Giảm giá, tạo điều kiện cho người thu nhập thấp có khả năng mua nhà ở xã hội

Theo Luật Thủ đô, Hội đồng nhân dân Thành phố quy định cơ chế, chính sách, biện pháp ưu đãi, hỗ trợ đối với dự án phát triển nhà ở, nhà lưu trú bố trí cho người lao động làm việc tại khu công nghệ cao, khu công nghiệp trên địa bàn thành phố.

Xem xét phê duyệt chủ trương đầu tư 2 dự án

Trong Luật Thủ đô năm 2024, chính sách phát triển nhà ở có nhiều điểm mới. Cụ thể, Luật quy định chương trình, kế hoạch phát triển nhà ở trên địa bàn thành phố phải phù hợp với Quy hoạch Thủ đô, Quy hoạch chung Thủ đô. Ưu tiên đầu tư xây dựng các khu đô thị, nhà ở, các khu nhà ở xã hội độc lập theo hướng hiện đại, thuận tiện, đồng bộ với việc xây dựng hạ tầng kỹ thuật đô thị và hạ tầng xã hội.

Hội đồng nhân dân Thành phố quyết định sử dụng ngân sách Thành phố để đầu tư xây dựng các công trình hạ tầng kỹ thuật khung, hạ tầng xã hội thiết yếu trong các dự án đầu tư xây dựng nhà ở xã hội độc lập.

Trường hợp không lựa chọn được chủ đầu tư dự án cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư theo quy định của pháp luật về nhà ở, thì Ủy ban nhân dân Thành phố quyết định thu hồi đất nhà chung cư, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư và tổ chức đấu giá quyền sử dụng đất sau khi có từ hai phần ba tổng số chủ sở hữu nhà, người sử dụng đất trong phạm vi ranh giới dự án trở lên đồng thuận.

Số tiền thu được từ việc đấu giá quyền sử dụng đất lớn hơn số tiền chi cho công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư tiếp tục được phân chia và chi trả cho từng chủ sở hữu nhà, người sử dụng đất.

Cũng theo Luật, Hội đồng nhân dân Thành phố quy định cơ chế, chính sách, biện pháp ưu đãi, hỗ trợ đối với dự án phát triển nhà ở, nhà lưu trú bố trí cho người lao động làm việc tại khu công nghệ cao, khu công nghiệp trên địa bàn thành phố...

Theo Sở Xây dựng Hà Nội, để tăng cường việc đầu tư xây dựng nhà ở xã hội nhằm dự phòng bù đắp chỉ tiêu (căn hộ) còn thiếu nhằm đáp ứng chỉ tiêu đã được giao tại Đề án “Đầu tư xây dựng ít nhất 1 triệu căn hộ nhà ở xã hội cho đối lượng thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp giai đoạn 2021 - 2030” của Chính phủ và gối đầu triển khai đầu tư nhà ở xã hội sau năm 2030, Ủy ban nhân dân Thành phố tập trung chỉ đạo lập, phê duyệt chủ trương đầu tư 4 dự án khu nhà ở xã hội độc lập (tập trung) với khoảng 1 triệu m2 sàn, làm cơ sở để tổ chức đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư theo quy định.

Khu nhà ở dành cho công nhân tại xã Kim Chung (huyện Đông Anh). Ảnh: Mai Quý

Khu nhà ở dành cho công nhân tại xã Kim Chung (huyện Đông Anh). Ảnh: Mai Quý

Hiện nay, Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội đang xem xét phê duyệt chủ trương đầu tư 2 dự án tại Tiên Dương, Đông Anh, làm cơ sở để lựa chọn chủ đầu tư. Đồng thời rà soát, bổ sung khoảng 15 khu đất mới có quy mô lớn để đầu tư xây dựng các dự án khu nhà ở xã hội tập trung, đồng bộ hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội (khoảng 2.000 căn hộ/khu). Trong đó tập trung bố trí 2 - 3 khu đất xây dựng nhà ở công nhân tại khu vực gần các Khu công nghiệp.

