Giám đốc VPBankS: Sóng nâng hạng có thể đẩy VN-Index vượt 1.400 điểm
Tại Hội thảo VPBankS Talk 4, ông Trần Hoàng Sơn, Giám đốc Chiến lược thị trường của VPBankS, đánh giá thị trường chứng khoán Việt Nam đang có nhiều triển vọng trong năm 2025, với các động lực từ tăng trưởng lợi nhuận, định giá thấp và sóng nâng hạng. Trong kịch bản thanh khoản trên 23.000 tỷ đồng mỗi phiên trong năm 2025, VN-Index được dự báo có thể vượt mốc 1.400 điểm.
Theo ông Trần Hoàng Sơn, bối cảnh kinh tế vĩ mô Việt Nam vẫn đang đi đúng hướng. Kết quả năm 2024 ghi nhận những tín hiệu lạc quan khi GDP quý III tăng 7,4% so với cùng kỳ, dẫn đầu khu vực ASEAN-6.
VPBankS dự báo GDP quý IV tăng 7,5 - 7,7%, đưa con số cả năm lên khoảng 6,8-7%, với động lực tiếp tục là công nghiệp, lượng khách du lịch quốc tế ấn tượng, dòng vốn FDI tích cực và xuất khẩu duy trì tăng trưởng dương.
Đối với 2025, nền kinh tế Việt Nam có thể đối diện với nhiều rủi ro, thách thức cũng như cơ hội, lợi thế. Đặc biệt là khi nước ta có nền kinh tế phụ thuộc lớn vào xuất khẩu và FDI. Điều này có thể anh hưởng bởi biến động từ các nền kinh tế lớn và các thị trường mới nổi. Ông Sơn dự báo GDP Việt Nam tăng trưởng 6,6 - 6,8% trong năm sau.
Với chính sách thuế quan của Tổng thống Mỹ Donald Trump, Việt Nam đang ở giữa Mỹ và Trung Quốc, khi vừa là thị trường xuất khẩu, vừa là bạn hàng của thị trường nhập khẩu. Do đó, theo ông Sơn, Việt Nam cần có những chính sách mềm mại hơn trong 2025. Dù vậy, đất nước hình chữ S được kỳ vọng đón những dòng vốn FDI mới.
Với lo ngại đồng USD sẽ mạnh lên bởi những cam kết về thuế quan của tân tổng thống Mỹ, tỷ giá sẽ chịu áp lực tăng trong 2025. Điều này sẽ gây nhiều khó khăn cho mục tiêu giảm lãi suất để hỗ trợ nền kinh tế của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam. Theo đó, lãi suất được ông Sơn dự báo đi ngang. Lãi suất cũng có thể tăng nhẹ về cuối năm nếu áp lực lạm phát gia tăng hoặc tăng trưởng tín dụng hồi phục mạnh.
Đối với triển vọng thị trường chứng khoán, ông Sơn đánh giá chu kỳ nới lỏng chính sách sẽ tiếp tục hỗ trợ thị trường. Mặc dù gặp nhiều yếu tố như tỷ giá tăng, khối ngoại bán ròng liên tiếp trong năm, thị trường chứng khoán Việt Nam vẫn xây dựng vững nền 1.200 - 1.300 điểm (đối với VN-Index), chờ thời điểm bứt phá với kỳ vọng nâng hạng diễn ra trong năm 2025.
VN-Index đã qua đáy và đang ở giai đoạn phản ứng và có thể đối mặt với các bẫy giảm giá. Thị trường đang ở thời kỳ đầu tăng trưởng khi niềm tin gia tăng, kinh tế tăng trưởng tích cực và lạm phát ổn định. Mặt khác, lãi suất ngắn hạn trung bình, lợi suất trái phiếu ổn định, hàng hóa cơ bản tăng và giá bất động sản bắt đầu tăng.
