Giám đốc Sở GD&ĐT TP.Huế: Không khó triển khai quy định mới về dạy học thêm

Nhận định tích cực về quy định mới dạy học thêm, Giám đốc Sở GD&ĐT TP.Huế cho biết, không khó để triển khai quy định này tại địa phương.

Ảnh minh họa.

Ảnh minh họa.

Tổ chức thực hiện Thông tư 29 không phải vấn đề khó khăn

Ông Nguyễn Tân, Giám đốc Sở GD&ĐT TP.Huế nhận định: Từ trước đến nay, dạy thêm, học thêm và hoạt động quản lý công tác này luôn nhận được sự quan tâm không chỉ trong ngành Giáo dục mà toàn xã hội.

Năm 2012, Bộ GD&ĐT đã ban hành Thông tư 17/2012/TT-BGDĐT quy định về dạy thêm, học thêm; trên cơ sở đó, các địa phương cũng ban hành hướng dẫn thực hiện quy định về dạy thêm, học thêm trên địa bàn.

Tuy nhiên, những quy định đó chưa giải quyết một cách triệt để theo hướng phát huy tốt chất lượng, hiệu quả hoạt động dạy học trong nhà trường, cũng như quản lý hoạt động này. Tiêu cực về dạy thêm, học thêm đã ảnh hưởng đến vai trò của Ngành, đặc biệt là hình ảnh người thầy.

Thông tư số 29/2024/TT-BGDĐTcủa Bộ GD&ĐT quy định về dạy thêm, học thêm thay thế Thông tư 17/2012/TT-BGDĐT đã giải quyết được những vấn đề trên.

Từ góc độ quản lý giáo dục tại địa phương, ông Nguyễn Tân cho rằng, việc tổ chức thực hiện Thông tư 29 không phải vấn đề khó khăn.

Theo đó, Thông tư 29 nêu rõ trách nhiệm quản lý hoạt động dạy thêm, học thêm của UBND cấp tỉnh, Sở GD&ĐT, UBND cấp huyện, Phòng GD&ĐT, UBND cấp xã, trách nhiệm của Hiệu trưởng và các cơ sở dạy thêm…

Thông tư giúp địa phương, nhà trường thuận lợi hơn trong quản lý hoạt động dạy học và nâng cao chất lượng dạy học. Cụ thể, với dạy học thêm trong nhà trường, Thông tư quy định rõ 3 đối tượng được nhà trường tổ chức dạy học thêm; việc dạy thêm, học thêm trong nhà trường là thuộc trách nhiệm của nhà trường, không thu tiền.

Điều này đúng theo tinh thần dạy học vì sự tiến bộ của học sinh. Nếu các em chưa đạt, nhà trường có trách nhiệm bổ sung kiến thức cho đến khi đạt yêu cầu. Đây cũng là tinh thần của chương trình mới, cách đánh giá học sinh mới.

Việc dạy học thêm ngoài nhà trường cũng được quy định rõ ràng, cụ thể, thuận lợi hơn cho công tác quản lý của Hiệu trưởng, các cấp quản lý; cũng như thuận lợi hơn cho sự giám sát của xã hội với việc thực hiện quy định của người dạy thêm và việc tổ chức hoạt động dạy học thêm, buộc mọi người phải chấp hành nghiêm.

Có thể thấy rằng, Thông tư 29 đi vào cuộc sống sẽ giải quyết được tận gốc tiêu cực dạy học thêm; các nhà trường phải chăm lo nhiều hơn đến giáo dục chính khóa, nâng cao chất lượng dạy học trong nhà trường; tạo điều kiện, khích lệ học sinh tự học, phát huy nội lực bản thân và phát triển toàn diện, không chỉ học kiến thức văn hóa.

“Đã đến lúc chúng ta thấy cần xác định nhiệm vụ giáo dục trong nhà trường vẫn phải đặt lên hàng đầu. Nhà trường phải tổ chức dạy học thật nghiêm túc, bảo đảm tốt nhất chất lượng giáo dục chính khóa. Làm được như vậy từ tiểu học sẽ tạo một nền tảng tốt, giúp học sinh vững vàng ở các cấp học tiếp theo. Trên thực tế, thời gian qua, trong kỳ thi tốt nghiệp THPT, tuyển sinh vào ĐH, nhiều học sinh điểm cao, là thủ khoa nhưng không học thêm.

 Ông Nguyễn Tân, Giám đốc Sở GD&ĐT TP.Huế.

Ông Nguyễn Tân, Giám đốc Sở GD&ĐT TP.Huế.

