Giảm gánh nặng, tránh tốn kém

Nâng ngạch, thăng hạng viên chức vẫn luôn là những vấn đề 'nóng' nhận được sự quan tâm của dư luận. Nhiều vấn đề vẫn đang đặt ra về phương thức triển khai cho phù hợp thực tiễn.

Trong quá trình ban hành các quy định liên quan, Bộ Nội vụ cũng đã và đang tập trung xem xét, đề xuất để giảm bớt các thủ tục, với mục tiêu cải cách công vụ, nâng cao chất lượng thực tiễn của đội ngũ.

Đổi mới phương thức quản lý đội ngũ công chức, viên chức nghề nghiệp cũng đã được nhắc đến từ lâu nhằm giảm bớt các “giấy phép con”, giảm tốn kém kinh phí… Trong thời gian qua, một số Bộ cũng có những quy định sửa đổi, bãi bỏ một số quy định liên quan đến chứng chỉ tin học, ngoại ngữ trong tiêu chuẩn đào tạo và bồi dưỡng, tuyển dụng, chỉ yêu cầu bằng cấp chuyên môn phù hợp vị trí việc làm. Đây là việc rất đáng mừng và được đón nhận, bởi việc cắt giảm những chứng chỉ phiền hà trong công tác cán bộ mang lại hiệu quả cao trong thực tiễn.

Vừa qua, Bộ Nội vụ tiếp tục ban hành Thông tư 12/2023/TT-BNV bãi bỏ một số thông tư do Bộ trưởng Bộ Nội vụ ban hành quy định về tuyển dụng công chức, viên chức, nâng ngạch công chức, thăng hạng viên chức và thực hiện chế độ hợp đồng một số loại công việc trong cơ quan hành chính Nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập, có hiệu lực từ ngày 1/10/2023.

Đây là những quy định không còn phù hợp với quy định hiện hành. Đồng thời với đó, trong dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung các quy định về cán bộ, công chức, viên chức, Bộ Nội vụ cũng đề xuất bỏ quy định về thi thăng hạng chức danh nghề nghiệp viên chức (giữ xét thăng hạng) và tiếp tục phân cấp thẩm quyền về thi nâng ngạch công chức, xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp viên chức.

Đây là vấn đề đang được dư luận rất chờ đợi, bởi sẽ tạo ra những tác động lớn, liên quan đến đổi mới về phương thức quản lý viên chức và thẩm quyền của tất cả các bộ, ngành, địa phương. Không ai có thể phủ nhận mục đích của việc thi thăng hạng nhằm nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, nâng thu nhập cho viên chức và không cào bằng.

Thế nhưng chính Bộ Nội vụ cũng như thực tế cũng đã chỉ ra, việc tổ chức thi thăng hạng viên chức lâu nay có đôi lúc còn hình thức, chưa sát với vị trí việc làm và đặc thù công việc của từng chức danh nghề nghiệp. Hơn thế nữa, với số lượng viên chức rất lớn (khoảng trên 1,8 triệu người) hoạt động trong nhiều lĩnh vực, ngành, nghề, việc tổ chức các kỳ thi thăng hạng hàng năm gây áp lực, tốn kém.

Cá biệt, một số nơi xảy ra vi phạm, tiêu cực và không đáp ứng được yêu cầu nâng cao chất lượng đội ngũ viên chức. Đồng thời, phương thức tổ chức cũng không đồng bộ ở các địa phương, ngành với nhau, bởi có nơi thì nhiều năm tổ chức thi, lại có đơn vị chỉ xét thăng hạng, điều này khiến các viên chức băn khoăn.

Cùng với việc bãi bỏ những quy định không còn phù hợp, đã lạc hậu, việc bỏ thi thăng hạng chức danh nghề nghiệp viên chức, chỉ giữ hình thức xét tuyển được nhận định là cần thiết. Tuy nhiên, để tránh đi tình trạng cảm tính, không công bằng, cũng cần có những quy định cụ thể, minh bạch kèm theo; xây dựng bộ tiêu chí xét tuyển đồng bộ về cả trình độ, năng lực kỹ năng, kinh nghiệm công tác… Từ đó, để việc xét thăng hạng mới được đúng đối tượng, bố trí vào đúng vị trí việc làm.

Nhưng đúng như người đứng đầu ngành Nội vụ đã nói, Bộ đang tính toán một vài năm nữa sẽ đề xuất bỏ cả thi và xét thăng hạng viên chức để trả lương theo vị trí việc làm. Bởi trên thế giới không có nước nào thi hay xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp viên chức. Đây có lẽ là một hướng đi phù hợp nhất để giảm được áp lực thi cử, tránh tốn kém nhưng vẫn bảo đảm yêu cầu về chất lượng.

Trần Hà

Nguồn KTĐT: https://kinhtedothi.vn/giam-ganh-nang-tranh-ton-kem.html