Trong thời gian tới, sau khi Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô, Chương trình phát triển đô thị được ban hành, Thành phố triển khai điều chỉnh chương trình, kế hoạch phát triển nhà ở...

Cần có thêm các cơ chế chính sách hỗ trợ chủ đầu tư

Cũng theo Sở Xây dựng Hà Nội, công tác phát triển nhà ở xã hội trên địa bàn thành phố Hà Nội thời gian qua còn một số tồn tại, hạn chế. Từ năm 2015 đến nay, chưa có dự án nhà ở xã hội nào được đầu tư bằng vốn ngân sách, số lượng các dự án nhà ở xã hội phát triển mới còn hạn chế. Các dự án đầu tư xây dựng nhà ở xã hội, nhà ở công nhân đang triển khai đều chậm so với tiến độ được duyệt...

Nguyên nhân của tồn tại, hạn chế nêu trên chủ yếu do vướng mắc về trình tự, thủ tục lựa chọn chủ đầu tư dự án đầu tư xây dựng nhà ở xã hội theo hình thức đấu thầu mất nhiều thời gian.

Bên cạnh đó, việc lựa chọn chủ đầu tư thực hiện dự án tại các quỹ đất xây dựng nhà ở xã hội còn vướng mắc liên quan đến cơ sở pháp lý về tài sản công; chưa có quy định cụ thể về trình tự, thủ tục sử dụng nguồn tiền thu được từ tiền đóng tiền sử dụng đất thay thế cho 20% quỹ đất trong các dự án nhà ở thương mại, khu đô thị để phát triển nhà ở xã hội.

Đáng nói là cơ chế, chính sách ưu đãi đối với dự án nhà ở xã hội chưa thực sự hấp dẫn, chưa thu hút doanh nghiệp tham gia đầu tư xây dựng nhà ở xã hội, nhất là các dự án nhà ở xã hội khu vực ngoại thành và nhà ở xã hội phục vụ các đối tượng là công nhân, sinh viên.

Dự án xây dựng nhà ở xã hội khu vực ngoại thành chưa nhiều do Thành phố chưa nhận được nhiều hỗ trợ nguồn vốn từ Trung ương để đầu tư hoàn chỉnh hệ thống hạ tầng khung, nhất là hệ thống đường giao thông trọng điểm khu vực ngoại thành kết nối với trung tâm thành phố chưa thuận tiện nên chưa thu hút nhà đầu tư, cũng như chưa thu hút người mua nhà ở xã hội.

Luật Nhà ở năm 2023 quy định chủ đầu tư dự án xây dựng nhà ở xã hội chỉ được được hưởng lợi nhuận định mức tối đa 10%, đồng thời đối tượng được hưởng chính sách hỗ trợ mua, thuê, thuê mua nhà ở xã hội có mức thu nhập dưới 15 triệu/tháng. Với quy định nêu trên, người dân rất khó tiếp cận mua, thuê, thuê mua nhà ở xã hội.

Sở Xây dựng cho rằng, để thu hút nhà đầu tư tham gia đầu tư xây dựng nhà ở xã hội cần có thêm các cơ chế chính sách hỗ trợ chủ đầu tư thực hiện dự án nhằm giảm giá bán, cho thuê, cho thuê mua nhà ở xã hội, tạo điều kiện cho người dân có thu nhập thấp có khả năng mua, thuê, thuê mua nhà ở xã hội...

Đến nay trên địa bàn thành phố đã có 30 dự án nhà ở xã hội đã hoàn thành, với khoảng 1,66 triệu m2 sàn; 58 dự án đang triển khai với khoảng 4 triệu m2 sàn, 60.480 căn hộ và có 83 ô đất có tổng quy mô sử dụng đất khoảng 43,58ha tại 48 dự án nhà ở thương mại, khu đô thị phải dành quỹ đất 20% - 25% để xây dựng nhà ở xã hội theo quy định.

Phương Thảo

Nguồn LĐTĐ: https://laodongthudo.vn/giam-gia-tao-dieu-kien-cho-nguoi-thu-nhap-thap-co-kha-nang-mua-nha-o-xa-hoi-181871.html