Giảm gánh nặng chi phí cho doanh nghiệp
Chính phủ nên suy nghĩ về những giải pháp hỗ trợ chi phí, dòng tiền, để ít nhất doanh nghiệp có thể cầm cự được trong bối cảnh khó khăn và chờ cơ hội, khi có thị trường trở lại thì họ phục hồi.
Thời gian vừa qua, sau khi tiếp xúc các cử tri, người dân, doanh nghiệp, tôi cảm thấy được những khó khăn chung và rất chia sẻ những khó khăn đó với nền kinh tế. Đồng thời chia sẻ với Quốc hội, Chính phủ, các Bộ ngành, các địa phương trong việc tìm kiếm giải pháp để hỗ trợ doanh nghiệp một cách phù hợp, kịp thời.
Đây là một thách thức không dễ dàng tháo gỡ trong bối cảnh nhu cầu nhiều mà nguồn lực hạn chế và những thách thức đôi khi nằm ngoài khả năng giải quyết của chúng ta, như vấn đề về đơn hàng, cạnh tranh quốc tế...
Tại kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV, trên nghị trường, rất nhiều vấn đề đã được làm rõ, là những khó khăn ở đâu, khó khăn như thế nào và tại sao lại khó khăn. Rất nhiều kiến nghị đã được đưa ra, nhưng thách thức lớn nhất lúc này là nếu chúng ta phải chọn một số ít giải pháp chứ không thể chọn được tất cả, thì sẽ chọn giải pháp gì?
Hiện nay, với những vấn đề của doanh nghiệp gặp phải, chúng tôi rất mong muốn Chính phủ suy nghĩ về những giải pháp hỗ trợ chi phí, dòng tiền, để ít nhất doanh nghiệp có thể cầm cự được trong bối cảnh khó khăn này và chờ cơ hội, khi có thị trường trở lại thì họ phục hồi. Các giải pháp điển hình như giảm thuế VAT, trợ cấp cho người lao động giúp san sẻ gánh nặng trực tiếp cho doanh nghiệp. Vì vậy, Chính phủ, Quốc hội cũng đang suy nghĩ để có hành động cụ thể, bên cạnh những hành động đã thực thi như giãn hoãn thuế, tiền thuê đất.
Tuy nhiên, tôi cũng quan tâm nhiều hơn đến một số giải pháp mà tôi cho rằng nó phù hợp với Việt Nam. Giải pháp này không đòi hỏi những nguồn lực tài chính như chính sách tài khóa, đó là bên cạnh khó khăn chung, doanh nghiệp cũng cảm nhận được những rào cản về mặt pháp lý, thể chế, khiến một số hoạt động kinh doanh không thể tiếp tục triển khai, một số hoạt động kinh doanh bị đình hoãn.
Đồng thời xuất hiện những lo lắng về thể chế mới có thể được ban hành, tạo thêm gánh nặng chi phí. Ví dụ vừa qua 14 Hiệp hội đã ký chung một lá đơn lo ngại về Dự thảo quy định định mức tái chế, để tính toán khoản kinh phí mà doanh nghiệp phải nộp vào Quỹ Bảo vệ môi trường.
Đặc biệt, có rất nhiều vấn đề chúng ta đã phát hiện ra nhưng chưa giải quyết được kịp thời, như câu chuyện về đăng kiểm. Cho đến nay, mọi thứ vẫn đang được thảo luận, dự kiến sẽ có phương án, nhưng việc tắc nghẽn về đăng kiểm gây thiệt hại rất nhiều cho nền kinh tế, không chỉ xe cá nhân mà cả hoạt động kinh doanh vận tải và ảnh hưởng đến sản xuất kinh doanh.
Về mặt giải pháp, thứ nhất, Chính phủ nên tập trung mọi nỗ lực cùng các bộ ngành địa phương giải quyết dứt điểm những vướng mắc dưới khái niệm thể chế, như các vấn đề về phòng cháy chữa cháy, đăng kiểm,...
Thứ hai, là việc ban hành các quy định mới có nguy cơ làm gia tăng chi phí cho doanh nghiệp, thì nên tập trung kiểm soát tốt hơn. Cá nhân tôi cho rằng, trong thời gian tới Chính phủ không nên ban hành thêm các quy định làm tăng chi phí cho doanh nghiệp. Còn trong trường hợp phải ban hành vì yêu cầu của luật, của cam kết quốc tế, thì nên có cơ chế hỗ trợ kinh phí, chi phí cho doanh nghiệp trong việc tuân thủ quy định. Đây là các hỗ trợ thiết thực nhất.
Thứ ba, một vấn đề nữa là chúng ta đang gặp phải đó là thách thức về mặt chính sách từ bên ngoài. Đơn cử như thuế tối thiểu toàn cầu, thuế carbon, điều này có tác động rất lớn đến các doanh nghiệp trong nỗ lực tìm kiếm thị trường, cạnh tranh quốc tế.
Cụ thể, Chính phủ có thể hỗ trợ doanh nghiệp trong việc kiểm đếm, chứng nhận CO2 giúp doanh nghiệp có thể xuất khẩu. Việc này tốt ở hai mục tiêu là vừa hỗ trợ khó khăn cho doanh nghiệp, nhưng lại vừa có tính dài hạn để doanh nghiệp có cơ hội phục hồi và tăng trưởng khi thời cơ đến.
Chúng tôi quan sát thấy rằng, về mặt hành động thì cả Chính phủ và các Bộ ngành đều đang hành động rất quyết liệt, mạnh mẽ trong việc cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh. Nhưng ngược lại cảm nhận của doanh nghiệp thì kết quả đang không được cải thiện, thậm chí bị giảm đi.
Trong khảo sát của Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), cảm nhận về kết quả cải thiện môi trường kinh doanh đã thực sự giảm xuống. Đây là điểm rất đáng lưu ý, vì có thể chúng ta đang làm nhưng vấn đề là cách làm đó đã phù hợp chưa và quan trọng nhất vẫn là thước đo cảm nhận của cộng đồng doanh nghiệp.
Hiện nay, dư địa cho chính sách tài khóa hỗ trợ doanh nghiệp cũng có, nhưng không vô hạn vì còn phụ thuộc vào nguồn lực và các cân đối vĩ mô khác. Song nếu tập trung vào việc cải thiện môi trường kinh doanh, thì nó là vô hạn, nghĩa là chúng ta có một không gian rất rộng để có thể làm tốt hơn cả sự mong đợi của doanh nghiệp.
Trước mắt, Thủ tướng Chính phủ nên có những chỉ đạo kịp thời bằng các công lệnh, chỉ thị trong các Nghị quyết, tập trung vào kiểm soát những quy định đang tạo thêm gánh nặng chi phí.
Thực tế, quy định không chỉ tạo ra thủ tục mà còn tạo ra chi phí lớn. Ví dụ, với Dự thảo quy định định mức chi phí tái chế, nếu doanh nghiệp không tự tái chế sản phẩm bao bì sẽ phải nộp một khoản kinh phí được tính toán bằng tiền hằng năm cho Quỹ Bảo vệ môi trường để thông qua đó thực hiện tái chế. Chi phí này rất lớn, có những doanh nghiệp phải nộp hàng chục tỷ đồng, thậm chí lên đến hàng trăm tỷ đồng.
Nguồn PetroTimes: https://petrotimes.vn/giam-ganh-nang-chi-phi-cho-doanh-nghiep-687148-687148.html