Tăng trưởng lợi nhuận là yếu tố thúc đẩy dòng tiền tham gia vào thị trường chứng khoán. Tổng doanh thu và lợi nhuận toàn thị trường 9 tháng đầu năm tăng lần lượt 10% và 21%, ghi nhận đà hồi phục sau giai đoạn tạo đáy trong 2023. Lợi nhuận tăng trưởng cao trong nhóm phi tài chính cho thấy bức tranh bối cảnh kinh doanh đã có sự thay đổi đáng kể cùng với đà phục hồi của nền kinh tế.
Bức tranh lợi nhuận của năm 2025 vẫn tiếp tục được dự bảo khả quan. Với tốc độ tăng trưởng lợi nhuận có thể đạt từ 25% - 30%, xu hướng phục hồi của kinh tế sẽ là động lực giúp các nhóm ngành tăng trưởng.
Theo vị chuyên gia này, đây là động lực thu hút dòng tiền vào thị trường, đặc biệt khi VN-Index đang ở mức thấp so với bình quân 10 năm.
Cụ thể hơn, định giá theo P/E forward và P/B của thị trường vẫn đang ở mức hấp dẫp hơn đáng kể so với khu vực MSCI Emerging và một số quốc gia trong khu vực. Bên cạnh đó, chỉ số ROE của Việt Nam cũng nằm trong các nước có ROE cao, đồng thời P/E cũng ở mức hấp dẫn.
P/E hiện tại của VN-Index đang ở mức 14,9 lần, thấp hơn trung vị 10 năm gần đây ở mức 16,6 lần. Việt Nam đang ở mức hấp dẫn cho một chu kỳ tăng trưởng mới. Với dự báo lợi nhuận tiếp tục hồi phục, mức định giá hợp lý vẫn là cơ sở để thu hút dòng tiền tham gia trở lại thị trường chứng khoán.
Cùng với đó, triển vọng nâng hạng là điểm sáng cho thị trường năm 2025. Giám đốc VPBankS dự báo dòng tiền sẽ tăng cao trở lại vào nửa cuối 2025. Đây là thời điểm thị trường gần được nâng hạng, kích hoạt dòng tiền cả khối nội và khối ngoại tích cực tham gia.
Thanh khoản thị trường được dự phóng cho năm 2025 ở mức trên 23.000 tỷ đồng mỗi phiên, cao hơn so với 21.252 tỷ đồng của 2024 (ước tính). Với mức thanh khoản này, VN-Index được dự báo dao động quanh 1.341 điểm, lạc quan có thể đạt 1.419 điểm.
Còn trong ngắn hạn cuối 2024 qua đầu 2025, VN-Index dự kiến tiếp tục đi ngang khi thanh khoản còn thấp, dòng tiền nước ngoài vẫn rút ròng. Vùng trũng có thể rơi vào khoảng tháng 4-5-6, tạo điều kiện cho nhà đầu tư giải ngân và chốt lời vào cuối năm (trong kịch bản nâng hạng kích hoạt dòng tiền gia tăng).
Bàn về tiến trình nâng hạng, FTSE sẽ đánh giá hiệu quả của Thông tư 68 cho đến tháng 3/2025. Trong năm tới, vấn đề VPBankS đánh giá cao hơn là thành lập CCP (trung tâm thanh toán bù trừ tập trung). Bởi nếu làm được CCP, ông Sơn cho rằng đến tháng 9 Việt Nam sẽ đạt tiêu chí của FTSE.
Nếu được nâng hạng, thị trường chứng khoán sẽ thu hút khoảng 1,7 tỷ USD vốn thụ động. VPBankS dự phóng thị trường còn thu hút 6 - 7 tỷ USD vốn chủ động.
Ông Sơn dẫn thống kê từ Bloomberg, hầu hết các thị trường đều chứng kiến sự tăng trưởng đáng kể về dòng vốn nước ngoài khi chính thức được nâng hạng, bất kể theo tiêu chí của FTSE hay MSCI. Số liệu thống kê cho thấy dòng vốn thường tăng gấp 5 - 7 lần so với bình quân giai đoạn trước khi được nâng hạng.