Cơ sở để tham mưu kinh phí cho hoạt động dạy học thêm trong nhà trường

Thông tư 29 quy định kinh phí tổ chức dạy thêm, học thêm trong nhà trường sử dụng nguồn ngân sách nhà nước và các nguồn kinh phí hợp pháp khác theo quy định của pháp luật. Ông Nguyễn Tân cho rằng, quy định này thuận lợi cho ngành Giáo dục có cơ sở tham mưu lãnh đạo tỉnh/thành bổ sung thêm kinh phí cho ngành.

Thêm nữa, vì kinh phí dạy thêm lấy từ ngân sách nên các trường sẽ phải có giải pháp để học sinh học tốt, hoàn thành yêu cầu của chương trình; từ đó giảm số lượng em cần phải học bổ sung kiến thức, đồng nghĩa với việc tăng chất lượng giáo dục. Lý do, nếu để lượng học sinh phải bổ sung kiến thức nhiều, nhà trường sẽ phải tiêu tốn nhiều hơn tiền ngân sách.

“Sở GD&ĐT TP.Huế đã chỉ đạo Phòng Kế hoạch tài chính, các nhà trường rà soát lại nguồn kinh phí bổ sung phục vụ hoạt động dạy học tăng cường ôn thi vào lớp 10, thi tốt nghiệp THPT trên cơ sở đăng ký của học sinh; từ đó, Sở GD&ĐT tham mưu UBND Thành phố bổ sung kinh phí. Ngoài ra, kinh phí này không lớn nên nếu các trường sử dụng nguồn thu nhập tăng thêm, tiết kiệm chi cũng đủ bảo đảm”, Giám đốc Sở GD&ĐT TP.Huế cho hay.

Liên quan đến thời lượng dạy thêm trong nhà trường quy định tối đa 2 tiết/tuần, ông Nguyễn Tân nhận định là hợp lý, vì hiện nay các môn học chính khóa cũng chỉ bố trí từ 1 đến 4 tiết/tuần. Số tiết quy định đồng thời tính đếm đến điều kiện thời gian của nhà giáo, vì thầy cô không chỉ giảng dạy mà còn chuẩn bị giáo án, chấm bài và nhiều hoạt động chuyên môn khác…

Trách nhiệm của các cấp quản lý giáo dục là phải chú ý đến dung lượng, kiểm tra, đánh giá phù hợp với nội dung, yêu cầu cần đạt của chương trình; không đánh đố, không ra ngoài nội dung chương trình để đảm bảo học sinh học theo đúng chương trình, không cần học thêm vẫn sẽ vượt qua các kỳ kiểm tra, tuyển sinh.

Nhanh chóng đưa Thông tư 29 vào cuộc sống

Để triển khai thực hiện Thông tư 29 có hiệu quả, ông Nguyễn Tân thông tin những công việc ngành Giáo dục TP.Huế đã triển khai.

Cụ thể, Sở GD&ĐT chỉ đạo các nhà trường phổ biến các nội dung Thông tư 29 đến cán bộ quản lý, giáo viên, học sinh và phụ huynh học sinh. Yêu cầu các tổ chức, cá nhân có liên quan thực hiện nghiêm túc các nội dung của Thông tư 29.

Ngành Giáo dục tham mưu UBND thành phố chỉ đạo UBND các cấp, các cơ quan liên quan trong việc thực hiện các quy định về dạy thêm học thêm một cách nghiêm túc.

Sở GD&ĐT đồng thời chỉ đạo các nhà trường tăng cường các giải pháp nâng cao hiệu quả các giờ dạy chính khóa, hiệu quả của công tác chăm sóc, giáo dục học sinh.

“Trong Chương trình GDPT 2018, Bộ GD&ĐT đã quy định cụ thể số tiết/môn, đưa ra các yêu cầu cần đạt với từng môn học vừa sức với học sinh. Trách nhiệm của các nhà trường là tổ chức dạy, học làm sao học sinh đạt được các yêu cầu cần đạt đó, đồng thời hướng đến mục tiêu là phát triển phẩm chất và năng lực của học sinh (chứ không chỉ nặng về kiến thức).

Do vậy ngành Giáo dục sẽ tiếp tục quan tâm nâng cao năng lực, phương pháp giảng dạy của giáo viên, chỉ đạo đổi mới kiểm tra đánh giá, phát huy năng lực tự học của học sinh…”, ông Nguyễn Tân chia sẻ.

Ngoài ra, việc ứng dụng công nghệ thông tin để tăng cường mối liên hệ giữa nhà trường và phụ huynh học sinh cũng được Sở GD&ĐT lưu ý các nhà trường. Việc này nhằm giúp phụ huynh hiểu rõ hơn năng lực, sở trường và quá trình học tập của học sinh; từ đó xác định đúng đắn hơn nhu cầu học tập của con em.

Hiếu Nguyễn

Nguồn GD&TĐ: https://giaoducthoidai.vn/giam-doc-so-gddt-tphue-khong-kho-trien-khai-quy-dinh-moi-ve-day-hoc-them-post719599.html