, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục, đáp ứng yêu cầu của chương trình giáo dục phổ thông 2018”, ông Phước cho hay.
Chuẩn bị tốt các điều kiện thực hiện hiệu quả chương trình giáo dục phổ thông mới
Ông Nguyễn Văn Phước cho biết, năm học 2024-2025, Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Tây Ninh xác định chủ đề năm học là kỷ cương, trách nhiệm, đổi mới sáng tạo, nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo. Đặc biệt, tỉnh phấn đấu thực hiện 12 nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm năm học 2024-2025 đã được Bộ Giáo dục và Đào tạo xác định.
Cụ thể, tập trung hoàn thiện thể chế, nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý nhà nước về giáo dục, đảm bảo công bằng trong tiếp cận giáo dục cho mọi đối tượng, quan tâm đến đối tượng là người dân tộc thiểu số, người sống ở miền núi, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn, vùng bãi ngang, ven biển hải đảo, trẻ mồ côi, trẻ em không nơi nương tựa, người khuyết tật, người thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo.
Nâng cao chất lượng giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông và giáo dục thường xuyên. Đồng thời, phát triển đội ngũ giáo viên, giảng viên và cán bộ quản lý cơ sở giáo dục bảo đảm đủ số lượng và nâng cao về chất lượng, đáp ứng yêu cầu đổi mới giáo dục và đào tạo.
Đặc biệt, sử dụng hiệu quả ngân sách nhà nước và huy động các nguồn lực đầu tư cho giáo dục, tăng cường công tác giáo dục chính trị, tư tưởng, giáo dục quốc phòng an ninh và giáo dục thể chất, y tế trường học.
Nâng cao chất lượng đào tạo nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao gắn với nghiên cứu khoa học và đổi mới sáng tạo và hội nhập quốc tế trong giáo dục.
Đẩy mạnh chuyển đổi số, cải cách hành chính trong toàn ngành. Đồng thời, tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra và xử lý vi phạm trong lĩnh vực giáo dục và đào tạo, tăng cường công tác truyền thông giáo dục, thực hiện hiệu quả các phong trào thi đua trong toàn ngành.
Giám đốc sở giáo dục và Đào tạo tỉnh Tây Ninh cho biết, hiện tại, nhiệm vụ trọng tâm trong năm học 2024-2025 của tỉnh là chuẩn bị tốt các điều kiện để triển khai hiệu quả chương trình giáo dục phổ thông 2018.
Theo ông Phước, hiện trên địa bàn tỉnh, tình trạng thiếu giáo viên vẫn còn tồn tại, chủ yếu nằm ở các môn học như Âm nhạc và Mỹ thuật.
Dù còn gặp không ít khó khăn nhưng ngành giáo dục tỉnh Tây Ninh và các nhà trường đã phối hợp linh hoạt, chủ động triển khai thực hiện tốt các mục tiêu đổi mới của chương trình.
Theo đó, ngành giáo dục tỉnh Tây Ninh đã chủ động thực hiện rà soát, điều chỉnh nhân lực rải đều ở các môn học, hoạt động giáo dục để có đủ giáo viên cốt cán cho tất cả môn học, hoạt động giáo dục theo chương trình giáo dục phổ thông 2018.
Đồng thời, trên cơ sở đội ngũ hiện có, Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Tây Ninh vẫn xác định rõ mục tiêu quan trọng của chương trình giáo dục phổ thông 2018 và thay sách giáo khoa mới cho lớp 5, lớp 9 và lớp 12. Từ đó, giao cho các phòng giáo dục và đào tạo trên địa bàn chủ động tính toán cân đối đội ngũ giữa các đơn vị và chỉ đạo các trường có kế hoạch, lựa chọn giáo viên đủ về số lượng, có năng lực chuyên môn tốt, giàu kinh nghiệm để phân công giảng dạy.
Ngoài ra, Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Tây Ninh đã và đang chỉ đạo quyết liệt, nỗ lực tăng cường cơ sở vật chất và trang thiết bị cần thiết nhằm đáp ứng yêu cầu của chương trình giáo dục phổ thông mới.
“Tôi tin tưởng rằng với sự quan tâm và hỗ trợ từ Bộ Giáo dục và Đào tạo, Tỉnh ủy, Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân, ngành giáo dục tỉnh Tây Ninh sẽ đi đúng hướng trong quá trình đổi mới chương trình giáo dục này và kỳ vọng đạt được những thành công đáng kể trong việc đào tạo nguồn nhân lực, góp phần vào sự phát triển nguồn nhân lực cho đất nước”, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Tây Ninh bày tỏ.
Ông Phước cũng nhấn mạnh, việc tuyên truyền, truyền tải thông tin về chương trình học mới đến các bậc phụ huynh là hoạt động hết sức cần thiết. Khi phụ huynh nắm bắt thông tin một cách đầy đủ, việc định hướng và hỗ trợ con cái theo đúng năng lực và sở trường của các em sẽ trở nên thuận lợi hơn, từ đó tạo ra những lợi thế lớn cho ngành giáo dục.