Giảm gánh nặng thuế thu nhập cho dân

Dự báo chỉ số giá tiêu dùng (CPI) năm 2025 sẽ biến động, Bộ Tài chính có kế hoạch báo cáo Chính phủ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội điều chỉnh mức giảm trừ gia cảnh tính thuế thu nhập cá nhân vào tháng 10 tới. Lãnh đạo Cục Quản lý, giám sát thuế phí và lệ phí cho biết như vậy tại cuộc họp báo thường kỳ ngày 7.1 của Bộ Tài chính. Thông tin này khiến người dân rất đỗi vui mừng, thậm chí không ít người 'bình chọn' đây là 'tin vui nhất trong ngày'.

Tâm trạng vui mừng đó cũng dễ hiểu, bởi mức giảm trừ gia cảnh cho cá nhân người lao động, cho người phụ thuộc đã “lạc hậu” từ lâu. Từ tháng 7.2020 đến nay, mức giảm trừ gia cảnh với người lao động là 11 triệu đồng/tháng, với mỗi người phụ thuộc là 4,4 triệu đồng/tháng. Định mức này không còn phù hợp nữa, vì từ đó tới nay giá cả tăng liên tục. Ở thành phố, thật khó, nếu không muốn nói là không thể, nuôi một đứa trẻ ăn, học chỉ với 4,4 triệu đồng mỗi tháng! Và với ngưỡng chịu thuế thấp như hiện nay thì phần tăng lương của Nhà nước những lần gần đây lại chuyển thành tăng nghĩa vụ đóng góp vào thuế.

Sự bất hợp lý này, người dân, đại biểu Quốc hội, chuyên gia kinh tế đã đề cập nhiều trong suốt thời gian qua. Trong dự thảo Tờ trình đề nghị Chính phủ xây dựng dự án Luật Thuế thu nhập cá nhân (thay thế) - bản được công bố để lấy ý kiến góp ý - Bộ Tài chính cũng cho rằng, các quy định về giảm trừ gia cảnh cần được rà soát, sửa đổi phù hợp với điều kiện mới, với sự biến động của giá cả và mức sống dân cư.

Tuy nhiên, theo kế hoạch thì năm 2025 mới sửa Luật Thuế thu nhập cá nhân. Cụ thể, theo lộ trình Bộ Tài chính đề xuất, dự thảo Luật Thuế thu nhập cá nhân mới sẽ được trình Quốc hội cho ý kiến lần đầu tại Kỳ họp tháng 10.2025, và xem xét thông qua tại Kỳ họp tháng 5.2026. Như vậy, khả năng đến năm 2027 Luật mới có hiệu lực và gánh nặng thuế sẽ chất trên vai người dân ít nhất hai năm nữa. Trong bối cảnh đó, việc Bộ Tài chính có kế hoạch báo cáo Chính phủ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội điều chỉnh mức giảm trừ gia cảnh tính thuế vào tháng 10 tới đây, thực sự là một tin vui với người làm công ăn lương (chiếm chủ yếu) và từ cá nhân kinh doanh. Gánh nặng thuế sẽ sớm nhẹ trên vai họ thay vì đợi một vài năm nữa!

Sửa đổi ngưỡng chịu thuế lần này cần phải tính toán lại việc thu thuế thu nhập cá nhân theo hướng: không đánh thuế với nhóm người có thu nhập chỉ đủ đáp ứng nhu cầu thiết yếu; thu thuế thấp với nhóm người có thu nhập đáp ứng được nhu cầu sống trung bình và chỉ thu thuế cao đối với nhóm người có mức sống cao thật sự. Làm được như vậy, người lao động sẽ có động lực lao động và đóng thuế tốt hơn; đồng thời vẫn giúp cải thiện chất lượng cuộc sống của họ.

Hơn nữa, trong bối cảnh hiện nay, việc tăng mức giảm trừ gia cảnh, qua đó làm tăng thu nhập trong dân cư, không chỉ giúp người dân bớt khó khăn mà còn kích thích chi tiêu của người dân, kích thích sản xuất ở chu kỳ sản xuất tiếp theo. Thực tế, đối tượng chịu thuế thu nhập cá nhân hiện nay đã tăng lên rất nhiều so với trước. Điều này thể hiện ở số thu thuế tăng mạnh qua các năm. Năm 2023, số thu thuế thu nhập cá nhân đạt 147.113 tỷ đồng, chiếm 9% tổng thu ngân sách nhà nước. Năm 2011, tỷ lệ này chỉ vào khoảng 5,33%. Năm 2024, số thu từ thuế thu nhập cá nhân ước khoảng 189.000 tỷ đồng, vượt dự toán cả năm khoảng 30.000 tỷ đồng. Vì thế, việc nâng mức giảm trừ gia cảnh sẽ có tác động lan tỏa trên diện rộng, nghĩa là kích thích chi tiêu của người dân, kích thích sản xuất ở chu kỳ sản xuất tiếp theo trên diện rộng, qua đó đóng góp nhiều hơn cho tăng trưởng kinh tế.

Cẩm Phô

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/giam-ganh-nang-thue-thu-nhap-cho-dan-post401476.html